Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả cao từ trồng dưa Kim hoàng hậu

Hiệu quả cao từ trồng dưa Kim hoàng hậu
Publish date: Thursday. June 18th, 2015

Đến thôn Điện Biên, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), chúng tôi thật ấn tượng khi được tận mắt nhìn những quả dưa vàng tròn căng, mũm mĩm nằm phơi mình trên mặt ruộng. Bà Nguyễn Thị Chiến, chủ vườn tươi cười giới thiệu: “Gia đình tôi có gần 5 sào ruộng, trước đây chuyên cấy lúa nhưng việc điều tiết nước gặp khó khăn nên năng suất thấp.

Trong lúc đang trăn trở không biết thay cây gì gieo trồng cho phù hợp thì tôi được biết giống dưa Kim hoàng hậu đã được một số hộ ở Hải Phòng trồng cho thu nhập cao. Tuy nhiên, tôi băn khoăn không biết giống dưa này có phù hợp với đồng đất quê mình hay không, vì nếu không hợp thì coi như gia đình tôi mất trắng. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, tôi liên hệ tới doanh nghiệp cung ứng giống đề nghị tư vấn về quy trình kỹ thuật, đồng thời quyết định mua đất, cát tôn cao ruộng rồi mua hạt giống về gieo trồng.

Vụ xuân năm nay là vụ đầu tiên tôi trồng dưa Kim hoàng hậu do Công ty Hai Mũi Tên Đỏ, có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương cung ứng giống. Đây là giống dưa lê ngọt có xuất xứ từ Thái Lan, vỏ màu vàng, giòn, thơm, ngọt đang được thị trường rất ưa chuộng. Sau hơn 2 tháng gieo hạt, giữa tháng 5 vừa qua ruộng dưa bắt đầu cho thu hoạch, chất lượng không thua kém gì dưa nhập khẩu, giá bán tại vườn được 25 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí 2,5 - 3 triệu đồng, mỗi sào dưa cho thu lãi 7 - 8 triệu đồng”.

Bà Chiến cho biết thêm: Để tạo niềm tin với người tiêu dùng, ngoài thực hiện đúng quy trình sản xuất dưa an toàn, tới đây tôi đề nghị doanh nghiệp cung ứng giống dán tem chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ để xuất bán vào các siêu thị. Với kinh nghiệm của mình, tôi sẵn sàng hướng dẫn giúp mọi người kỹ thuật gieo trồng dưa Kim hoàng hậu để cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm) trước đây chỉ quen trồng cỏ nuôi trâu, bò. Đầu năm 2015, được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Văn Lâm giới thiệu về kỹ thuật trồng dưa Kim hoàng hậu, bà bàn với gia đình rồi quyết định phá 2,5 sào cỏ voi để chuyển sang trồng dưa.

Theo hướng dẫn, trước khi gieo trồng, bà vệ sinh đồng ruộng, làm đất tơi xốp và sạch cỏ dại. Khi cày bừa đất, mỗi sào bón lót phân NPK và phân bò để hoai mục, rải đều rồi lấp đất, lên luống cao 30cm, mặt luống rộng 1,6m, rãnh rộng 40cm rồi phủ nilon lên mặt luống, sau đó khoét nilon, tra hạt khoảng cách 30cm/hạt, tương đương 500 – 600 hạt/sào (có thể gieo vào bầu rồi đánh ra trồng). Sau khi trồng 15 ngày đến thời điểm ra quả tiến hành bón, tưới thúc bằng các loại phân NPK, Kali, Super Humate vào rãnh để cây tự hút dinh dưỡng.

Đến khi ngọn dưa bò tới mép luống thì tiến hành bấm ngọn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả và trên mỗi cây chỉ để 1 quả. Vì không bắc giàn, người trồng dưa phải dùng xốp kê để quả khỏi tiếp xúc trực tiếp với mặt luống. Hiện nay vườn dưa của gia đình bà Thanh chuẩn bị cho thu hoạch. Qua kiểm tra, bình quân mỗi quả đạt 2kg, tương đương năng suất 1 tấn quả/sào, với diện tích 2,5 sào, vụ dưa này gia đình bà Thanh thu không dưới 60 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận xét: Dưa Kim hoàng hậu là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, kỹ thuật trồng đơn giản, không tốn nhiều công lao động và thuốc BVTV, có khả năng thích nghi với vùng đất của tỉnh.

Dưa có thể gieo trồng từ tháng 2 đến cuối tháng 9 dương lịch hàng năm, thời gian sau gieo trồng đến khi thu hoạch khoảng 65 đến 70 ngày (tùy vụ), nếu không trồng liên tục có thể trồng xen canh các cây rau màu ngắn ngày khác.

Với tỉnh ta, đây là giống cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao và dễ tiêu thụ. Vì vậy, nông dân cần nắm chắc kỹ thuật và mở rộng diện tích gieo trồng và đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước thay thế những cây trồng cho giá trị thu nhập thấp; tích cực tìm kiếm thị trường, đồng thời phối hợp với đơn vị cung ứng hạt giống chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng biết và tin dùng sản phẩm.


Related news

Thủ Lĩnh “Cá Xen Ếch” Trên Hồ Suối Hai Thủ Lĩnh “Cá Xen Ếch” Trên Hồ Suối Hai

Quả thật, khi lên hồ Suối Hai (thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) hỏi thăm mọi người ai cũng biết đến ông Lã Đức Quảng, với bản chất tần tảo, cần cù chịu khó bám hồ suốt nhiều năm nay để phát triển nghề nuôi thuỷ sản lồng bè.

Monday. October 21st, 2013
Mùa Cá Đồng Mùa Cá Đồng

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

Monday. October 21st, 2013
Nuôi Gà Thả Vườn An Toàn Sinh Học Nuôi Gà Thả Vườn An Toàn Sinh Học

Từ đầu tháng 9-2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã An Khang (TP Tuyên Quang) tổ chức thí điểm mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cho các hộ gia đình trên địa bàn xã. Sau hơn 3 tháng triển khai, các hộ gia đình tham gia mô hình đều đánh giá là mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Monday. October 21st, 2013
Vua Cá Miền Tây Vua Cá Miền Tây

Sớm chọn con cá nước ngọt làm người dẫn đường cho đời mình, ông đã trở thành một nông dân siêu tỉ phú. Thành công ấy là sự tổng hợp của lòng yêu nghề, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiết kiệm hợp lý.

Tuesday. October 22nd, 2013
Bình Định: Triển Khai Bảo Vệ Đàn Gia Súc Trong Mùa Mưa Lũ Bình Định: Triển Khai Bảo Vệ Đàn Gia Súc Trong Mùa Mưa Lũ

Theo Chi cục Thú y tỉnh Bình Định, từ đầu tháng 10 đến nay, do thời tiết bất lợi, mưa lạnh kéo dài nên nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, thương hàn... cao

Tuesday. October 22nd, 2013