Hiệu quả từ mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm
Với ưu điểm dễ nuôi, đầu ra ổn định, nhiều hộ dân đang lựa chọn sò huyết để nuôi trong vuông tôm thay vì nuôi tôm, cua theo truyền thống. Với lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/héc-ta/năm, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đang giúp nhiều nông hộ ở Cà Mau vươn lên khá giả.
Mô hình nuôi sò huyết khởi phát tại xã Đông Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau cách đây khoảng 10 năm. Ban đầu, khi đi khai thác sò huyết dưới sông, biển, bà con bắt sò cỡ nhỏ về thả nuôi thử trong vuông tôm. Sò huyết tỏ ra thích hợp với vùng đất này, phát triển nhanh và dần trở thành đối tượng nuôi chính.
Vài năm nay, khi người dân đúc kết được kinh nghiệm, đảm bảo tỷ lệ thành công cao, mô hình nuôi sò huyết dần giúp nhiều nông hộ vươn lên làm giàu. Gia đình ông Vai Văn Thọ, ở ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, có 0,7ha vuông tôm. Năm 2017, ông thả nuôi sò huyết trong vuông tôm và thu về gần 200 triệu đồng. Những năm qua, con sò huyết đều đặn giúp gia đình ông lời hơn 100 triệu đồng/năm. Cũng nhờ thu nhập cao từ sò huyết, gia đình ông Thọ đã cất được căn nhà mới khang trang.
“Bà con thường thả 250.000-300.000 con sò huyết giống/héc-ta với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Sau 8 tháng thu hoạch, tiền lời có được gấp 4 lần tiền đầu tư. Năm nay, gia đình tôi thả hơn 20 triệu đồng tiền giống, sau 5 tháng, sò phát triển tốt, hứa hẹn lại có một vụ mùa thành công” - ông Thọ chia sẻ.
Tại ấp Kinh Lớn, ban đầu chỉ có vài hộ nuôi sò huyết nhưng nay nhà nhà thả nuôi. Ở Tổ hợp tác nuôi cua 19-5, nếu trước đây bà con chủ yếu nuôi cua và tôm sú, thì giờ đây con sò huyết đã được các tổ viên xem là đối tượng nuôi chính. Ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cua 19-5, cho biết: Con sò cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/héc-ta/năm. Từ đó, giúp bà con trong Tổ hợp tác có thu nhập cao hơn gấp đôi mô hình truyền thống nuôi tôm - cua kết hợp.
“Nuôi sò khỏe hơn nuôi cua, con cua phải cho ăn, còn sò không cần. Nuôi sò chỉ cần phải thay nước thường xuyên để lấy phù sa vào làm thức ăn mà hiệu quả rất cao. Trước đây, nuôi cua và tôm chỉ đạt khoảng 70 triệu đồng, còn hiện nay, trung bình thu nhập của bà con khoảng 170 triệu đồng/héc-ta/năm. Cá biệt, có những hộ thu vài trăm triệu nhờ trúng sò” - ông Phồi nói.
Theo người dân địa phương, ưu điểm của mô hình nuôi sò huyết là dễ thực hiện, không cần cho ăn, ít tốn công chăm sóc. Để đảm bảo vụ mùa thành công, bà con cần con giống tốt. Ngoài ra, điều kiện tiên quyết là khi thả giống, trong vuông tôm không được có rong, độ mặn phải đạt trên 20‰. Hiện mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đã được nhân rộng ra hơn 500ha tại xã Đông Thới.
“Mô hình nuôi sò huyết ban đầu được người dân làm tự phát. Sau đó, cấp trên tập huấn chuyển giao kỹ thuật để bà con làm bài bản hơn nên sản lượng đạt rất cao, khoảng 1-1,2 tấn/héc-ta/năm, giá sò thương phẩm nhiều năm qua ổn định, đầu ra thuận lợi. Đây cũng là mô hình sản xuất dễ thực hiện, giúp nhiều hộ trên địa bàn thoát nghèo bền vững” - ông Võ Văn Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thới, cho biết.
Mô hình nuôi xen sò huyết trong vuông tôm đã chứng minh được hiệu quả kinh tế. Sau thời gian phát triển mạnh trên địa bàn huyện Cái Nước, hiện mô hình đã được người dân ở các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển nuôi thử và đạt kết quả khả quan, hứa hẹn giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập.
Related news
Với quy mô hơn 20.000 con gà được chăn nuôi theo hướng VietGAP, mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (Trực Hùng, Trực Ninh, tỉnh Nam Định)
Ông Thịnh, người nuôi hàng nghìn con lươn trong can nhựa ở Hậu Giang, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng có những chia sẻ bất ngờ về kỹ thuật nuôi lươn
Mô canh tác lúa của của ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã) cả vụ chỉ sử dụng sữa tươi, hột gà và phân lân Địa Long phun cho lúa.