Hiệu quả mô hình bể lắng 4 ngăn
Chất thải chăn nuôi được coi là nguồn tài nguyên quý giá, cần được tái tạo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm phân bón hữu cơ phục vụ cho ngành trồng trọt.
Mô hình bể lắng 4 ngăn kết hợp nhà ủ phân tại một trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Nhận thấy những lợi ích trước mắt, một số hộ chăn nuôi đã áp dụng mô hình bể lắng 4 ngăn kết hợp nhà ủ phân để xử lý chất thải.
Là người có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, anh Trịnh Văn Kiên (xóm An Đạo, xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết, mỗi lứa nhà anh chăn nuôi khoảng 500 con lợn thịt, vì thế mỗi ngày lượng chất thải thải ra ngoài rất nhiều. Để xử lý chất thải, gia đình anh đã xây dựng 9 hầm biogas với tổng thể tích 1.000m3.
Giai đoạn đàn lợn còn nhỏ thì 9 hầm biogas thoải mái chứa chất thải. Tuy nhiên, khi lợn bước sang giai đoạn trưởng thành (70kg/con trở lên), chúng ăn nhiều nên lượng phân thải ra hầm biogas quá tải, chỉ sau thời gian ngắn chất thải trong hầm đầy ứ lên và tràn ra ngoài môi trường, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng sức khỏe đến các gia đình xung quanh.
Năm 2017, gia đình anh được BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Nam Định (LCASP) hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng bể lắng 4 ngăn trước hầm biogas kết hợp nhà ủ phân rộng 100m2 để xử lý chất thải chăn nuôi của trang trại.
Theo đó, bể lắng của gia đình anh được xây dựng với kích thước 2x20x1,5m; giữa các bể gắn một cút chữ T nằm ngang theo kiểu dích dắc để lưu thông chất thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nguyên lý hoạt động của mô hình này như sau: Chất thải chăn nuôi được xả ra bể lắng 4 ngăn. Khi bể lắng thứ 1 đầy ứ, thì chất thải chảy sang bể lắng thứ 2 và cứ thế chảy đến bể lắng thứ 4. Khi cả 4 bể lắng đều đầy thì toàn bộ nước thải sẽ được xả xuống hầm biogas.
Với nguyên lý hoạt động như trên, phân sẽ đọng lại ở các bể lắng và chỉ có nước thải chảy xuống hầm biogas, nhằm hạn chế quá tải công trình khí sinh học. Nước trong hầm biogas sẽ được xả xuống một bể lắng khác có hệ thống lọc bằng sỏi, giúp nguồn nước thải ra ngoài môi trường không còn mùi hôi thối, nước trong và rất tốt cho việc tưới cây.
“Phải công nhận rằng, sử dụng mô hình bể lắng 4 ngăn trước hầm biogas để xử lý chất thải, khu vực trang trại của gia đình tôi không còn bốc mùi hôi thối; giải quyết được sự quá tải cho hầm biogas; nước thải tưới cho cây trồng rất tốt. Hơn nữa, toàn bộ số lượng phân lắng xuống bể đều được đưa ra ngoài để ủ hoai mục và bán cho các nhà vườn”, anh Kiên khẳng định.
Anh Kiên nhẩm tính, mỗi tháng, gia đình anh thu nhập thêm khoảng 3 - 4 triệu đồng từ việc bán phân ủ hoai mục cho các nhà vườn trồng cây, rau màu và tiết kiệm được hàng trăm nghìn đồng tiền gas/tháng.
Cũng giống như gia đình anh Kiên, ông Vũ Văn Liên, chủ trang trại chăn nuôi 500 con lợn ở xã Hải Đông (huyện Hải Hậu) tham gia mô hình bể lắng 4 ngăn trước hầm biogas cho biết, nếu không áp dụng mô hình này, một hộ chăn nuôi 500 con lợn sẽ cần xây hầm biogas thể tích từ 300 - 500m3 để xử lý chất thải.
Nhưng khi áp dụng với bể lắng 4 ngăn thì thể tích có thể giảm xuống 10 lần, còn 30 - 50m3, góp phần giảm được diện tích xây hầm biogas và chi phí đầu tư. Ngoài ra, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Trước đây, nhà tôi chỉ sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải, nhưng do quá tải nên nhiều lúc gây ô nhiễm môi trường. Từ khi được Dự án LCASP hỗ trợ mô hình bể lắng 4 ngăn trước hầm biogas thì gia đình tận dụng được nguồn phân để trồng cây và bán cho người dân; nguồn nước thải thải ra ngoài môi trường đảm bảo hơn”, ông Liên chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Tấn, Điều phối viên Dự án LCASP tỉnh Nam Định chia sẻ, mô hình bể lắng 4 ngăn xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn kết hợp với nhà ủ phân được chính quyền các cấp đánh giá rất cao và được người dân đón nhận.
“Sử dụng bể lắng 4 ngăn hầu hết thu gom được phân thải từ trang trại trước khi vào hầm biogas nên hầm không quá tải; chất thải tiếp tục từ hầm biogas chảy ra bể lắng, bể đá sỏi và cuối cùng chảy ra môi trường, giảm ô nhiễm rõ rệt, nước không đen, không mùi, góp phần bảo vệ môi trường bền vững”, ông Tấn cho biết thêm.
Related news
Bài viết cung cấp cái nhìn tổng thể về nấm men trong ruột cá và vai trò của nấm men với cá.
Vào thời điểm giao mùa cá nuôi thường mắc một số bệnh như: Bệnh đốm đỏ, bệnh đường ruột, bệnh nấm thủy my, bệnh trùng mỏ neo… Dưới đây là cách phòng trị bệnh:
Để giúp người nông dân có thêm thông tin về kỹ thuật nuôi ba ba thương phẩm, xin lưu ý với bà con một số vấn đề sau: