Hiệu Quả Từ Sản Xuất Nông Lâm Kết Hợp

Gia đình ông Đỗ Ngọc Tuyên, ở thôn Đắk Lập, xã Đắk D’rồ (Krông Nô) hiện có hơn 30 ha, trong đó hơn một nửa diện tích là đất đồi. Theo như lời ông kể thì trước đây toàn bộ diện tích này là đất bạc màu nên gia đình ông chỉ trồng mì, ngô nhưng năng suất thấp.
Để tiết kiệm đất, gia đình ông Tuyên trồng đậu dưới tán cao su
Sau khi tìm hiểu thực tế ở một số địa phương cũng như điều kiện thổ nhưỡng, ông đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 50 cây hương và kết quả cho phát triển tốt. Vì vậy, ông bàn với vợ tích cóp tiền bạc, vay mượn vốn để đầu tư vào trồng rừng, cà phê trên diện tích đất của gia đình và tiếp tục mua thêm đất đai.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông còn trồng xen các loại màu, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm có thêm thu nhập lo cho cuộc sống hàng ngày và đầu tư trở lại cho vườn cây công nghiệp. Đặc biệt, để chống xói mòn, tiết kiệm đất, ông trồng các loại cây lấy gỗ ở ven suối cũng như trên những vùng đất nghèo dinh dưỡng. Đến nay, gia đình ông đã có 5,8 ha cà phê, 11 ha cao su, trên 3.000 trụ tiêu, 6.000 gốc sưa đỏ 7 năm tuổi, trên 2.000 gốc lát hoa, cẩm lai cùng hàng trăm gốc xoan, muồng đen…
Mỗi năm, ông thu từ cà phê, tiêu gần 1 tỷ đồng. Ông Tuyên cho biết: “Việc đưa vào thực hiện thành công mô hình nông lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình. Thời gian đầu tuy hơi vất vả nhưng về sau thì nhàn hơn rất nhiều vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.
Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Bảo ở bon Đắk Mrê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) cũng giàu lên từ sản xuất nông lâm kết hợp. Hiện nay, gia đình ông có 3 ha tiêu, 2 ha cà phê, 7 ha cao su và 2 ha keo lai…Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình ông có thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Ông chia sẻ: “Phương châm của gia đình tôi là trồng nhiều cây, nuôi nhiều con vì nếu lỗ chỗ này lấy chỗ khác bù vào. Với lại, trong quá trình sản xuất, gia đình tôi luôn đảm bảo đúng kỹ thuật nên vườn rẫy lúc nào cũng xanh tốt, ít sâu bệnh. Việc phát triển kinh tế bằng mô hình nông lâm kết hợp là rất thuận tiện, không chỉ tiết kiệm được công chăm sóc, chi phí đầu tư mà còn góp phần chống xói mòn, cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Nếu cứ theo đà thuận lợi thế này, những năm tới tôi sẽ đầu tư mua thêm rẫy để trồng thêm cà phê, cao su”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành ở thôn 2, xã Ðắk Som (Đắk Glong) cũng trồng trên 7 ha keo lai. Ðể có nguồn thu nhập trong thời gian cây rừng chưa đến tuổi khai thác, ông Thành đã kết hợp trồng thêm các loại cây ngắn ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Thành cho biết: “Tận dụng những diện tích đất có độ nghiêng vừa phải, tôi trồng thêm cà phê, cây ăn quả xen với cây keo lai; còn nơi trũng thấp thì đào ao nuôi cá. Nhờ vậy, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp để nuôi cây rừng. Đặc biệt, khi kết hợp chăn nuôi, nhờ xa khu vực dân cư nên đàn gia súc ít dịch bệnh hơn, nguồn phân từ chăn nuôi có thể tận dụng để chăm bón cà phê, tiêu”.
Có thể nói, sản xuất nông lâm kết hợp đã bảo đảm canh tác bền vững trên đất dốc, tạo ra hiệu quả kinh tế cao.
Related news

Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn có những bước tiến mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã đưa tiềm năng, lợi thế mặt nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nuôi cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi vân) là một trong những thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Trong đề án quy hoạch nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sản xuất được 3.000 tấn cá nước lạnh thương phẩm. Nhưng đến nay, việc phát triển loại cá này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình rộ lên tình trạng khai thác tận diệt thủy sản, phổ biến là sử dụng chất nổ đánh bắt cá.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục trầm lắng, giá nguyên liệu vẫn giữ ổn định ở mức thấp, diện tích nuôi và sản lượng tăng ít so cùng kỳ, tình hình dịch bệnh phát sinh đã ảnh hưởng sản xuất của nông dân.

Đến nay đã mấy năm, người dân xã Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi những viên ngọc trai bị bế tắc đầu ra.