Hiệu quả từ cải tiến kỹ thuật nuôi tôm ở một số trang trại ở Cẩm Xuyên
Đến thăm trang trại tôm của anh Dũng xóm 6, xã Cẩm Phúc - Cẩm Xuyên chúng tôi vui mừng chứng kiến trang trại đang bận rộn công tác thu hoạch và tiêu thụ tôm, mặc dù bận rộn với công việc tổ chức thu hoạch song với khí thế được mùa tôm Anh Dũng rất vui vẻ dành thời gian trao đổi với chúng tôi.
Anh Dũng cho biết, đây là vụ nuôi thắng lợi nhất của anh kể từ khi anh bước vào nghề nuôi tôm đến nay đã 7 năm và hiệu quả có được là nhờ sự mạnh dạn đầu tư cải tiến kỹ thuật chuẩn bị ao đầm nuôi tôm. Gia đình anh Dũng có tổng diện tích ao nuôi tôm là 1,3 ha gồm 3 ao (1 ao 0,5ha và 2 ao có diện tích bằng nhau, mỗi ao 0,4ha) phương pháp cải tiến của anh là trải bạt bờ và toàn bộ đáy ao nuôi, song do nguồn vốn hạn chế nên anh chỉ đầu tư được 1 ao là trải bạt bờ và đáy ao; 2 ao còn lại chỉ mới trải bạt hệ thống mái bờ.
Sau khi trải bạt thực hiện việc vệ sinh cải tạo ao, lấy nước, khử trùng nước bằng Chlorine 20g/m2, gây màu nước bằng phân vô cơ. Vụ nuôi này anh đã sử dụng nguồn giống của Viện Nghiên cứu NTTS III - Nha Trang, giá 50 đồng/con, cỡ giống P12, mật độ thả như sau: ao có lót bạt đáy 100con/m2, 2 ao còn lại 1 ao 62,5con/m2, 1 ao thả 37,5con/m2. Về thức ăn, anh cho biết đã dùng thức ăn hãng UP mua ở đại lý cấp 1, thức ăn hầu hết phải trả bằng tiền mặt, đại lý chỉ bán chịu cho khoảng 15 ngày vào cuối vụ nuôi.
Kinh phí vụ nuôi qua sổ theo dõi của anh là: Vôi, hoá chất 50triệu đồng, dầu chạy máy 30triệu đồng, thức ăn 7tấn x 27triệu đồng/tấn = 189 triệu, giống 900.000 x 50đồng/con = 45 triệu đồng, chi phí cải tạo 35 triệu đồng, tiền mua bạt 20triệu đồng, chi phí nhân công và chi phí khác 30 triệu đồng; tổng chi phí là 444 triệu đồng.
Sau 68 ngày anh đã thu hoạch được kết quả như sau: Ao có trải bạt đáy đạt 3,7tấn, 2 ao còn lại: 1 ao đạt 1,7tấn, 1ao 1,2tấn tổng 3 ao đạt 6,6 tấn, giá bán bình quân là 90 ngàn đồng/kg, tổng thu 594 triệu đồng, lợi nhuận là 150 triệu đồng; Như vậy năng suất quy đổi là 5,07tấn/ha, lợi nhuận 115 triệu đồng/ha.
Rời Cẩm Phúc, chúng tôi lên vùng nuôi Đồng Tùng, xã Cẩm Hưng thăm trang trại của anh Việt, anh là người Xứ Huế, là kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản tốt nghiệp tại Đại học Nha Trang, anh lấy vợ và lập nghiệp ở đây đã 4 năm. Gia đình anh đã thuê lại 1,2 ha đất của xã Cẩm Hưng, thời gian thuê đất là 5 năm.
Anh đã phải bỏ rất nhiều công sức vào xây dựng nội đồng vùng nuôi vì đây là vùng nuôi được hình thành từ chương trình dự án 224 của Chính Phủ (vùng nuôi chỉ mới được xây dựng đê bao cống chính), qua 3 năm xây dựng cải tạo nội đồng và thực hiện việc nuôi tôm, có vụ được vụ mất nhưng nhìn chung với chừng này diện tích nuôi tôm đây là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình; năm 2011 anh đã đầu tư cải tạo cải tiến hồ nuôi tôm bằng phương pháp vỗ bờ ao bằng bột đá và vôi, anh cho biết chi phí vật liệu và nhân công vỗ 1 hồ nuôi có diện tích 0,4ha là 30triệu đồng.
Sau khi hoàn thiện việc vỗ bờ và chuẩn bị hồ nuôi anh đã đồng loạt thả giống, nguồn giống anh mua từ Công ty Việt Thắng (Quảng Ngãi), số lượng 80 vạn con, giá 45 đồng/con; về thức ăn anh đã kiểm tra kiểm soát chặt chẽ sức ăn thực tế của tôm nuôi, có 3 ao nuôi anh đọc rành rọt cho chúng tôi: ao số 1 đã sử dụng 1,8 tấn thức ăn, ao số 2: 2,2 tấn, ao số 3: 3 tấn, hiện đã nuôi được 80 ngày, tôm đạt 90 - 100 con/kg, hiện đang thu tỉa, qua kiểm tra đánh giá của anh sản lượng các ao nuôi lần lượt là 1,7; 2,3; 3,7 tấn/ao tổng là 7,7 tấn, theo giá thị trường dự kiến 85 ngàn đồng/kg anh sẽ thu được 674 triệu đồng, theo hạch toán của anh giá thành sản xuất 01kg tôm thương phẩm là 50 ngàn đồng/kg; như vậy anh có lãi 35 ngàn/kg như vậy anh sẽ có lãi 269 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Việt còn cho biết bạn anh là anh Hoàng (vùng nuôi Cầu Gon- Cẩm Phúc) cũng có hồ nuôi được cải tiến bằng phương pháp kỹ thuật như anh với diện tích 1ha, 2 hồ nuôi đã thu được 5,5tấn có lãi gần 200 triệu đồng.
Từ thực tiễn sản xuất các trang trại nói trên có thể khẳng định rằng hiệu quả của việc cải tiến kỹ thuật nuôi tôm theo phương pháp lót bạt bờ và đáy hoặc vỗ bờ bằng bột đá và vôi đã thể hiện rõ nét; thiết nghĩ các cơ sở/hộ nuôi tôm cần sớm học tập ứng dụng nhân rộng hơn.
Tags: cai tien ky thuat, nuoi tom, ao nuoi tom