Hiệu Quả Từ Vốn Vay Ưu Đãi Cho Người Nghèo
Nhờ chương trình vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo mà hàng chục ngàn gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có vốn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.
Năm 2006, ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cam Lộ cho vay 7 triệu đồng rồi dần dần nâng lên các mức 15 triệu đồng, 30 triệu đồng và hiện nay là mức vay dành cho đối tượng hộ cận nghèo 50 triệu đồng.
Từng trải qua những tháng ngày gian khó, nên khi có được đồng vốn để đầu tư sản xuất, ông Hoàng rất trân trọng và cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi của ngân hàng.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tích góp mở rộng dần, hiện ông Hoàng đã làm chủ một trang trại tổng hợp với 5 ha cao su chuẩn bị bước vào thu hoạch; 8 ha rừng trồng và 3 ha mặt nước nuôi cá. Sau bao nhiêu năm kiến tạo trang trại của ông Hoàng đang hứa hẹn những mùa quả ngọt đầu tiên mang lại sự no ấm, sung túc.
Ông Hoàng chia sẻ: “Năm 1999 lên vùng kinh tế mới này lập nghiệp cũng được gần chục nhà nhưng rồi cực quá người ta bỏ về hết, chúng tôi bám trụ lại được là vì cực khổ quen rồi, ở đây còn có đất trồng cây này, cây nọ chứ về quê thì chỉ có mấy sào ruộng cũng không đủ sống.
Năm 2006, khi được vay 7 triệu đồng tôi liền mua ngay một cặp bò vừa để làm vốn vừa lấy sức cày kéo. Cũng nhờ đôi bò này mà vợ chồng tôi khai hoang, vỡ đất trồng cây gây dựng nên cơ ngơi này”.
Nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ vốn vay đạt 1.661,7 tỷ đồng cho 70.620 hộ gia đình.
Riêng 9 tháng đầu năm 2014, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 325,678 tỷ đồng cho 14.381 lượt khách hàng vay vốn, trong đó nguồn vốn tập trung cho hộ nghèo chiếm 29% tổng dư nợ. Huyện Gio Linh là một trong những địa phương có dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi lớn trên địa bàn tỉnh.
Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn huyện Gio Linh trên 223 tỷ đồng với 13.558 hộ vay vốn, trong đó dư nợ hộ nghèo chiếm 25,8%. Thống kê tại thời điểm hiện tại, huyện Gio Linh có 2.244 hộ nghèo nhưng khách hàng còn dư nợ hộ nghèo của huyện ở NHCSXH là 2.835 hộ.
Lý giải về điều này, ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Gio Linh cho biết: “Sở dĩ số hộ còn dư nợ hộ nghèo lớn hơn số hộ nghèo thực tế tại thời điểm hiện tại 591 hộ là vì những hộ này hiện nay đã thoát nghèo nhưng hợp đồng tín dụng thì chưa đến thời kỳ thanh lý nên họ vẫn còn dư nợ. Điều này cũng cho thấy nguồn vốn cho vay ưu đãi đã được người dân sử dụng hiệu quả”.
Vợ chồng ông Trần Văn Thành và bà Hoàng Thị Bé ở thôn Hà Thanh, xã Gio Châu (Gio Linh) vốn là những nông dân chăm chỉ, cần cù, chịu khó, nếu không vì người con trai bị bệnh nhiễm trùng máu phải thường xuyên đi bệnh viện điều trị thì vợ chồng ông Thành sẽ không lâm vào cảnh túng bấn. Vì hoàn cảnh khó khăn đột xuất, gia đình ông Thành nằm trong danh sách hộ nghèo.
Nhờ đó, ông Thành được vay 30 triệu đồng từ vốn hộ nghèo để đầu tư mua máy cày phục vụ sản xuất. Nhà ông Thành có 2 mẫu ruộng, để kịp mùa vụ, vợ chồng ông phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để cày bừa làm đất trước khi gieo cấy.
Sau khi được vay vốn mua máy cày, không những tiết kiệm được thời gian và công sức làm đồng nhà mình, ông Thành còn tranh thủ cày thêm ruộng cho bà con trong xã; bà Bé, vợ ông Thành, có thêm thời gian để đầu tư nuôi cá và lợn nái sinh sản tăng thêm thu nhập, có thêm tiền trang trải chi phí chữa bệnh cho con.
Đến tháng 5/2014, sau khi có Thông tư của NHCSXH Việt Nam về điều chỉnh mức cho vay hộ nghèo, ông Thành được NHCSXH huyện Gio Linh giải ngân cho vay thêm 15 triệu đồng để mở rộng sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình.
Bên cạnh nguồn vốn vay phục vụ hộ nghèo, thực hiện Quyết định số 15/2013/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, chi nhánh đã triển khai cho vay từ tháng 4/2013. Đây là chương trình có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2014.
Chỉ sau hơn sau 1 năm triển khai thực hiện, dư nợ của chương trình đã đạt trên 201 tỷ đồng với trên 7.256 hộ cận nghèo được vay vốn, chiếm 41,7% số hộ cận nghèo do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội công bố cuối năm 2013, mức cho vay bình quân đạt 27,8 triệu đồng/hộ. Chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo ra đời thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững của đất nước.
Do đó, ngay từ khi triển khai thực hiện, chương trình đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ở địa phương, nhờ vậy ngày càng có nhiều những gia đình khắc phục được khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Related news
Những năm gần đây, hình thức chăn nuôi gia súc của người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung, mang tính hàng hóa đã hình thành đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nếu không quản lý và nâng cao kiến thức sử dụng cho người chăn nuôi, kháng sinh sẽ tràn lan trên thị trường, những chủng kháng thuốc từ động vật có thể lây truyền sang người tạo ra gánh nặng cho y tế cộng đồng, gây tổn thất lớn cho người dân.
Theo kết quả giám sát chủ động của Cơ quan thú y vùng III về sự lưu hành mầm bệnh tai xanh, từ phân tích mẫu huyết thanh cho thấy, tại Hà Tĩnh tỷ lệ lưu hành vi-rút tai xanh lên tới 40%, tại Nghệ An là 11%.
Trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên và những biến động của xã hội, một phần do eo hẹp kinh tế, phần chạy theo cơ chế thị trường, giống gà Hồ dần bị mai một.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường đã gần bằng cả năm ngoái (181 lô so với 187 lô). Tôm là mặt hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 82 lô (cả năm 2014 có 86 lô tôm bị cảnh báo)...