Hiệu Quả Bước Đầu Trồng Mía Trên Đất Gò Cao Ở Bến Tre
Năm 2003, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre triển khai trồng thực nghiệm cây mía trên vùng đất gò cao bị nhiễm phèn, mặn của xã Bình Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) với khoảng 2 ha, sau đó, bà con nông dân địa phương thực hiện như một phong trào chuyển đổi cây trồng, bởi cây mía là một cây trồng mới, có hiệu quả thiết thực…
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết, Bình Thạnh còn nhiều khó khăn, đời sống bà con còn khá vất vả, bởi điều kiện tự nhiên của Bình Thạnh rất khắc nghiệt. Năm 2000 trở về trước, bà con chỉ quanh quẩn với cây lúa, cây màu, chăn nuôi nhỏ lẻ. Lúa là cây trồng chủ lực nhưng rất bấp bênh, làm hai vụ trong năm thì chỉ ăn chắc một vụ, làm lúa vụ Hè có khi trắng tay vì thiếu nước, bị hực phèn, chín háp. Từ năm 2003, được tỉnh, huyện đầu tư, triển khai thực nghiệm đưa cây mía xuống vùng đất này, như một làn gió mới thổi vào đời sống nghèo khó của bà con nông dân.
Cây mía trở thành cây trồng chủ lực từ khi ấy. Từ trồng thử nghiệm trên diện tích khoảng 2ha, cho đến nay, diện tích mía của địa phương lên đến gần 300 ha, chiếm gần hết diện tích đất nông nghiệp, tập trung nhiều ở các ấp: Thạnh Quí A, Thạnh Quí B, Thạnh An, Thạnh Bình. Đây là vùng đất gò cao nên việc trồng mía cũng ít tốn công sức. Bà con chỉ cần đánh hộc trên mặt ruộng là có thể xuống giống trồng. Do không cần phải lên liếp, đào ao nên bà con không mất diện tích đất. Vì thế, mía đạt năng suất rất cao, ổn định từ 7 đến 8 tấn/công (1.000 m2). Những năm trước, có khi giá mía lên cao, từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tấn, nhiều hộ dân thật sự thoát nghèo chỉ qua một vụ mía. Từ mô hình có hiệu quả thiết thực, hộ có vốn đã mạnh dạn đầu tư, thuê đất để trồng mía, nên diện tích mía của xã không ngừng tăng. Ở khâu tiêu thụ, phần lớn sản lượng mía của địa phương luôn được Công ty Mía đường tỉnh bao tiêu, nên bà con rất yên tâm. Ở đây, bà con bán mía cũng khác, họ bán theo từng công (1.000 m2) với giá thỏa thuận, không tốn công đốn.
Mấy năm trước, khi mía có giá, bình quân mỗi héc-ta mía, người trồng thu về vài chục triệu đồng, lãi to bởi trồng mía ít tốn công chăm sóc, ít phân bón hơn làm lúa. Trong niên vụ mía năm 2012 - 2013, bà con nông dân trồng gần 300ha, trong đó, Công ty Mía đường tỉnh đã bao tiêu hơn 120 ha, với 200 hộ tham gia, chủ yếu là các giống mía có chất lượng cao như: K88200, Suphan-Suri 7. Với kết quả mang lại từ mô hình, ông Hùng cho biết thêm, hiện nay, tuy giá mía có sụt giảm hơn so với năm trước nhưng bà con Bình Thạnh vẫn tha thiết với cây mía, phần lớn những hộ trong vùng có đất mía, đời sống kinh tế gia đình của bà con khấm khá hơn nhiều.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết vùng nguyên liệu mía niên vụ 2011 - 2012, tại Công ty Mía đường tỉnh, ông Hùng nêu: Trong thời gian tới, Công ty cần đầu tư cho bà con nhiều hơn về nguồn giống mía mới, diện tích trồng mía của địa phương còn nhiều và cần mở rộng thêm, vì đây là mô hình thật sự giúp ích rất lớn cho công tác giảm nghèo của địa phương. Từ khi mô hình được triển khai, cả phía đầu tư và người dân cùng có lợi, việc thu hồi vốn theo từng năm đều đạt 100%.
Related news
Năm 2015 được nhận định là thời điểm hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là giai đoạn cuối nước ta đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nghề nuôi dê có mặt ở hầu hết các huyện, thị của Tiền Giang, trong đóđối với huyện ven biển huyện Gò Công Đông thì nuôi dê là nghề truyền thống và hiện nay đang phát triển, với tổng đàn là 18.829 (năm 2014), chiếm tỷ lệkhoảng 40% so với tổng đàn dê của tỉnh (47.000 con).
Với mức thuế suất được đưa về 0% khi gia nhập TPP, nhiều sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Việt Nam vốn đã trong guồng quay “năng suất thấp, giá thành cao” lại càng thêm thách thức bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Điều này gây ra nhiều lo lắng cho người chăn nuôi trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Ngày 15-4, đại diện Công ty NutiFood cho biết sẽ xây một trại bò sữa kiểu mẫu tại tỉnh Hà Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai để nông dân đến tham quan học tập và ứng dụng.
Mật ong hoa nhãn là đặc sản của Hưng Yên, được thị trường ưa chuộng, giá cao hơn so với các loại mật khác từ 30 – 50 nghìn đồng/kg. Việc xây dựng thương hiệu cho mật ong hoa nhãn Hưng Yên sẽ giúp loại đặc sản này khẳng định uy tín, chất lượng, thêm cơ hội vươn ra thị trường rộng lớn.