Hối Hả Thu Hoạch Lúa Hè Thu
Thời điểm này, nhiều cánh đồng lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã và đang chín rộ. Những ngày qua, nông dân khẩn trương thu hoạch theo phương thức “cuốn chiếu” để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra. Thực tế ở nhiều nơi cho thấy vụ này năng suất lúa đạt rất cao…
Mùa vàng
Nhìn chiếc máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch ruộng lúa chín vàng của mình, bà Phạm Thị Chi (khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) phấn khởi: “Vụ ni tôi làm gần 3 sào lúa trên cánh đồng Ba Đại này, tất cả đều gieo sạ bằng giống ngắn ngày Thiên ưu 8. Hè thu này năng suất bình quân 1 sào chắc chắn sẽ không dưới 400kg lúa khô, tăng khoảng 80kg so với cùng vụ sản xuất năm ngoái”.
Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, hè thu 2014 nông dân trên địa bàn huyện canh tác tổng cộng 4.375ha lúa, trong đó 70 - 80% diện tích cơ cấu bằng những loại giống mới trung và ngắn ngày như HT1, TH3-5, Q5, TBR45, BC15.
Ông Mẫn nói: “Qua số liệu thống kê tại nhiều địa phương trong những ngày qua thì dự kiến vụ này năng suất lúa bình quân toàn huyện sẽ đạt ít nhất 60 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với hè thu 2013”.
Những ngày qua, lội trên nhiều cánh đồng lúa ở huyện Quế Sơn, chúng tôi nhận thấy niềm vui được mùa đến với nhiều nông dân. Nhìn mấy chục bao lúa tươi chất ven bờ, ông Ngô Quang Ngọc ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) hồ hởi: “Vừa ruộng của mình, vừa ruộng đi thuê của những người già yếu trong xóm, vụ này vợ chồng tôi làm cả thảy 12 sào lúa. Hiện nay, 85% diện tích đã được thu hoạch.
Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên năng suất đạt khá cao, phơi phóng xong có tệ chi mỗi sào cũng thu về 370kg lúa khô, tăng 60kg so với hè thu năm trước”. Theo ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn, mùa lúa này nông dân địa phương gieo sạ 3.013ha lúa.
Khảo sát tại nhiều vùng cho thấy năng suất bình quân đạt khoảng 52 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với hè thu năm ngoái. “52 tạ/ha đó là con số bình quân chung toàn huyện chứ riêng 1.500ha lúa thuộc các xã vùng đông như Quế Xuân 1, Hương An, Quế Phú, Quế Xuân 2 thì đạt đến 61 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với vụ hè thu 2013” – ông Châu nói.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hè thu 2014 toàn tỉnh sản xuất 44.000ha lúa, trong đó có 38.500ha chủ động tưới và 5.500ha phụ thuộc vào nước trời.
Ông Muộn nói: “Nhờ bố trí khung thời vụ hợp lý, cơ cấu nhiều loại giống mới có chất lượng cao, chủ động đối phó với tình trạng khô hạn, nhiễm mặn và đặc biệt là cơ quan chuyên môn tập trung chuyển giao mạnh mẽ các tiến bộ của khoa học – kỹ thuật cho nông dân nên vụ lúa này được mùa trên diện rộng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của các huyện, thành phố thì năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 51,5 tạ/ha, tăng hơn 6 tạ/ha so với vụ hè thu năm ngoái. Riêng 38.500ha lúa chính vụ đạt đến 56,5 tạ/ha”.
Gặt theo kiểu “cuốn chiếu”
Vụ này, bà Trần Thị Lan ở thôn Tân Phong (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) sản xuất 4 sào lúa. Do số diện tích đó xuống giống không cùng trà nên hiện nay lúa không chín đồng loạt. Vì thế, việc thu hoạch phải thực hiện theo phương thức “cuốn chiếu”.
Bà Lan nói: “Ở đây thuộc vùng trũng thấp, hễ mưa lớn kéo dài vài tiếng đồng hồ là nước ngập trắng đồng. Do vậy, bây giờ thấy đám lúa nào chín khoảng 85% là vợ chồng tôi cùng 2 đứa con lập tức khiêng máy ra đồng gặt thủ công chứ không chờ tất cả đều chín mới tiến hành thu hoạch một lúc. Sợ mưa lũ bất thường nên không thể đủng đỉnh được”.
Ngày 10.9 phải cơ bản thu hoạch xong 40.500ha lúa
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo dự báo, trong thời gian tới tình hình mưa lũ sẽ diễn biến rất phức tạp.
Vì vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần phải quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc nông dân khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng ngập úng gây ra.
Trong tổng số 44.000ha lúa trên toàn tỉnh thì bằng mọi giá phải gặt xong 40.500ha trước ngày 10.9, còn lại 3.000ha lúa nước ở một số huyện miền núi và 500ha thuộc khu tưới của hồ chứa Thạch Bàn (huyện Duy Xuyên) phải kéo dài thời gian thu hoạch đến ngày 25.9 vì xuống giống trễ vụ.
Tại nhiều địa phương khác của “rốn lũ” Nông Sơn, nhà nông cũng ra quân thu hoạch lúa với khí thế hết sức khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, hè thu 2014 nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ gần 800ha lúa. Tính đến thời điểm này người dân đã thu hoạch được 70% diện tích.
Ông Lanh nói: “Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, hiện nay ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở đang tích cực vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch các chân ruộng đã chín. Theo dự kiến, khoảng 5 ngày nữa là Nông Sơn sẽ gặt xong 30% diện tích lúa còn lại”.
Có mặt trên các cánh đồng của huyện Thăng Bình cũng thấy nông dân tất tả gặt lúa hè thu. Bà Phan Thị Hạnh – một người dân ở xã Bình Trung nói: “Những ngày gần đây, chiều nào trời cũng mưa dông kèm theo gió mạnh. Vì thế, thấy 3 sào lúa chín được 80 - 85% là tôi liền thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch.
Nếu chậm trễ, lỡ mưa gió làm lúa ngã rạp thì không chỉ sản lượng tụt giảm mà việc thu hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại”. Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình cho hay, trong tổng số 7.300ha lúa trên toàn huyện thì đến giờ này nông dân đã gặt được 45% diện tích.
“Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 100 chiếc máy gặt đập liên hợp đang tham gia thu hoạch lúa cả ngày lẫn đêm, nhờ vậy tiến độ diễn ra rất nhanh. Theo dự kiến, trước ngày 10.9, Thăng Bình sẽ gặt xong toàn bộ 7.300ha lúa vừa nêu” – ông Vũ nói.
Related news
Cá tra một thời tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong 5 năm qua hoạt động sản xuất (SX) và tiêu thụ cá tra vẫn chưa thoát được cảnh thăng trầm.
Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay Ngân hàng Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chi Chương trình 135…
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế thường niên lớn nhất khu vực Tây nam Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho DN các nước trong khu vực có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận thị trường lớn tại Trung Quốc, qua đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Trong hệ thống Dự án thủy lợi Cầu Sập, những hộ dân có đất canh tác nằm ngoài tuyến đê ven sông Hàm Luông là vùng quy hoạch nuôi tôm biển, còn phần bên trong tuyến đê là vùng không quy hoạch nuôi.
Theo anh Hà Duy (Phòng NN&PTNT), sau khi xử lý ổn thỏa 3,5 ha tôm bị nhiễm bệnh trước đây, do nắng nóng kéo dài nên đã có thêm nhiều diện tích nuôi tôm, cá bị nhiễm bệnh đốm trắng và môi trường.