Hiệu quả 4 loại rong biển trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng
Trong thử nghiệm 4 loại rong biển: Porphyra haitanensis, Undaria pinnatifida, Saccharina japonica và Gracilaria lemaneiformis, các chuyên gia tại Trung Quốc phát hiện Gracilaria lemaneiformis là thành phần thức ăn phù hợp nhất, với nhiều tác động có lợi lên tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và hệ vi khuẩn đường ruột của TTCT.
Xây dựng nghiên cứu
Dưới đây là đánh giá 4 loại rong biển dưới dạng thành phần thức ăn cho TTCT, trong điều kiện nuôi thường và thử thách dịch bệnh đốm trắng, gồm: Porphyra haitanensis, Undaria pinnatifida, Saccharina japonica và Gracilaria lemaneiformis để so sánh hiệu lực lên hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch, hệ vi khuẩn đường ruột và đề kháng của tôm trước virus đốm trắng.
Các mẫu rong biển do Trung tâm nghiên cứu công nghệ dự án rong biển quốc gia của Trung Quốc cung cấp, sau đó được phơi khô và nghiền mịn. Khẩu phần đối chứng D1 không bổ sung rong biển. Khẩu phần D2 đến D5 lần lượt bổ sung các loại rong biển: Porphyra haitanensis (PH), Undaria pinnatifida (UP), Saccharina japonica (SJ) và Gracilaria lemaneiformis (GL).
Thử nghiệm cho ăn được thực hiện tại Sanya, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Trước thử nghiệm, cho tôm làm quen với khẩu phần đối chứng trong 2 tuần. Sau đó, 600 con tôm (trọng lượng ban đầu 0.65 ± 0.01 g) không được cho ăn suốt 24 giờ, cân trọng lượng rồi thả ngẫu nhiên vào 15 bể sợi thủy tinh và nuôi trong 56 ngày. Thức ăn là khẩu phần đối chứng và 4 khẩu phần thử nghiệm.
Kết quả và thảo luận
Kết quả cho thấy tôm ăn khẩu phần Gracilaria lemaneiformis (GL) đạt hiệu suất tăng trưởng cao nhất và kích cỡ cũng to hơn hẳn, so với những con tôm ăn khẩu phần đối chứng và khẩu phần thử nghiệm. Điều này chứng tỏ rong biển GL thích hợp nhất làm thành phần thức ăn cho tôm, dù được bổ sung ở tỷ lệ thấp.
Về hiệu lực của rong biển lên các hệ số tiêu hóa biểu kiến (ADC) của các khẩu phần thử nghiệm, các kết quả nghiên cứu cho thấy: tôm được ăn các khẩu phần PH, UP và GL có ADC vật chất khô, cao hơn tôm ăn khẩu phần SJ. ADC vật chất khô của khẩu phần SJ thấp hơn, được cho là do thành phần của rong biển này chứa nhiều hợp chất polysaccharides và các hợp chất tro khó tiêu. Với ADC protein, giá trị cao nhất được xác nhận ở nhóm tôm ăn khẩu phần GL và UP; và ADC thấp nhất ở nhóm tôm ăn khẩu phần đối chứng và SJ. ADC protein cao trong các khẩu phần GL và UP, nhờ thành phần cân bằng axit amin tốt hơn.
Trong thử nghiệm thử thách với virus đốm trắng, tôm được tiêm virus, sau khi kết thúc 56 ngày nuôi thử nghiệm đầu tiên. Đến ngày thứ 4 sau gây nhiễm, tôm bắt đầu chết. Tỷ lệ chết của nhóm tôm ăn khẩu phần D2, D3 và D5 thấp hơn đáng kể nhóm đối chứng và SJ suốt giai đoạn thử thách này (P<0,05).
Hiệu lực rong biển lên hệ vi khuẩn đường ruột của nhóm tôm thử nghiệm cho thấy sự đa dạng hệ vi khuẩn tăng lên trong đường ruột tôm so với nhóm đối chứng. Sự đa dạng cao nhất (đánh giá theo chỉ số đa dạng sinh học thông thường, Shannon Index), được quan sát thấy ở nhóm tôm ăn khẩu phần GL, tiếp theo UP, PH, SJ và nhóm đối chứng. Rất nhiều nghiên cứu đã ghi nhận khẩu phần và đáp ứng stress, có thể dễ dàng biến đổi thành phần cộng đồng hệ vi khuẩn đường ruột, làm xáo trộn cân bằng nội sinh đường ruột và ảnh hưởng đến đáp ứng kháng viêm.
Các kết quả của nhóm chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, một số chất kích thích miễn dịch chưa được xác định trong rong biển, có thể hoạt động như một prebiotic – dưỡng chất kích thích sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột, để hỗ trợ cân bằng nội sinh hệ vi khuẩn trong đường ruột của tôm. Cũng như vậy, thử nghiệm đã chứng minh bổ sung rong biển, đã giúp điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột của TTCT, tăng đáng kể số lượng lợi khuẩn như: Bacteroidetes, Firmicutes và Bacillaceae; đồng thời giảm vi khuẩn có hại như: Gammaproteobacteria và Vibrionaceae.
Dữ liệu nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng rong biển được thử nghiệm, đặc biệt là GL có thể điều chỉnh thành phần cộng đồng vi khuẩn và cải thiện cân bằng nội sinh đường ruột. Hệ vi khuẩn đường ruột và các sản phẩm của chúng được biết đến với vai trò quan trọng, trong điều chỉnh đáp ứng miễn dịch và liên hệ mật thiết với sự phát triển của hệ miễn dịch của vật nuôi.
Nhóm chuyên gia đã quan sát thấy thành phần cộng đồng hệ vi khuẩn đường ruột của TTCT, khi được cho ăn bổ sung các loại rong biển khác nhau, đã cho các kết quả rất khác nhau. Dữ liệu gồm các kết quả thử nghiệm gây nhiễm virus đốm trắng cho thấy: rong biển GL, PH, UP có thể tạo sự khác biệt tích cực lên sức khỏe của tôm, bằng cách ức chế vi khuẩn WSSV qua cải thiện dinh dưỡng và đáp ứng miễn dịch của tôm.
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy sự bổ sung tối ưu nhiều loại rong biển, có thể góp phần làm giảm bớt sự phá hủy gan tụy, do ôxy hóa bằng cách cải thiện khả năng kháng ôxy hóa của cơ quan này cùng hệ miễn dịch, cũng như điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột trong TTCT. Theo nghiên cứu, G. lemaneiformis (GL) là loại rong biển thích hợp nhất, để bổ sung vào khẩu phần ăn của TTCT, tiếp đến là U.pinnatifida và P. haitanensis.
Related news
Bài viết cung cấp sơ đồ và hình ảnh của mô hình xử lý nước thải nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh bằng bể biogas ở Trà Vinh.
Bài viết này xem xét kỹ hơn về phương diện khoa học và cách thức vi sinh vật mở đường cho các trang trại nuôi tôm bền vững trên khắp châu Á.
Astaxathin được biết đến trong ngành nuôi trồng thủy sản với vai trò là một chất phụ gia quan trọng góp phần “tạo màu” nâng cao giá trị loài nuôi thủy sản.