Hiệu quả từ mô hình trồng rau đông sớm

Anh Lưu Văn Thịnh, xóm 8, xã Thượng Kiệm chăm sóc giàn mướp trái vụ.
Có mặt tại xóm 8, xóm 9, xã Thượng Kiệm những ngày tháng 10, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, trong khi các xã khác bà con mới bắt tay vào gieo trồng vụ đông thì nhiều khu vườn, cánh đồng ở đây su hào đã cho củ, bắp cải cũng đã trải lá bàng, thậm chí cuốn bắp chuẩn bị cho thu hoạch.
Vụ đông này, anh Trần Việt Phú, ở xóm 8 trồng hơn 4 vạn cây rau vừa bắp cải vừa súp lơ, su hào.
Anh Phú cho biết: Bắp cải, súp lơ, su hào là cây ưa lạnh, trồng sớm rất khó nhưng thường bán được giá cao nên vài năm nay, ngay từ tháng 7 gia đình tôi đã làm đất cấy giống.
Do thu hoạch sớm nên giá bán luôn duy trì ở mức 7 - 8 nghìn đồng/1 cây, trừ chi phí, trong vòng 3 tháng mỗi sào cho thu lãi trên 5 triệu đồng.
Theo anh Phú, trồng vụ đông sớm quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào thời tiết, đồng ruộng phải chủ động được tưới tiêu nước bởi trồng vụ đông sớm hay gặp mưa lớn đầu vụ.
Trong đợt mưa lớn cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, do không chủ động được việc tiêu nước nên hơn 1 vạn cây bắp cải của anh bị thối hỏng phải trồng lại.
Thời điểm này, tại gia đình anh Lưu Văn Thịnh ở xóm 8 cũng đang có hơn 1 vạn cây bắp cải chuẩn bị cho thu hoạch, ngoài ra anh còn trồng mướp, dưa lê.
Anh Thịnh chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ thời điểm giao mùa là rau ngoài chợ rất hiếm và giá cao.
Vậy nên gia đình tôi tính toán gieo trồng làm sao để rau được thu đúng thời điểm, khi các gia đình khác thu hoạch rộ thì tôi mới bắt đầu gieo mới.
Hiện nay, cả chợ hiếm người có mướp bán thì gia đình tôi mỗi ngày thu hái từ 50 - 70 kg, ngày rộ lên tới 1 tạ, giá bán 10 nghìn đồng/kg.
Cứ như vậy, tính ra với gần 4 mẫu ao vườn, doanh thu một năm của gia đình lên tới 400 - 500 triệu đồng, trừ chi phí cũng thu lãi 100 - 200 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, nhiều người trồng rau thâm niên ở Thượng Kiệm cho biết: Trồng rau trái vụ đòi hỏi kỹ thuật trồng công phu và tỉ mỉ, từ khâu lựa chọn giống tới xử lý đất.
Để đạt hiệu quả cao, người nông dân phải nắm chắc kỹ thuật, nhìn cây đoán bệnh và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Làm chủ kỹ thuật, tiêu thụ thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao là những yếu tố quan trọng để diện tích rau trái vụ ở Thượng Kiệm ngày càng mở rộng.
Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm cho biết: Từ lâu, người dân trong xã đã có tập quán trồng rau trái vụ.
Tuy nhiên, phong trào khi đó còn nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hoá chưa nhiều. Khoảng 5, 7 năm trở lại đây, mô hình này mới thực sự cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Thực hiện quy hoạch sản xuất, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ, UBND xã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là mở rộng diện tích trồng rau trái vụ.
Theo đó, UBND xã quy hoạch khu vực trồng rau trái vụ tại hai thôn là thôn 8 và thôn 9 với diện tích gần 50 ha.
Hiện nay tại đây đã có khoảng 15 hộ dân đang thâm canh rau màu quanh năm với quy mô lớn, trung bình mỗi hộ 3 - 4 mẫu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhiều hộ dân khác trước đó chỉ trồng lúa và một số loại hoa màu thông thường, được sự động viên, khuyến khích và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, xã đã tích cực trồng thêm rau trái vụ.
Các loại rau được trồng xoay vòng quanh năm là dưa lê, mướp xuân hè; bí xanh, mướp đắng hè thu; su hào, bắp cải, súp lơ đông sớm...
Sản phẩm làm ra không phải lo tiêu thụ vì tư thương về tận địa phương thu mua.
Thời gian tới, Thượng Kiệm tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng rau trái vụ. Bên cạnh đó xây dựng một số mô hình điểm về trồng rau kỹ thuật cao, an toàn theo hướng Viet Gap.
Related news

17.400 con cá đồng loạt chết chưa phải là con số cuối cùng khi mà nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa được giải quyết rốt ráo.

Từ đầu tháng 8 đến nay, cảng cá Vĩnh Lương (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) và những làng chài khác trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp trở lại, bởi tàu về cá nặng khoang. Mỗi chuyến ra khơi, sau khi trừ chi phí, chủ tàu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng.

Giá nghêu thương phẩm ở vùng nuôi nghêu xuất khẩu ven biển thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang có giá cao, nông dân nuôi nghêu rất phấn khởi.

Tỉnh Ninh Thuận là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước, tuy nhiên, hầu hết các trại giống chủ yếu ươm tôm giống, trong khi nhu cầu cua giống cao nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Lâu nay, con giống phục vụ nuôi cua thương phẩm chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên ảnh hưởng đến khả năng phát triển mở rộng.

Lợn rừng nuôi trên cát phèn, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng biển. Nghe có vẻ trái khoáy nhưng đây là mô hình đang phát huy hiệu quả trên địa bàn thôn Thâm Khê, xã vùng biển Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ông Trương Văn Cần, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mô hình kinh tế trang trại này đang được nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới”.