Heo thịt rớt giá, người chăn nuôi lao đao
Ở huyện Châu Thành (Tây Ninh) hiện có gần 10 trang trại nuôi heo quy mô lớn. Hầu hết các trang trại này đang hết sức lo âu vì giá heo quá thấp so với chi phí đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Lượm - chủ trang trại heo ấp Bình Lương, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, gia đình bà nuôi heo siêu nạc, khi xuất chuồng bán được 4 triệu đồng/tạ - giảm gần 1 triệu đồng/tạ so với thời điểm cách đây vài tháng.
Trước đây, trang trại của bà lúc nào cũng có gần 20 con heo nái, trên 200 con heo thịt, nhưng 2 tháng gần đây, heo thịt liên tục rớt giá, giá thức ăn lại tăng cao, khiến cho bà thua lỗ kéo dài, đàn heo ngày càng giảm theo. Hiện trang trại của bà chỉ còn vài con nái, 20 con heo thịt; nhiều khung chuồng bỏ trống.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Hà - chủ trang trại heo ở ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành thì đã ngừng nuôi heo để hạn chế nợ. Vừa rồi, gia đình bà vừa xuất chuồng lứa heo cuối cùng với hơn 100 con, bán với giá 4 triệu đồng/tạ đối với heo siêu nạc, không đủ hoàn tiền thức ăn nói chi đến tiền lời.
Mấy chục năm qua đã quá quen với cảnh trồi sụt của giá cả, bà vẫn bám nghề chăn nuôi heo, nhưng nay bà đành phải ngưng nuôi heo thịt, chỉ giữ lại 2 con heo nái làm giống, chờ khi nào giá heo nhích lên mới tăng đàn trở lại.
Đối với những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ thì càng điêu đứng hơn. Bởi lẽ hầu hết đều nuôi heo tỷ lệ nạc thấp, thương lái chỉ mua ở mức giá từ 3,4 triệu đồng - 3,6 triệu đồng/tạ.
Trong khi đó giá thức ăn thì vẫn ở mức cao - gần 4 triệu đồng/tạ. Nếu bán heo thì lỗ nặng, mà giữ lại thì thêm chi phí ngày càng nặng, và càng... lỗ nặng.
Hiện nay, chỉ có những cơ sở chăn nuôi heo theo kiểu gia công là không bị ảnh hưởng nhiều đến việc giá heo thịt giảm mạnh.
Ông Lê Văn Công - chủ trang trại nuôi heo gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, ở ấp Năm Trại, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành cho biết, mọi chi phí đầu tư về con giống, thức ăn và cả khâu tiêu thụ đã có Công ty lo, trang trại chỉ bỏ công chăm sóc và hưởng tiền theo trọng lượng của heo khi xuất chuồng. Còn chuyện giá cả heo thịt bao nhiêu thì người chăn nuôi không phải lo.
Thực tế đó cho thấy, người chăn nuôi nên quan tâm đến mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để được đầu tư con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, không phải nơm nớp lo âu về chuyện giá cả.
Related news
Để trồng thâm canh theo hướng bền vững thì người trồng cần có chế độ canh tác hợp lý. Cây mì nếu trồng liên tiếp nhiều vụ mà không có biện pháp cải tạo đất thì đất sẽ bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm, bệnh gây hại.
Ai cũng biết rằng việc sử dụng rau sạch, rau an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong khi thị trường đang tràn ngập rau củ, quả bẩn, ngâm hóa chất. Nhưng có một thực tế đáng buồn, việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rau sạch đang vấp phải nhiều khó khăn.
Những năm qua, nhờ chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều loại giống cây mới đã được nông dân huyện Yên Thế (Bắc Giang) đưa vào sản xuất trong đó có cây gấc. Bước đầu đánh giá đây là giống cây phù hợp với đồng đất, khí hậu của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao.
Vụ xuân năm nay, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đưa vào trồng thí nghiệm giống bí Hàn Quốc (còn gọi là bí ngồi) tại xóm Trại Vàng, xã Tân Đức.
Với sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam, vụ Ðông - Xuân 2014 - 2015 lần đầu tiên 88 hộ dân ở xã Cát Tiến và Cát Chánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) triển khai mô hình thâm canh lúa chống chịu ngập úng và nhiễm mặn.