Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn

Hiệu Quả Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn
Publish date: Tuesday. May 29th, 2012

Trong những năm gần đây, tình trạng nông dân và doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản xảy ra phổ biến, trong đó người nông dân luôn chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân phải bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt, thậm chí bán cả lúa non để trang trải nợ nần. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là lời giải cho bài toán rối rắm này.

Hưởng ứng chương trình đầu tư 4 triệu tấn kho và thực hiện việc tiêu thụ lúa giúp nông dân các tỉnh ĐBSCL thoát cảnh được mùa, rớt giá, trong 2 năm 2010 - 2011, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (CTCPBVTVAG) đã xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với diện tích trên 30.400 ha và 4 nhà máy xay xát, chế biến gạo xuất khẩu tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Long An, trong đó có 3 nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất chế biến 100.000 tấn lúa/năm, giai đoạn 2 sẽ tăng lên 200.000 tấn/năm. Các nhà máy được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu ở các huyện vùng sâu, vùng xa để thu mua lúa tại chỗ.

Trong vụ hè thu 2011, công ty đã thực hiện xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) với quy mô 1.600 ha. Trong đó, công ty thực hiện cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân, đồng thời cho nông dân nợ không lãi suất 120 ngày và trừ lại khi nông dân bán lúa cho công ty. Trong quá trình canh tác, nông dân được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty, gọi tắt là FF (Farmer Friend) thực hiện tư vấn canh tác. Mỗi FF của công ty sẽ phụ trách hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trên diện tích 50 ha. Khi thu mua lúa, nông dân được hỗ trợ chi phí bốc vác, vận chuyển lúa về nhà máy, được sấy lúa và gởi kho miễn phí 30 ngày, nông dân chủ động giá và thời điểm bán lúa. Các quy trình này giúp nông dân tiết kiệm chi phí 435 đồng/kg.

Tại Đồng Tháp, tháng 8-2011, CTCPBVTVAG đã xây dựng nhà máy tại xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng) với công suất chế biến 100.000 tấn lúa/năm. Tuy được xây dựng vào thời điểm nước lũ dâng cao, nhưng nhà máy cũng hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động vụ đông xuân 2011 – 2012, đã ký hợp đồng thu mua 1.023 ha lúa của 406 hộ nông dân. Đây là vụ đầu tiên do lò sấy của nhà máy chưa hoàn chỉnh lại thu hoạch tập trung nên còn bị động trong khâu sấy. Tuy nhiên, nhà máy có nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ lúa kịp thời, không bị ảnh hưởng đến năng suất nên vụ hè thu 2012 có 828 hộ đăng ký tham gia với diện tích 2.057 ha.

Qua 2 năm thực hiện, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tác động tích cực đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Qua đó đã hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua, giảm bớt các khâu trung gian, giúp nông dân an tâm sản xuất. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã hình thành nên chuỗi giá trị mới cho nền nông nghiệp nước nhà. Nông dân không còn bán đổ, bán tháo lúa sau khi thu hoạch để trang trải chi phí sản xuất. Doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu để xây dựng thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, việc cung cấp giống chất lượng, cộng với quy trình canh tác bài bản với sự hướng dẫn tận tình của lực lượng FF đã giúp cho chất lượng gạo được nâng lên, giúp doanh nghiệp có thể bán giá cao trên thị trường.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty đánh giá cao lực lượng này. Đây là những cán bộ kỹ thuật trẻ, năng động, cùng ăn, cùng ở, cùng ra đồng với nông dân, giúp nông dân có thói quen ghi chép “nhật ký đồng ruộng”; ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nông dân. Ngoài tiền lương, Công ty còn hỗ trợ tiền “cà phê” để các kỹ sư này gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân phản ảnh về công ty trong quá trình hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản. Chính vì quy trình sản xuất bài bản và khép kín, quản lý chặt chẽ từ khâu gieo sạ đến khi thu hoạch đảm bảo được chất lượng hạt gạo đồng đều khi đưa ra thị trường, giúp có thể truy xuất nguồn gốc nông sản nên Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang mạnh dạn mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường vài trăm đồng/kg.

Qua kết quả khảo sát, nông dân tham gia mô hình có chi phí sản xuất thấp hơn nông dân không tham gia mô hình này, giá thành sản xuất lúa của nông dân tham gia mô hình là 2.581 đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất lúa của nông dân ngoài mô hình là 3.302 đồng/kg. Lợi nhuận trong mô hình khoảng 27 triệu đồng/ha, lợi nhuận ngoài mô hình chỉ 15 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả của mô hình này, hiện nay CTCPBVTVAG đang tiếp tục xây dựng thêm nhà máy, phát triển vùng nguyên liệu ở các tỉnh vùng ĐBSCL, dự kiến đến năm 2018 sẽ xây dựng hoàn thành 12 nhà máy bảo quản, xay xát, chế biến hiện đại, tiêu thụ 2,4 triệu tấn lúa/năm trên diện tích 360.000 ha của 12 tỉnh trong khu vực, trong đó tỉnh Đồng Tháp sẽ có thêm 1 nhà máy đặt tại huyện Thanh Bình vào năm 2014.

Related news

Lãng phí 60% nước tưới cà phê Lãng phí 60% nước tưới cà phê

Dự án “Sử dụng nước tưới hợp lý, nâng cao hiệu quả ngành sản xuất cà phê Việt Nam” do tập đoàn Nestlé phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ trị giá 2 triệu EUR đã hỗ trợ hiệu quả cho 50.000 nông hộ trồng cà phê 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng).

Thursday. July 2nd, 2015
Diện tích trồng sen ở Tháp Mười (Đồng Tháp) giảm Diện tích trồng sen ở Tháp Mười (Đồng Tháp) giảm

Toàn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) hiện chỉ còn 81ha sen, giảm 60ha so với vụ đông xuân và giảm 36ha so với vụ hè thu năm 2015.

Thursday. July 2nd, 2015
Trồng xen mắc ca như thế nào? Trồng xen mắc ca như thế nào?

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ dành trên 22.000ha đất để trồng mắc ca. Trong đó, chỉ khoảng 2.000ha được trồng chuyên canh với mật độ dày; 20.000ha còn lại được khuyến cáo trồng xen với các loại cây công nghiệp (cà phê, chè...) và các diện tích vườn tạp. Vì diện tích trồng xen chiếm đa số, nên việc trồng xen mắc ca trong cây công nghiệp với mật độ như thế nào, là vấn đề cần được xem xét cẩn trọng.

Thursday. July 2nd, 2015
Giải pháp nâng cao thu nhập cho người trồng bí Giải pháp nâng cao thu nhập cho người trồng bí

Bí xanh là loại cây rau ăn quả có giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao, được nông dân Vĩnh Phúc đưa vào sản xuất từ nhiều năm nay. Với mong muốn nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây bí, mới đây, Trại Nghiên cứu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp trồng bí leo giàn chữ U ngược hoàn toàn mới cho hiệu quả cao, đây được xem là giải pháp nâng cao thu nhập cho người trồng bí trong tương lai.

Thursday. July 2nd, 2015
Làm giàu với đồng ruộng Làm giàu với đồng ruộng

25 năm canh tác trên đồng ruộng, sự thạo nghề cộng với việc biết xây dựng kế hoạch cụ thể, nông dân Trần Đức Vĩnh (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) từng bước làm giàu trên mảnh ruộng của mình. Hàng năm, anh thu về trên 1 tỷ đồng từ gần 300 công đất của mình.

Thursday. July 2nd, 2015