Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Thương Phẩm

Phú Yên có mạng lưới sông suối với mật độ trung bình 0,5km/km2, với tổng chiều dài các sông là 2.600 km. Diện tích mặt nước ngọt trung bình khoảng 10.000 ha. Tuy có diện tích mặt nước ngọt tương đối lớn nhưng việc phát triển nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng.
Nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng mặt nước ngọt cũng như nguồn lao động dồi dào sẵn có tại địa phương, hàng năm Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Phú Yên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh các đối tượng thủy sản nước ngọt cho người dân trong tỉnh.
Nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế được nuôi thử nghiệm thành công, thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên ở Phú Yên như cá bống tượng, trê lai, điêu hồng, rô phi dòng gift, cá lóc, ếch… với các hình thức nuôi trong ao đất, bể xi măng, nuôi trong giai phù hợp với từng đối tượng.
Năm 2013, TTKNKN Phú Yên đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm. Quy mô diện tích ao hồ 10.000m2, cho 13 hộ nông dân tham gia thực hiện và hưởng lợi, số lượng giống thả nuôi 100.000 con, cỡ giống 250 con/kg, mật độ nuôi 10 con/m2. Trong đó, huyện Phú Hòa có 5 hộ tham gia thực hiện mô hình với tổng diện tích ao hồ 5.000m2, số lượng giống thả nuôi 50.000 con; huyện Tây Hòa có 4 hộ tham gia thực hiện mô hình với diện tích ao hồ 3.000m2, số lượng giống thả nuôi 30.000 con; huyện Sông Hinh có 4 hộ tham gia thực hiện mô hình với diện tích ao hồ 2.000m2, số lượng giống thả nuôi 20.000 con. Các hộ thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị con giống, hỗ trợ 30% giá trị thức ăn và vật tư khác.
Đồng thời với việc triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương nơi triển khai mô hình tổ chức 03 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Sông Hinh cho các hộ tham gia mô hình và bà con trong vùng. Bà con tham gia lớp tập huấn được hướng dẫn cách cải tạo ao, gây màu nước, chọn, thả giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi...
Đến nay, sau hơn 4 tháng nuôi, mô hình đạt mục tiêu đề ra: Cỡ cá thương phẩm đạt bình quân 10 con/kg, tỷ lệ sống đạt 77% (cao hơn mục tiêu đề ra 7%), năng suất sản lượng đạt bình quân 8,1 tấn/ha (cao hơn mục tiêu đề ra 1,1tấn/ha). Giá cá thương phẩm ngay tại hồ nuôi thấp nhất 30.000 đồng/kg, sau khi trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận đạt trên 41 triệu đồng/ha.
Kết quả thành công của mô hình đã khẳng định cá rô đầu vuông là một đối tượng nuôi mới thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên của Phú Yên, cá ít bị dịch bệnh, vốn đầu tư tương đối nhỏ, có thể nuôi ở nhiều quy mô khác nhau, ít tốn công chăm sóc, thức ăn có thể tự chế biến tại hộ gia đình, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp.
Từ kết quả thành công của mô hình, TTKNKN đã tổ chức cho nhiều bà con nông dân tham quan học tập để nhân rộng. Thấy được lợi ích của việc nuôi cá rô đầu vuông, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có thêm nhiều hộ nông dân đầu tư nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm. Việc nhân rộng mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, sử dụng có hiệu quả ao hồ nước ngọt sẵn có tại địa phương và lao động nông nhàn ở nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện nâng cao đời sống của bà con nông dân.
Related news

Có thể nói Thiện Mỹ là địa bàn tập trung sản xuất lúa chất lượng cao nhiều nhất huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Một thời giống lúa Jasmine 85 (lúa thơm) khởi phát từ đây có tiếng xa gần. Rồi thăng trầm, Jasmine có giai đoạn giảm dần diện tích đến mức thấp nhất. Lúc đó, giống lúa OM4900, OM5451, OM4218,... thay màu xanh đất lúa.

Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao trên nền ao tôm nước lợ được áp dụng thí điểm diện tích là 6 ha của 15 hộ tại ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp được Trung tâm Khuyến nông Sóc trăng hỗ trợ về giống, trạm khuyến nông thị xã hỗ trợ về kỷ thuật; đến nay lúa đã 50 ngày tuổi, phát triển tốt và đang nở bụi đẻ nhánh.

Tỷ lệ cho phép quả non và xanh của cà phê thu hoạch chỉ chiếm dưới 5%, tuy nhiên bằng mắt thường có thể thấy, tại Quảng Trị tỷ lệ này đã vượt 20%.

Những tháng đầu năm 2013, diện tích vườn cây ăn trái của huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) tiếp tục phát triển ổn định với trên 9.295ha, tăng 55ha so với cùng kỳ do nhiều bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng vườn.

Chúng tôi tìm đến “vựa cam” ở bản Tân Hương, xã Yên Khê (Con Cuông), khác với không khí nhộn nhịp thu hoạch cam như mọi năm, thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch nhưng khách vào mua cam vắng teo. Hai bên đường người trồng cam phải tự dựng các sạp để bán cam