Hiệu quả từ mô hình trồng rau thủy canh
Mô hình sản xuất rau thủy canh được chị Ngô Thị Thanh Nhàn (ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) tiên phong phát triển ở địa phương, nhằm mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Chị Nhàn thu hoạch rau
Là người dân vùng chuyên canh lớn nhất TP. Long Xuyên, nên việc trồng rau màu đối với chị Ngô Thị Thanh Nhàn khá đơn giản. Tuy vậy, thực tế từ quá trình sản xuất, chị Nhàn muốn tìm cho mình hướng đi mới, mang đến hiệu quả cao hơn so với cách trồng rau truyền thống. Ngoài việc tiếp tục trồng rau sạch trong nhà màng, chị Nhàn quyết định đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng nhà màng với hệ thống giàn thủy canh, tưới nước tự động, với diện tích gần 500m2. Các thiết bị từ nhà kính đến hệ thống thủy canh được thiết kế theo tiêu chuẩn Isarel. Toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động, giúp quy trình chăm sóc trên hệ thống được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt nhất.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau thủy canh của gia đình, chị Nhàn cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi về mô hình trồng rau thủy canh. Dù chi phí đầu tư khá cao nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng, nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn”. Do là “tay ngang” nên chị gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm trong đợt đầu. Sau đợt đó, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, chị còn tìm tòi về kỹ thuật trồng rau thủy cảnh trên internet. Những cố gắng không ngừng của chị cũng được đền đáp, với chất lượng đợt rau thứ 2 tốt hơn nhiều so với đợt đầu. Dần dần, vườn rau thủy canh của chị có bước phát triển ổn định. Hiện tại, sản phẩm rau thủy canh của chị Nhàn được nhiều người biết đến và bắt đầu xuất hiện tại một số chợ trung tâm của TP. Long Xuyên. Mỗi tháng, vườn rau sản xuất và cung ứng khoảng 1 - 2 tấn rau các loại. Với sản lượng tiêu thụ ổn định, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng vườn rau của chị thu lợi nhuận bình quân từ 5 - 7 triệu đồng (tùy loại rau, tùy thời điểm).
Vườn rau thủy canh của chị Nhàn chủ yếu trồng các loại rau, như: xà lách, cải, rau muống… Tuy nhiên, chị không xuống giống tập trung mà theo từng khu và từng thời điểm, nhằm cung ứng cho thị trường hàng ngày, với nhiều loại rau khác nhau. Hiện tại, vườn rau thủy canh đã thu hoạch gần hết và đang chuẩn bị xuống giống đợt tiếp theo, để kịp bán trong dịp Tết. Theo chị Nhàn, ưu điểm của phương pháp trong rau thủy canh là sau khi thu hoạch, người trồng có thể sản xuất lại vụ mới mà không bị ảnh hưởng, năng suất sản lượng thu được rất cao. Rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn nên giảm đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm cho ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. “So với các loại rau thông thường, việc chăm sóc rau thủy cảnh nhẹ hơn. Đa số công đoạn đều được thực hiện tự động. Tuy giá thành rau thủy canh đắt hơn, nhưng chất lượng rau được kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng, vì thế đầu ra rất ổn định” - chị Nhàn chia sẻ.
Chị Ngô Thị Thanh Nhàn cho biết thêm, thời gian tới, chị sẽ hoàn thiện hệ thống thủy canh để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, mở rộng đầu tư và tiếp tục học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, cách quản lý sinh trưởng và phát triển cây. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết hợp phát triển sản phẩm du lịch vườn rau sạch tại địa phương. Bên cạnh đó, triển khai các kênh bán lẻ ở các chợ, giao hàng tận nơi trên địa bàn xã và các vùng lân cận; chủ động tìm kiếm, liên kết với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu nhận xét, mô hình trồng rau thủy canh của chị Ngô Thị Thanh Nhàn là mô hình sản xuất nông nghiệp mới ở địa phương. Ngoài đem lại nguồn thu nhập ổn định, các sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường. Vừa qua, Hội Nông dân xã đã giới thiệu cho nhiều người đến tham quan, học hỏi. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cần được nhân rộng
Related news
Áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ như cày lật gốc rạ, vùi phân xanh, phế phẩm nông nghiệp vào ruộng, tưới nước giải, phân chuồng, phân xanh
Ở xã miền núi xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có một người từng là "bộ đội cụ Hồ”, đó là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phạm Hồng Hiền.
Chỉ mới phát triển hơn 2 năm nay nhưng việc nuôi gà trong trang trại lạnh ở xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng đang mang lại nguồn thu ổn định cho người dân