Hiệu quả mô hình nuôi gà an toàn sinh học
Những năm qua, mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai và mang lại nhiều tín hiệu khả quan, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Đồng thời, thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôigiúp cho người nuôi cũng như người tiêu dùng giải quyết bài toán về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Mô hình nuôi gà trên đệm lót của anh Nguyễn Văn Đực
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Nhằm giúp người chăn nuôi gà trên địa bàn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường… Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng chế phẩm probiotic. Trong đó, mô hình chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Đực (ngụ ấp Phú Đức, xã Phú Thạnh) là một điển hình. Mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp đệm lót sinh học được anh Nguyễn Văn Đực triển khai lần đầu tiên vào năm 2018 với 100 con gà ta lai. Sau hơn 2 tháng nuôi thí điểm, trọng lượng mỗi con gà đạt khoảng 1,2kg và bán với giá 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Đực thu lãi trên 3 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Đực, để mô hình đạt hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là phải áp dụng KHKT. Theo đó, chuồng trại được xây dựng theo kiểu hở, thông thoáng tự nhiên. Nền chuồng được lót bằng đệm lót lên men, gà sau khi đem về nuôi được chiếu đèn sáng liên tục trong 15 ngày đầu. Từ ngày thứ 16-30 ngày tuổi, chỉ sử dụng chiếu sáng vào ban đêm. Gà chủ yếu ăn thức ăn công nghiệp, ngoài ra còn kết hợp cho ăn thêm lúa để tăng sức đề kháng. Hàng ngày, phải dọn dẹp và vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ, định kỳ 1 tuần sát trùng sân chơi 1 lần. Bên cạnh đó, người nuôi phải chủ động tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ để ngăn ngừa một số bệnh phổ biến trên gà.
“Việc áp dụng phương thức nuôi trên đệm lót lên men giúp giảm tỷ lệ gà mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể. Nuôi gà trên đệm lót sinh học không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa công lao động trong quét dọn, vệ sinh chuồng trại trong quá trình chăn nuôi. Khi đó, úm gà con trên đệm lót lên men, gà con đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt về sau. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông mượt và sạch” - anh Đực thông tin.
Thân thiện môi trường
Cũng như ông Nguyễn Văn Đực, ông Nguyễn Văn Thi (ngụ ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm) cũng áp dụng mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, bước đầu mang lại hiệu quả tương đối khả quan.
Ông Thi cho biết, trên diện tích 30m2, ông xây dựng chuồng trại cao ráo, thoáng mát để thả nuôi 200 con giống. Trước khi bắt gà về nuôi, ông Thi tiến hành vệ sinh chuồng trại, phun xịt hóa chất chuồng úm. Nền chuồng được lót lớp trấu dày khoảng 10cm, sau đó rải men ủ làm đệm lót và dùng lưới làm hàng rào xung quanh, cách ly với các con vật bên ngoài, có cổng ra vào, trước cổng có hố vôi sát trùng. Khi gà con được khoảng 7-10 ngày tuổi, bắt đầu tiến hành ủ men Balasa N01 làm đệm lót. Sau 13 tuần nuôi, gà đạt trọng lượng khoảng 1,2kg/con, với giá bán khoảng 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Thi thu lợi nhuận trên 4 triệu đồng.
Nuôi gà trên đệm lót sinh học giảm ô nhiễm môi trường
Nói về ưu điểm của việc áp dụng mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, ông Thi đánh giá, nuôi gà trên nền đệm lót hạn chế nhiều loại dịch bệnh, chi phí đầu tư giảm rất nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống. Đặc biệt, mùi hôi và khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn nên môi trường chăn nuôi không bị ô nhiễm. “Mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học, kết hợp với ứng dụng chế phẩm sinh học giúp gà khỏe mạnh, phát triển đồng đều, giảm 1/3 khẩu phần thức ăn, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế dùng thuốc kháng sinh. Đồng thời, cho xuất chuồng sớm từ 10-15 ngày, giảm ngày công lao động, giảm mùi hôi phân từ 70-80%, góp phần giảm ô nhiễm môi trường” - ông Thi cho biết.
Thực tế cho thấy, mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học là hướng đi mới kết hợp ứng dụng KHKT trong chăn nuôi, giúp người chăn nuôi phát triển ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng, tăng thêm nguồn thu nhập cho người nông dân.
Related news
Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, thường gây thiệt hại nặng cho cây con, thường xảy ra trong khu đất cũ đã phát bệnh và ẩm độ cao
Diễn biến thất thường từ nóng ấm sang lạnh, một số ngày đêm và sáng có sương mù, ẩm độ không khí cao, ở những vùng trồng dưa chuột, dưa lê, dưa hấu bị chết...
Tuy trong mùa khô hạn nhưng vùng mía trồng xen trong các lô cao su tái canh của TCty Cao su Đồng Nai, Phước Hòa vẫn xanh tốt