Hiệu quả từ mô hình mạ khay - máy cấy - bón phân nhả chậm
Vụ xuân năm 2018 Trạm khuyến nông huyện Thuận Thành triển khai thí điểm mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy và bón phân nhả chậm vào sản xuất tại xã Ninh Xá góp phần giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân...
Cùng với lãnh đạo ngành nông nghiệp của huyện, cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn và đông đảo nhân dân xã Ninh Xá có mặt tại buổi trình diễn mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy và bón phân nhả chậm trên cánh đồng thôn Phủ, chúng tôi nhận thấy sự ngỡ ngàng, thán phục của nông dân trước hiệu quả áp dụng KHKT vào sản xuất. Toàn bộ các khâu, các bước trong sản xuất mạ khay, cấy máy, bón phân nhả chậm đều khác biệt và hiệu quả hơn rất nhiều so với cấy lúa truyền thống. Cụ thể như gieo mạ khay thì nhiệt độ và độ ẩm không khí được điều chỉnh ở mức độ thích hợp cho cây mạ từ khi mọc mầm tới khi đạt tiêu chuẩn. Khi áp dụng phương pháp gieo mạ khay sẽ rút ngắn được thời gian từ 4 - 6 ngày so với phương pháp làm mạ thông thường; cây mạ khay sinh trưởng khỏe hơn so với mạ thường, khắc phục được những hạn chế khi phải làm mạ ngoài trời và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, tránh được hiện tượng đứt rễ khi đem mạ ra cấy ngoài ruộng, giúp cây lúa có khả năng bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với cấy truyền thống. Mô hình gieo mạ khay, cấy máy và bón phân nhả chậm là mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa từ khâu làm mạ khay - làm đất - cấy máy - chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh - thu hoạch. Giúp cho nông dân chủ động được thời vụ, không phải làm đất, gieo mạ và chống chuột, lúa cấy xong bén rễ đẻ nhánh sớm, cho năng xuất cao, giảm giá thành sản xuất lúa từ 25% đến 35% so với cấy truyền thống. Cụ thể trên một sào bắc bộ nếu sử dụng cấy bằng máy năng suất lúa cao hơn khoảng 10% và chi phí cấy máy thấp hơn cấy bình thường khoảng 110 nghìn đồng/sào, tổng lợi nhuận cao hơn cấy truyền thống là 278 nghìn đồng/sào.
Việc ứng dụng mô hình mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, như hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trên đồng ruộng. Hiện nay xã Ninh Xá đang tiến hành dồn điền đổi thửa, những mảnh ruộng nhỏ lẻ manh mún trước đây thay vào đó là những thửa ruộng rộng lớn, đây chính là tiền đề để áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới và sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù mới đưa vào thử nghiệm, trình diễn tuy nhiên hiệu quả của mô hình mạ khay cấy máy mang lại đã từng bước giúp cho nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, góp phần tạo sự liên kết trong sản xuất, là điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện.
Related news
Cánh cửa xuất khẩu khó nhất vào Hoa Kỳ đã mở, người trồng vú sữa ở Tiền Giang, nhất là giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim như “bừng sống” trở lại
Ba Tri (tỉnh Bến Tre) là một trong những huyện có đàn bò lớn nhất tỉnh với hơn 150.000 con, gồm bò thịt và bò sinh sản.
Với tập quán sạ dày (từ 150 - 180kg/ha) thì lượng lúa giống cần cho SX dao động từ 250.000 - 300.000 tấn.