Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hậu Giang Tìm Lại Vị Thế Cho Cá Rô Đồng Đầu Vuông

Hậu Giang Tìm Lại Vị Thế Cho Cá Rô Đồng Đầu Vuông
Publish date: Thursday. December 18th, 2014

Kết quả nghiên cứu thành công của đề tài “Bảo tồn nguồn gien cá rô đồng đầu vuông ở tỉnh Hậu Giang” của tiến sĩ Dương Thúy Yên, Trường Đại học Cần Thơ đã tạo cơ sở để tỉnh tiếp tục duy trì được thế mạnh nông nghiệp trong thời gian tới.

Ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: Bảo tồn nguồn gien cá rô đồng đầu vuông Hậu Giang là vấn đề cấp thiết bởi cá rô đồng Hậu Giang đã được tỉnh chọn là một loại nông sản chủ lực. Chính vì vậy, tỉnh đã đặt hàng với các nhà khoa học nghiên cứu đề tài này nhằm mục tiêu duy trì được nguồn gien chất lượng, quý hiếm, đặc trưng của tỉnh nhà.

Giai đoạn từ năm 2009 - 2010, con cá rô đồng đầu vuông Hậu Giang được xem là loại nông sản giá trị kinh tế bởi nó mang đặc tính tốt với những ưu điểm về khả năng tăng trưởng nhanh, tiêu thụ thức ăn mạnh, dễ sinh sản, mau lớn…

Tuy nhiên, do giá cả thị trường biến động, đầu mối tiêu thụ chưa rộng đã khiến cho sản lượng cũng như diện tích nuôi loài cá này bị sụt giảm. Chính vì vậy, người nuôi chán nản nên nguồn cá bố mẹ được lưu giữ trong dân còn khá ít ỏi. Hơn nữa, người sản xuất tự lai tạo và chọn lọc không có định hướng đã dẫn đến sự suy thoái của các dòng cá và mất dần nguồn gien gốc ban đầu.

Qua hai năm nghiên cứu, tiến sĩ Dương Thúy Yên đã thực hiện các nội dung là: Khảo sát hiện trạng nguồn cá rô đầu vuông ở 60 hộ nuôi và sản xuất giống trong tỉnh; qua đây, thu thập số liệu nguồn cá bố mẹ ban đầu từ các cơ sở nuôi cá để tiến hành nghiên cứu hiện trạng chất lượng di truyền của đàn cá; nhân nuôi bảo tồn đàn cá trong điều kiện ao nuôi một cách có chọn lọc. Song song đó, chủ nhiệm nghiên cứu cả khả năng bảo tồn nguồn gien của cá rô đồng đầu vuông trong điều kiện tự nhiên.

Qua nghiên cứu, chủ nhiệm đã nhận thấy các hộ nuôi có kinh nghiệm sản xuất giống nhưng với quy mô nhỏ lẻ với đàn cá bố mẹ dưới 100kg và cách quản lý đàn cá chưa hợp lý.

Có gần 89% số hộ chỉ tuyển lại cá bố mẹ từ chính ao nuôi thịt, cá hậu bị, cá sinh sản thả chung với cá chưa sinh sản, thời gian sử dụng cá sinh sản ngắn (1 - 2 năm), cá bố mẹ sau khi sinh bị loại ra môi trường thải ra tự nhiên... đã gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng di truyền lâu dài về sau của đàn cá. Tần số đa dạng di truyền trong hộ dân nuôi thịt cũng rất thấp do số lượng cá bố mẹ ít và được chọn từ đàn cá thịt chứ không phải cá giống làm tăng khả năng lai cận huyết và mất gien.

Từ đó, chủ nhiệm Dương Thúy Yên đã tiến hành nhân nuôi đàn cá trong điều kiện ao nuôi có chọn lọc. Bằng cách bố trí thí nghiệm 4 nghiệm thức với nhiều lần lập lại.

Qua một thời gian nuôi, chất lượng đàn cá thế hệ G1 (được tạo ra bằng phương pháp sinh sản luân chuyển từ các nguồn cá bố mẹ đầu vuông khác nhau kết hợp với phương pháp chọn lọc) được đánh giá là tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở đều đạt cao, hệ số di truyền cao với 95% duy trì được nguồn gien quý hiếm và duy trì được qua 50 thế hệ.

Tuy nhiên, cá rô đầu vuông là loại cá đồng có thể lai tạo với cá rô thường nên không thể bảo tồn trong điều kiện nuôi tự nhiên. “Cá rô đồng đầu vuông chỉ có thể bảo tồn tốt chất lượng gien chỉ khi ở trong điều kiện nuôi và số lượng đàn cá phải lớn và khi cho sinh sản, số lượng đàn cá hậu bị lên cá bố mẹ phải >100 cặp”, tiến sĩ Dương Thúy Yên cho biết.

Để hạn chế sự đa dạng di truyền của đàn cá bố mẹ, bảo đảm chất lượng cá giống, chủ nhiệm đề tài đã đề xuất các hộ sản xuất giống cần có biện pháp cho sinh sản chéo giữa các đàn cá, kéo dài thời gian sử dụng cá bố mẹ hơn 2 năm và số lượng phải >100 cặp. Hơn nữa, trong nhân nuôi phải áp dụng biện pháp chọn lọc, chọn lựa đàn cá bố mẹ để giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng của cá rô. Định kỳ 2 hoặc 4 năm phải kiểm tra chất lượng di truyền đàn cá 1 lần để có biện pháp cải thiện di truyền kịp thời.

Tham gia suốt quá trình nghiên cứu đề tài, ông Phan Quốc Thứ, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, nhận định: Đề tài đã một lần nữa khẳng định lại giá trị tiềm năng của con cá rô đồng đầu vuông Hậu Giang. Với tư cách là đơn vị tiếp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của đề tài, Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang sẽ thực hiện tốt quy trình bảo tồn nguồn gien cá rô đồng đầu vuông trong điều kiện nuôi để góp phần cùng địa phương bảo tồn và duy trì tốt loại nông sản chủ lực, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế cho tỉnh nhà trong những năm tới.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá rằng, việc nghiên cứu thành công đề tài này sẽ giúp khôi phục lại diện tích nuôi của tỉnh. Theo ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, sắp tới, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí từ vốn sự nghiệp khoa học để đơn vị nhận chuyển giao là ngành nông nghiệp và Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang tiếp tục thực hiện 1 dự án để hoàn thành mục tiêu lớn là bảo tồn nguồn gien quý hiếm cho địa phương.

Tuy nhiên, để giúp người dân bám trụ với con cá rô đầu vuông, bên cạnh việc phối hợp với nhà khoa học nghiên cứu bảo tồn nguồn gien, Hậu Giang cần phải tìm hiểu thị trường, mở rộng đầu ra và cần có sự chung tay của các ngân hàng hỗ trợ người dân nguồn vốn tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, đưa loại thủy sản này tìm lại chỗ đứng vốn có trên thị trường.

Nguồn bài viết: http://www.baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183422/Tim_lai_vi_the_cho_ca_ro_dong_dau_vuong.aspx


Related news

Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân

Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… các DN không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò sữa trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.

Friday. January 16th, 2015
Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình) Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình)

Trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, hầu hết những chân ruộng một vụ ở xã Kim Bình (Kim Bôi - Hòa Bình) bỏ hoang. Tuy nhiên, bằng cách làm sáng tạo, chịu khó của mình, những nông dân ở đây đã biến những chân ruộng 1 vụ thành bãi chăn thả nuôi gà mang lại giá trị kinh tế cao và tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản của gia đình.

Friday. January 16th, 2015
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trại Bò Giống Lai Chất Lượng Cao Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trại Bò Giống Lai Chất Lượng Cao

Nhận thấy địa bàn xã Bình Tân đất rộng, nhà thưa, ruộng lúa mênh mông… rất thuận lợi để phát triển đàn bò, năm 2012, anh quyết định đầu tư chuồng trại, mua 5 con bò giống (bò ta) về nuôi. Qua thời gian nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại từ giống bò này không cao do chúng vừa nhỏ con, chậm lớn, thời gian phối giống lại kéo dài (17 - 18 tháng tuổi)… anh đành chấp nhận bán chịu lỗ.

Friday. January 16th, 2015
Trở Ngại Từ Việc Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Balasa N01 Trở Ngại Từ Việc Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Balasa N01

Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học Balasa N01 ở tỉnh đã được nông dân quan tâm và ứng dụng nhiều bởi lợi ích đem lại của nó. Việc sử dụng đệm lót sinh học cho chăn nuôi heo đã góp phần làm giảm thải tối đa nguy cơ ô nhiễm và hiệu quả tốt đối với môi trường nhờ hệ vi sinh vật có lợi giúp phân hủy gần như triệt để chất thải. Từ đó làm giảm mùi hôi, bảo đảm môi trường sống có lợi cho vật nuôi và an toàn cho sức khỏe con người.

Friday. January 16th, 2015
Ninh Thuận Nuôi Tôm Công Nghiệp Không Sử Dụng Kháng Sinh, Hóa Chất Theo VietGAP Ninh Thuận Nuôi Tôm Công Nghiệp Không Sử Dụng Kháng Sinh, Hóa Chất Theo VietGAP

Tôm nuôi VietGAP nhanh lớn (do mật độ vừa phải), màu sắc đẹp, tỷ lệ sống cao, không bị bệnh, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, tôm nuôi VietGAP, có giá bán cao hơn tôm nuôi thường 12.000 - 15.000 đồng/kg vì hạn chế hoặc không dùng kháng sinh, do vậy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu dễ dàng.

Friday. January 16th, 2015