Hiệu quả mô hình nuôi tôm trên cát
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trên cát cho năng suất và sản lượng cao, tập trung ở các huyện ven biển, như: Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Với những ưu điểm như chủ động được mùa vụ, thu hoạch dễ dàng, rủi ro thấp... nhiều mô hình đã phát triển theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình nuôi tôm trên cát của gia đình anh Phùng Quốc Hội, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).
Một số hộ dân xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã chủ động học tập kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng từ các địa phương khác và áp dụng, xây dựng mô hình trên địa bàn xã. Theo lời giới thiệu của cán bộ nông nghiệp xã Hoằng Phụ, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của gia đình anh Phùng Quốc Hội. Đây là năm thứ 12 gia đình anh Hội gắn bó với nghề này. Sau những năm đầu manh nha nuôi 2 ao với diện tích 0,5 ha, cho đến nay gia đình anh đã mở rộng diện tích hơn 1,5 ha, với 6 ao. Anh Hội chia sẻ: “Công việc quan trọng và khó khăn nhất là xử lý đáy cát. Tôi phải mua sỏi đổ vào ao, rồi thuê xe lu chặt. Sau đó, dùng đất thịt đổ tiếp lên trên mặt đáy, rồi dùng xe lu lăn thêm lần nữa, tổng cộng đáy ao có độ dày lên đến 70 cm, bảo đảm nước không thấm được”. Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng, anh nhập con giống từ Công ty CP Thủy sản Việt – Úc (Bình Định) và được kiểm tra dịch bệnh nghiêm ngặt, bảo đảm chất lượng. Trung bình 1 năm, gia đình anh Hội nuôi 2 vụ, sản lượng trung bình 60 tấn/năm, trừ chi phí, anh thu về 700 triệu đồng. Tuy mô hình nuôi tôm trên cát của gia đình anh Lợi được đánh giá là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng anh luôn trăn trở làm sao để nghề này được nhân rộng trên địa bàn xã, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng trên những diện tích đất cát bỏ hoang, giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế.
Được biết, xã Hoằng Phụ hiện có 36 hộ đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát, với tổng diện tích 29,44 ha. Các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã tạo việc làm cho hơn 200 lao động thời vụ. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ: Nuôi tôm công nghiệp trên cát có nhiều ưu điểm, đó là thời gian nuôi ngắn so với con nuôi khác, tôm thẻ chân trắng dễ nuôi do chịu được môi trường thay đổi, thích nghi với độ mặn, chịu được nhiệt độ thấp, cho năng suất cao. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đến việc phát triển nuôi tôm trên cát, đó là việc người nuôi chưa chủ động được con giống. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn hạn chế cho những người mới bắt đầu đầu tư. Thời gian tới, UBND xã Hoằng Phụ tiếp tục tạo điều kiện để người dân thuê đất, phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Đồng thời, khuyến khích những hộ nuôi có hiệu quả kinh tế tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi thả.
Đến thôn Tân, xã Quảng Nham (Quảng Xương), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Trần Văn Lợi. Sẵn có kỹ thuật về nuôi tôm, anh đã huy động nguồn vốn và chọn vùng cát hoang ở xã để đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát. Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 20 tỷ đồng, gia đình anh đã đầu tư xây dựng các ao nuôi trên diện tích đất 20 ha. Đến nay, mỗi vụ sản lượng trung bình đạt từ 200 đến 250 tấn, trừ chi phí anh thu lãi gần 10 tỷ đồng. Mô hình của gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động, với thu nhập từ 5 đến 9 triệu đồng/người. Anh Lợi cho biết: “Nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao và thực sự bền vững khi người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về kỹ thuật. Toàn bộ ao nuôi đều được lót bạt, hệ thống ống dẫn nước được đặt ngầm dưới lòng đất, bảo đảm nguồn nước đủ độ mặn. Ngoài ra, quá trình lựa chọn con giống được thực hiện kỹ lưỡng, hạn chế tối đa rủi ro”.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, hy vọng những mô hình nuôi tôm trên cát ở các địa phương ven biển sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng bền vững.
Related news
Mô hình này đạt được những hiệu quả ngoài mong đợi, không chỉ năng suất cao mà mà còn hướng đến mục tiêu giảm tác động môi trường thông qua quản lý thức ăn
Vẹm xanh (Perna viridis) được nuôi khá nhiều ở một số khu vực ven biển nước ta. Tuy nhiên, nghề nuôi này chưa thực sự phát triển bởi nguồn giống hạn chế.
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của người dân huyện Tĩnh Gia bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, mở ra một hướng đi mới trong nuôi tôm