Hậu Giang Nhộn Nhịp Vựa Nông Sản

Khi các nhà vườn bắt đầu thu hoạch nông sản, thì ở các vựa trái cây trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng nhộn nhịp thu mua đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.
Còn tại các vựa nông sản, không khí bận rộn bắt đầu từ 5 giờ khuya. Vựa nông sản không chỉ cung ứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh, mà còn tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Nằm cặp bờ kênh Mái Dầm, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, vựa trái cây Ý Đạt 2 hầu như hoạt động liên tục. Gần 10 công nhân hối hả thu mua, lựa trái, đóng gói và khuân từng cần xé lên xe tải để kịp chuyến hàng khuya. “Hiện nay, trung bình mỗi ngày, vựa thu mua khoảng 4 - 5 tấn trái cây các loại.
Thời điểm vựa hoạt động nhộp nhịp nhất là từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Vào mùa thu hoạch chính vụ hoặc cỡ trung tuần tháng 12 âm lịch, vựa có thể hoạt động 24/24 giờ, lượng hàng thu vào mỗi ngày cao gấp 3 - 4 lần so với ngày bình thường” - chị Huỳnh Thị Diệu Hiền, chủ vựa Ý Đạt 2, cho biết.
Trời đã đứng bóng, thương lái, nhà vườn từ các nơi vẫn tiếp tục xuôi ngược trên chiếc xe gắn máy chở đầy trái cây đổ về vựa. Xe tải nối tiếp nhau đến lấy hàng, người bán, người mua xếp hàng dài chờ tới lượt mình cân hàng càng làm “nóng” lên không khí mua bán.
Anh Trần Văn Mật, một thương lái thu mua bưởi ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho biết: “Từ sáng sớm, tôi đã tranh thủ mua trái cây của nhà vườn rồi chở đến vựa. Lúc này mỗi ngày, tôi mua khoảng 200kg trái cây, do thời điểm này nhà vườn còn o bế cho cây đúng ngày rằm tháng chạp mới bán. Khi đó, giá cam, bưởi có thể tăng lên chút đỉnh. Hiện, giá bưởi tết còn thấp, nhưng so với ngày thường đã khá cao”.
Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, cho biết: Toàn huyện có khoảng 72 vựa thu mua nông sản, tập trung nhiều ở thị trấn Ngã Sáu và thị trấn Mái Dầm. Riêng thị trấn Ngã Sáu có khoảng 15 vựa, thu mua trái cây từ 10 - 11 tấn/ngày. Trong những ngày tới, lượng nông sản thu mua có thể tăng lên từ 14 - 15 tấn/ngày.
Nhiều chủ vựa nhận định, trái cây đẹp, có chất lượng năm nay không nhiều so với năm trước, do nhà vườn gặp khó trong khâu điều khiển trái. “Ngay thời điểm này, giá cả thu mua vẫn chưa ổn định vì đa phần trái cây không đẹp. Chừng vài ngày nữa nguồn cung sẽ dồi dào hơn.
Nhu cầu thị trường cũng tăng mạnh lên từng ngày nên giá các loại cam, bưởi có khả năng sẽ tăng lên. Hiện, vựa mua bưởi loại 1 với giá 25.000 đồng/kg, loại 2 giá 12.000 đồng/kg, cam xô 24.000 đồng/kg, mít 10.000 đồng/kg” - chị Nguyễn Thị Hồng Đoan, vựa trái cây Đức Hiền, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, chia sẻ. Song song đó, ở huyện Long Mỹ, Châu Thành A ngoài thu mua trái cây như xoài, quýt thì các vựa còn mua các loại rau, củ cung ứng cho các chợ đầu mối trên toàn quốc.
Trong thời điểm tỉnh chưa xây dựng được chợ nông sản, thì các vựa đầu mối không chỉ là nơi tập kết, mua bán trái cây, giữ vai trò phản ánh thị trường, mà còn là kênh liên lạc trực tiếp của nhà vườn với các chợ đầu mối. Trên cơ sở này, nhà vườn có thể nắm bắt nhu cầu để tập trung sản xuất theo thị hiếu tiêu dùng và tìm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tình trạng thương lái móc nối nhằm chia nhỏ lợi nhuận vẫn còn xuất hiện nhiều, do vậy chính người nông dân cần chủ động hơn để nông sản được “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
Related news

Nắng nóng kéo dài khiến các diện tích ngô của người dân ở các xã Tân Long, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị mất mùa nghiêm trọng, người dân buộc lòng phải bán tháo ngô cây để giảm bớt thiệt hại về kinh tế.

Đó là cặp dưa hấu được anh Phạm Văn Chơn (ngụ tổ 26, ấp Bình Phú, xã Hòa An, Chợ Mới, An Giang) mua về từ chợ Lấp Vò (Đồng Tháp) ngày 28 tháng chạp 2014. Đây là loại dưa vỏ xanh, ruột đỏ, có trọng lượng 5 kg/quả, với giá 3.000 đồng/kg. Sau khi để chưng trên bàn thờ vào dịp Tết, anh Chơn quên bẵng đến 2 tháng sau Tết, anh mới lấy một quả ra xẻ ăn, vỏ dưa còn rất giòn, ruột dưa đỏ, ngọt và mọng nước.

Vùng trồng khóm Đồng Dinh (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) rộng 500ha, năm 2014 bị bệnh héo đỏ lá, 6 tháng đầu năm 2015 gặp nắng hạn, cây khóm xuống sức làm giảm năng suất… Mặc dù hiện nay, giá khóm ổn định nhưng người trồng khóm không vui.

Ông Huỳnh Văn Lành, một chủ nuôi cá lồng bè cho biết, trong thời gian từ giữa tháng 6 trở lại đây, hiện tượng cá chẽm, cá bớp và tôm kẹt bỏ ăn, yếu dần và chết rải rác xuất hiện ở các bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và. Hiện 500 lồng nuôi ở tiểu khu này đều có hiện tượng cá bỏ ăn, yếu và chết.

Ngay từ đầu vụ thả tôm, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến hiện tượng tôm suy dinh dưỡng, chậm lớn, dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các địa phương đang tập trung nhanh cho việc thu hoạch tôm vụ 1 nhưng hầu hết các hộ nuôi đều cùng chung cảnh lao đao vì thất thu.