Hòa Bình xã Vầy Nưa chuyển đổi giống cá nuôi vùng hồ
Năm 2015, thu nhập của người dân Vầy Nưa mới đạt trên 12 triệu đồng/người, cách khá xa so với bình quân gần 20 triệu đồng/người/năm trên toàn huyện. Nhận thức rõ khó khăn về cuộc sống, cung cách làm ăn của người dân trên địa bàn, chính quyền xã Vầy Nưa không ngừng tìm hướng đi mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Trao đổi với anh Xa Văn Đẳng, cán bộ Văn phòng UBND xã Vầy Nưa về vấn đề này được biết, trong nhiều năm qua, nuôi cá lồng được chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Vầy Nưa xác định tận dụng và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có mặt nước lòng hồ là hướng đi chính để kinh tế bứt phá. Chính vì vậy, đến nay, toàn xã đã phát triển lên gần 220 lồng nuôi cá. Số lượng lồng cá không ngừng được tăng lên. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng chưa cao, mới chỉ phát triển theo phong trào với các loại cá trắm, cá chép, rô phi đơn tính giá trị kinh tế không cao. Thu nhập sau khi trừ chi phí chỉ chừng hơn chục triệu đồng/lồng/năm, chưa kể rủi ro khác.
Nhận rõ vấn đề này, cuối năm 2015, xã được UBND huyện phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trong xây dựng NTM. Có nguồn lực, chính quyền xã Vầy Nưa đã triển khai mô hình nuôi cá chiên học tập từ một số địa phương đã nuôi thành công và là giống cá hoàn toàn mới. Được hỗ trợ 80 triệu đồng, xã đã phân bổ kinh phí cho 8 hộ, mỗi hộ 10 triệu đồng mua cá giống.
Theo anh Xa Văn Đẳng, đầu tư nuôi cá chiên đòi hỏi kỹ thuật khá cao. Người dân tập trung chăm sóc, cho ăn đúng quy trình, kỹ thuật sẽ đảm bảo phát triển tốt. Mỗi kg cá chiên hiện có giá từ 350.000 - 450.000 đồng, tùy từng loại, cá càng to giá càng cao. Nếu so sánh với các loại cá thường giá gấp 6 - 7 lần.
Tuân theo kỹ thuật, nuôi cá chiên có chu kỳ gần 2 năm sẽ cho mỗi con đạt khoảng 3 - 3,5 kg. Bình quân mỗi lồng có từ 100 - 120 con. Tính toán sau khi trừ hết chi phí, mỗi lồng cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, nguồn thức ăn cho cá chiên sẵn có là các loại cá nhỏ do người dân có thể đánh bắt gần bờ. Hiện nay, với mô hình 8 lồng nuôi cá chiên tại xã Vầy Nưa đang phát triển mạnh, từ khi nuôi đến nay được khoảng 6 tháng, mỗi con ước đạt từ 1 - 1,5 kg. Dự kiến hơn 1 năm nữa, những hộ nuôi cá chiên sẽ cho thu lứa đầu.
Chia sẻ về việc nuôi cá chiên, anh Xa Văn Đẳng cho biết thêm, nhiều nơi khác nuôi cá chiên đơn giản và cho thu nhập khá. Với Vầy Nưa hiện nay, điều quan trọng là phải nỗ lực để cá lớn, không bị dịch bệnh cho đến lúc xuất bán.
Hy vọng mô hình nuôi cá chiên tại xã Vầy Nưa sẽ thành công và đạt được kết quả như kỳ vọng. Kéo theo đó, nhiều hộ dân sẽ có kinh nghiệm và điều kiện để mở rộng sản xuất, làm giàu từ tiềm năng, lợi thế của xã.
Related news
Đánh bắt được hàng tạ cá kình con tại cửa biển Thuận An (Thừa Thiên- Huế), mỗi hộ dân thu được hàng chục triệu đồng mỗi ngày.
Ứng dụng chế phẩm vi sinh hay còn gọi là Probiotic trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nghề nuôi tôm và đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu các tác động của môi trường. Tuy nhiên hiện nay trong tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, nhiều bà con lo lắng các chế phẩm vi sinh có thực sự phát huy tác dụng và cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả.
Tạm biệt nỗi lo bấp bênh về thị trường tiêu thụ, sự trồi sụt của giá cá nguyên liệu hay những khó khăn của giá thức ăn chăn nuôi, những hộ dân tham gia “Chuỗi liên kết dọc cá tra” tại tỉnh An Giang đã yên tâm về một mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt.