Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trắm đen
Mô hình nuôi cá trắm đen của ông Vũ Văn Nhung, thôn 4, xã Sông Khoai.
Thực hiện chủ trương của Thị ủy, kế hoạch của UBND thị xã về chuyển đổi vùng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, 3 năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế của các hộ nông dân trên địa bàn TX Quảng Yên đã tăng lên rõ rệt nhưng chậm.
Nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm các hộ chọn nuôi trong vùng còn đơn điệu, một số đối tượng nuôi truyền thống như: Cá chép, mè, rô phi chưa mang lại tính đột phá trong môi trường nước ngọt.
Nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân và tìm ra đối tượng nuôi mới, năm 2013, Trạm Khuyến nông của thị xã đã tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp tại hộ gia đình ông Nguyễn Canh Năm (xã Sông Khoai).
Trên diện tích ao rộng 6.000m2 ông đã đưa vào thả 3.000 con cá trắm đen giống. Sau 8 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%, trọng lượng trung bình đạt 1 - 1,2kg/con. Với giá bán 80.000 - 85.000 đồng/kg, con cá trắm đen đã mang lại lợi nhuận cho gia đình ông Năm trên 90 triệu đồng
Từ thành công của mô hình này, năm 2014, Hội Nông dân thị xã đã xây dựng dự án “Mở rộng mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp”. Với nguồn vốn 400 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, 20 hộ dân xã Sông Khoai tham gia dự án đã được vay 20 triệu đồng/hộ trong thời gian 24 tháng, mức phí cho vay là 0,7%/tháng.
Dẫn chúng tôi đi thăm ao đầm, ông Vũ Văn Nhung, ở thôn 4 cho biết: “Tập tính của cá trắm đen là sống dưới đáy ao và ăn các loại ốc. Chính vì vậy nên từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn nuôi cá trắm đen, nhưng chỉ nuôi xen kẽ với các loại cá khác để chúng dọn đáy ao, chứ chưa tính đến việc nuôi cá trắm đen với số lượng lớn và bằng thức ăn công nghiệp.
Khi được Hội Nông dân thị xã tuyên truyền, giới thiệu về dự án, đồng thời đứng ra giúp đỡ các hộ vay vốn và hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, chúng tôi quyết định đầu tư mua 3.000 con giống.
Sau 1 năm, cá đã đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con. Do nhu cầu oxy cao hơn các loại cá khác, để đảm bảo mật độ nuôi thích hợp, tháng 6 vừa qua gia đình đã thu hoạch trước 1.000 con có trọng lượng từ 1,6 - 1,8kg/con, lãi thu được trên 40 triệu đồng.
Nếu nuôi thêm khoảng 2 năm nữa, cá có thể đạt trọng lượng từ 3 - 6kg, giá bán có thể lên tới 100.000 - 120.000 đồng/kg thì lãi thu được chắc chắn sẽ nhiều hơn”. Không chỉ riêng gia đình ông Vũ Văn Nhung mà 19 hộ dân còn lại tham gia dự án đều đang rất phấn khởi khi nhận thấy khả năng thích nghi môi trường của cá trắm đen cao, kháng bệnh tốt, nhanh lớn.
Nếu như so sánh về giá trị kinh tế thì cá trắm đen có giá bán cao hơn gấp 2 - 3 lần so với các loại cá nước ngọt khác. Nhiều hộ gia đình đã bắt đầu xuất bán cá trắm đen thương phẩm và cho thu nhập khá ổn định.
“Mặc dù nguồn vốn vay dành cho mô hình không lớn, nhưng thực sự có ý nghĩa đối với các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ. Điều quan trọng hơn cả là hội viên nông dân được tiếp cận với các mô hình kinh tế mới, từ đó giúp người nông dân lựa chọn được những vật nuôi phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng vùng để tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp tại xã Sông Khoai đã chứng minh rõ nét điều ấy”. Ông Lê Đức Trà, Chủ tịch Hội Nông dân TX Quảng Yên khẳng định.
Related news
Chiếm gần 20% diện tích cây ăn quả của cả nước, cây có múi đang góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Tỉnh Hưng Yên có gần 5 nghìn ha ao, hồ, đầm, hơn 4,4 nghìn ha đất nằm tại vị trí có địa hình thấp trũng, phù hợp với việc trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đã và đang phát triển mạnh ở các xã tiểu vùng 3 và 4, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân địa phương. Những năm gần đây, huyện chủ trương phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phục vụ mục tiêu kinh tế nhưng không làm tổn hại đến môi sinh, môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Trong năm 2012 và 2013, diện tích cây atiso của huyện Sa Pa duy trì 32 ha, tập trung chủ yếu tại khu vực thị trấn và một số xã lân cận.
Từ kết quả, ngành nông nghiệp khuyến cáo các nhà vườn tích cực ứng dụng các biện pháp phòng trừ đúng cách, ngăn chặn sâu đục trái bưởi bùng phát trở lại.