Hãy cảnh giác với sự tái phát bệnh vàng lùn hại lúa
Hiện nay lúa Hè Thu của tỉnh Bến Tre đang giai đoạn làm đòng sắp trổ. Tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp. Mặc dù từ đầu vụ, rầy nâu xuất hiện với mật số không cao nhưng tỉ lệ rầy nâu mang virus truyền bệnh khá cao. Hiện tại, bệnh vàng lùn đã xuất hiện rãi rác trên đồng với tỉ lệ bệnh 5-10%, tập trung ở một số huyện như Bình đại, Ba Tri, Thạnh Phú, phổ biến giai đoạn lúa 45-50 ngày.
Triệu chứng của bệnh vàng lùn có hai dạng điển hình là: lúa vàng lùn (lúa cỏ dòng 2) và lúa cỏ ( lúa cỏ dòng 1), do vi rút gây bệnh lúa cỏ có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) gây ra. Virus này xâm nhập vào cây lúa và gây bệnh thông qua môi giới là rầy nâu.
Bệnh vàng lùn thể hiện rõ nhất trên các giống nhiễm rầy: IR50404, Nếp sáp, Long Định,… Vụ Hè Thu này do virus xâm nhiễm trễ nên triệu chứng bệnh vàng lùn có khác với những vụ trước là chiều cao cây lúa không chênh lệch nhiều với cây lúa bình thường, nhưng góc lá lúa bẹt ra rất rõ, lá lúa màu vàng cam, xuất hiện ở những lá bên dưới, lan dần lên những lá trên. Trong một bụi lúa xen lẫn một vài tép bị bệnh.
Ngoài ra, nông dân cần chú ý một dạng khác của bệnh vàng lùn đang xuất hiện trên đồng đó là bệnh lúa cỏ. Triệu chứng: bụi lúa lùn hẵn (chỉ bằng ½) so với cây lúa khoẻ. Bệnh thể hiện trên cả bụi, bụi lúa nhảy chồi rất nhiều (giống như bụi cỏ), lá lúa nhỏ hẹp, dựng đứng, lá màu vàng có nhiều đốm rỉ sắt. Lúa không trổ được hoặc cho bông rất ít. Bệnh thường xâm nhiễm muộn, triệu chứng thể hiện rõ ở lúa chét. Đối với bệnh lúa cỏ, ấu trùng rầy nâu truyền bệnh mạnh hơn và thời gian ủ bệnh ngắn hơn trưởng thành. Rầy nâu cần ít nhất trong 1 giờ để hút mầm bệnh từ cây lúa vào cơ thể; thời gian ủ bệnh trung bình là 8 ngày và chỉ cần 9 phút là đủ để truyền virus vào cây lúa.
Hiện nay, một số tỉnh đang thu hoạch lúa Hè thu nên rầy di trú sẽ di chuyển đến vùng lúa Hè Thu đang còn trên đồng, mà rầy di trú có khả năng mang mầm bệnh virus rất lớn. Vì thế, để ngăn chận sự phát triển nguồn bệnh trong vụ Hè thu và nhất là bảo vệ lúa vụ Mùa sắp sửa xuống giống, có nguy cơ sẽ lây lan bệnh virus trên diện rộng, cần chú ý các biện pháp cấp thời trong vụ Hè Thu và biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ Mùa như:
- Đối với bệnh virus không có thuốc trị, chỉ phòng ngừa côn trùng môi giới là rầy nâu (nên ngăn ngừa bằng cách duy trì thiên địch của rầy).
- Phải nhổ bỏ và tiêu hủy những bụi lúa bị bệnh ngay khi phát hiện để hạn chế nguồn bệnh lây lan.
- Biện pháp gieo sạ tập trung, đồng loạt “né rầy” trên cùng cánh đồng là biện pháp hàng đầu, hữu hiệu nhất, kinh tế nhất để giải quyết cơ bản dịch rầy nâu mang mầm bệnh virút hại lúa. Vì thế kiên quyết xuống giống vụ Mùa (kể cả gieo mạ mùa) tập trung từng vùng và theo lịch né rầy của cơ quan chuyên ngành khuyến cáo.
- Hạn chế sử dụng những giống nhiễm rầy.
- Những ruộng mạ trước khi nhổ cấy nên quan sát để loại bỏ những cây mạ bệnh.
- Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ như “3 giảm 3 tăng” để tạo cây lúa khỏe nhất là giai đoạn trước trổ để gia tăng sức đề kháng của cây.
- Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự phát triển của rầy, phun thuốc trừ rầy khi mật số cao
Related news
Hiện nay, để nâng cao thu nhập, người trồng lúa đã thực hiện thâm canh tăng vụ, chủ yếu là sử dụng nhiều phân bón và thuốc BVTV, tận dụng tối đa thời gian nghỉ
Thời tiết nắng hạn, cùng với việc nông dân lên bờ trồng cỏ nuôi bò là điều kiện để chuột có chỗ ở và sinh sản nên mật số chuột gia tăng nhanh.
Hiện nay, lúa Thu Đông của tỉnh Bến Tre đang giai đoạn làm đòng sắp trổ. Đợt triều cường vừa qua, những vùng lúa trũng, thấp bị ngập