Hiệu Quả Dự Án Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím

Những năm gần đây, việc cải tạo một số cây trồng như: Nhãn, xoài, bơ bằng công nghệ ghép mắt cành đã phát huy tối đa về năng suất, chất lượng và tạo lợi thế về giá trị hàng hoá.
Tại Mộc Châu (Sơn La), các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công phương pháp ghép cây cà chua trái vụ trên cây cà tím tạo ra giống cà chua năng suất, chất lượng phù hợp với thị hiếu thị trường.
Hiện nay, ngoài một số xã Chiềng Hắc, Đông Sang, Mường Sang ở Mộc Châu; nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cũng đang tiến hành trồng cà chua trái vụ bằng phương thức gieo hạt truyền thống. Nhưng để sản xuất cà chua trái vụ, các hộ nông dân gặp khó khăn trong việc xử lý bệnh héo xanh làm giảm năng suất.
Khắc phục nhược điểm này, năm 2013, Công ty CP GreenFarm, trụ sở tại Mộc Châu đã triển khai thực hiện dự án “Cà chua ghép trên gốc cây cà tím” tại bản Áng 1, xã Đông Sang.
Đây là tiến bộ kỹ thuật được Trung tâm Phát triển rau châu Á (AVRDC - Taiwan) chuyển giao cho Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam từ năm 1998 và đã thử nghiệm có kết quả ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tại Mộc Châu, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đề tài thử nghiệm đã thành công, được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu, hiện nay Công ty cổ phần GreenFarm đang tiến hành sản xuất, chuyển giao và cung cấp giống cà chua ghép trên cây cà tím cho nông hộ theo yêu cầu.
Thạc sĩ Trương Văn Dư, Giám đốc Công ty CP GreenFarm, cho hay: Cây cà chua ghép sử dụng bộ rễ của cà tím nên cây khoẻ, sinh trưởng tốt, chịu được úng ngập, kháng bệnh héo rũ, vi khuẩn, xoăn lá… hơn hẳn cà chua không ghép; năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Anh Lê Văn Các, bản Áng 1, xã Đông Sang (Mộc Châu) phấn khởi: Gia đình tôi chuyển đổi từ gieo hạt sang trồng cà chua ghép trên gốc cà tím vào năm 2013, quy mô 1.500 cây. Năm nay, gia đình tôi đã nhân lên 3 vạn cây và trồng trên diện tích 1,5 ha. Cây cà chua ghép trên cây cà tím cho thu hoạch kéo dài, năng suất cao hơn cà chua thường từ 1,5 - 2 lần, giá bán tại vườn đạt 13.000 - 15.000 đồng/kg. Dự kiến năng suất vụ này vào khoảng 90 tấn quả/ha.
Theo khảo sát tại một số địa phương, cho thấy cà chua ghép trên cây cà tím trồng ngoài trời cho năng suất từ 70 - 90 tấn quả/ha, còn trồng trong nhà lưới hoặc nhà kính đạt khoảng 190 - 210 tấn quả/ha. Năng suất, sức đề kháng cao, ưu thế của cà chua ghép trên cây cà tím trồng trái vụ, đó chính là những lợi thế mà cà chua trồng chính vụ không có được.
Việc cây cà chua ghép trên cây cà tím trồng ở Mộc Châu đang phát huy hiệu quả kinh tế, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất...
Related news

Chiều 12/6, UBND tỉnh Quảng Bình và Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tổ chức Hội nghị giới thiệu về hợp tác và phát triển tàu cá vỏ thép cho ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu lên nghịch lý của ngành điều VN từ nhiều năm nay: Mặc dù ngành công nghiệp chế biến điều VN đã tạo được đột phá, xếp hàng thứ hai thế giới sau Ấn Độ; xếp hàng đầu thế giới về XK nhân điều (từ năm 2006-2013); nhưng những năm gần đây, diện tích điều lại liên tục giảm sút, nhiều nơi nông dân chặt bỏ điều để trồng cây khác.

Nhà máy phá sản. Giám đốc đi tù. Bản thân thất nghiệp. Những tưởng ngõ cụt đã cận kề lại mở ra cho anh một con đường mới: sưu tầm những loại lan đón khách, tiễn khách cổ truyền của đất Bắc xưa.

Từ năm 2012 đến nay, An Giang đều tổ chức thả cá về thiên nhiên, số lượng ngày càng tăng về loài, trong đó có một số loại cá quý hiếm. Việc làm này nhằm kêu gọi cộng đồng ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trong thiên nhiên, nhất là những loài cá trước đây nổi tiếng vì thịt ngon, số lượng nhiều, nay đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng cát pha ven biển và đất nhiễm mặn, thời gian gần đây, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã hướng cho nhân dân các xã Nga Thanh, Nga Thái, Nga Liên, Nga An trồng hồng xiêm Lái Cấm và bưởi Diễn. Các mô hình được phát triển đại trà trên đất ruộng nhiễm mặn kém hiệu quả, chân đất màu không chủ động được nước tưới và xen canh trong các khu dân cư, cho thu hoạch từ 250 đến 300 triệu đồng/ha.