Hiệu quả mô hình tưới nước nhỏ giọt mùa khô
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, các nhà vườn đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống hạn trên cây trồng. Riêng đối với vườn cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Tấn Mẫn (ấp Vĩnh Hòa 2, xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành, An Giang) đã tìm ra giải pháp hữu hiệu giúp vườn cây ăn trái của gia đình phát triển xanh tốt bằng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Hệ thống tưới nước nhỏ giọt của gia đình anh Mẫn
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Tấn Mẫn chỉ trồng lúa, lợi nhuận không cao. Thấy vậy, anh quyết định tìm loại cây trồng mới thay thế cây lúa để phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2017, anh mạnh dạn chuyển đổi 2,8ha đất ruộng để lập vườn trồng cây ăn trái, như: xoài Đài Loan, quýt đường, cam xoàn. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Sở Khoa học và Công nghệ, anh Mẫn đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Sau thời gian thực hiện, anh Mẫn cho biết, điểm nổi bật của công nghệ tưới nhỏ giọt là tiết kiệm nước. Do nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi, thấm sâu.
Không chỉ tưới nước, hệ thống này còn có chức năng bón phân rất đồng đều và tiện lợi bằng cách lấy phân hòa lẫn với nước, sau đó cho vào bình chứa bơm qua hệ thống dẫn nước tới từng gốc cây.
Nhờ vậy, hạn chế tình trạng phân rơi vãi, gây lãng phí cho nông dân. Mặt khác, tưới nhỏ giọt giúp giảm nhân công lao động phun, tưới cây. Từ đó, giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
“Khác với phương pháp tưới truyền thống hoặc tưới phun là chỉ làm ướt phần đất quanh khu vực bộ rễ cây, tưới nhỏ giọt tập trung vào phần gốc cây nên tiết kiệm được tối đa nguồn nước tưới. Thời gian tưới nhanh hơn so với cách truyền thống. Với diện tích 2,8ha, chỉ cần 1 người là có thể vừa bơm nước, vừa bón phân, mỗi lần chỉ mất 2 giờ (trước đây phải mất 1,5 - 2 ngày).
Lượng phân bón được pha với nước nên giảm khoảng 30% so với cách bón phân truyền thống. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ này có thể dễ dàng điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây”- anh Mẫn chia sẻ.
Cũng theo anh Mẫn, mặc dù chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt khá cao, song hiệu quả mang lại không nhỏ trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường và thiếu công lao động như hiện nay. Không chỉ áp dụng trên vườn cây ăn trái, mô hình còn phát huy hiệu quả đối với những vùng canh tác rau màu như: ớt, dưa leo, khổ qua...
Tuy nhiên, theo anh Mẫn, việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt còn gặp nhiều khó khăn. Ống dây dễ bị rách do chuột cắn hay do tác động từ ngoại cảnh.
Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ thích hợp đối với những loại cây trồng trong độ tuổi từ 12 - 15 tháng trở lại. Khi cây trưởng thành, rễ cây vươn rộng nên cây khó hấp thu hết chất dinh dưỡng từ phân; nước không thể tưới đến phần lá nên khó quản lý được sâu bệnh, dịch hại...
Nhận thấy mô hình tưới tiết kiệm nước đem lại hiệu quả, anh Phùng Văn Chuyện (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận) đã áp dụng trên 2 công quýt đường của gia đình. Sau thời gian thực hiện, anh Chuyện cho biết, hiệu quả rõ rệt nhất của mô hình là tiết kiệm chi phí, công lao động, giảm lượng nước tưới cho cây quýt đường.
Trước tình trạng thời tiết khô hạn như hiện nay, mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước được xem là phương án hữu hiệu, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết bài toán về lao động ở địa phương.
Ông Võ Minh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Vĩnh Nhuận cho biết, địa phương luôn chú trọng hỗ trợ, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho bà con ND. Trong đó việc ứng dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt được xem là hướng đi hiệu quả giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất cho ND.
“Thấy được hiệu quả, nhiều ND trong xã mạnh dạn xây dựng mô hình này để phục vụ việc tưới tiêu. Chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ các hộ có nhu cầu để được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt này”- ông Hải thông tin.
Related news
Trên đất lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp, nông dân (ND) Phú Tân (An Giang) chuyển đổi, thay thế các loại cây trồng phù hợp để tăng hiệu quả kinh tế.
Chỉ cần nhạy bén trong chọn lựa cây trồng ở từng thời vụ, nắm vững kỹ thuật sản xuất, nông dân có thể ứng phó được với thời tiết khô hạn hiện nay.
Xu hướng của người dân hiện nay là sử dụng sản phẩm sạch, việc tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP của nông dân ở Tổ hợp tác làm vườn bến Bà Chi