Hậu Giang Lao Đao Với Bệnh Vàng Lá Gân Xanh
Không ít hộ dân ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đang lo lắng vì vườn cam sành của gia đình mình đứng trước nguy cơ “xóa sổ” bởi dịch bệnh vàng lá gân xanh (Greening) tàn phá nặng nề.
Kể từ khi bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện đến nay, những vườn cam sành bạt ngàn nằm ven các con lộ nông thôn chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy ngày nào đã nhanh chóng thay màu lá mới, khi màu xanh tươi tốt dần biến mất và để lại một màu vàng nhạt nhẽo ngoài mong đợi.
Cuối cùng, nhà vườn buộc phải giải quyết hậu quả bằng cách chặt bỏ đi tất cả số cây bị nhiễm bệnh trong vườn. Qua đây, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trước hiện tượng người dân ồ ạt chạy theo phong trào trồng cam sành đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trắng tay do dịch bệnh gây nên.
Xóa tan giấc mộng làm giàu
Len lỏi trên lối mòn nằm ven những hàng cam khô cằn còn trơ gốc ngoài vườn, bà Hà Thị Tuyết, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, thừa nhận: Mới đây, gia đình đã bóp bụng chặt bỏ đi hàng ngàn cây cam sành gần 2 năm tuổi trong khu vườn rộng 1ha, để tiến hành cải tạo mô và trồng mới lại hoàn toàn.
Tính ra khoản thiệt hại đã lên đến 30 triệu đồng, bao gồm chi phí cây giống, phân, thuốc phòng trừ dịch bệnh, chưa kể là công chăm sóc bấy lâu nay. Với giọng tiếc nuối, bà Tuyết than: “Phải chi vườn cam còn đến giờ này thì chắc chắn nhà tôi sẽ thu hoạch được mấy trăm triệu đồng ngay từ lứa trái đầu tiên”.
Tương tự, lần đầu tiên đã cách đây hơn chục năm về trước, khi vườn cam sắp đến ngày “hái trái lấy tiền” lại phải đốn sạch vì bị dịch bệnh vàng lá gân xanh tàn phá. Sau lần đó, gia đình bà quyết định chuyển sang trồng bưởi Năm Roi với hy vọng có được cuộc sống sung túc hơn và lấy lại những gì đã mất, nhưng chẳng thành.
Đơn giản là giá cả, thị trường bấp bênh, còn nguy cơ dịch bệnh đe dọa vườn bưởi cũng không hề nhỏ. Cho nên, lần trồng mới lại vừa rồi được xem là lần thứ 3 mà gia đình bà Tuyết theo đuổi “giấc mộng” làm giàu từ vườn cam sành. “Không trồng cam thì biết trồng gì đây” - bà Tuyết đặt vấn đề.
Ngồi dưới mái hiên của căn nhà tường khang trang nằm cạnh bên vườn cam vàng chóe hơn 1 công đất do dịch bệnh vàng lá gân xanh tấn công, ông Huỳnh Văn Nam, ở ấp Bảy Thưa, thông tin: Mấy năm qua, cam sành ổn định với mức giá cao. Nhiều nhà vườn trong ấp nhờ thế mà phất lên làm giàu nhanh chóng.
Đối với bà con nơi đây, chuyện trồng cam sành để xây nhà tường, cất biệt thự sang trọng không còn xa vời nữa. Thế mà giờ này, đi đâu cũng nghe bà con than rằng vườn trái cây đã từng cho thu nhập bạc triệu, tiền tỉ của gia đình họ đứng trước nguy cơ “xóa sổ” vì dịch bệnh Greening chưa có thuốc chữa hoành hành.
Nói không với giống trôi nổi
Thực ra, bệnh vàng lá gân xanh vốn đã xuất hiện khoảng một năm nay, trước thời điểm UBND tỉnh công bố dịch hồi trong tháng 7 vừa rồi, người trồng cam sành Hậu Giang thường gọi là bệnh vàng đầu. Mặc dù, các địa phương đã “cầu cứu” đến nhiều chuyên gia, nhà khoa học của các viện, trường nhưng giải pháp phòng chống vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Vì thế, không chỉ có nhà vườn bất an, mà ngành chức năng ở những địa phương có thế mạnh về cây cam sành cũng canh cánh nỗi lo. Bởi, bên cạnh là cây xóa nghèo, làm giàu của nông dân, thì cam sành hiện là một trong mười nông sản chủ lực của tỉnh đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho rằng: Nếu không có biện pháp khống chế kịp thời, thì khả năng gây ra nhiều hệ lụy đối với thành quả nông thôn mới tại địa phương, trước hết là ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập, giảm nghèo.
Còn theo ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, trong tổng số hơn 4.700ha vườn cam sành của toàn huyện, hiện đã có trên 1.100ha bị dịch bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ uy hiếp nên đe dọa rất lớn đến đời sống, sản xuất của phần lớn dân cư trên địa bàn.
Theo dõi diễn biến của tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt trên cây có múi thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Liên Khoa cho rằng: Rõ ràng quy mô dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh cần quan tâm xác định cụ thể khâu nào là quan trọng hàng đầu, gián tiếp gây nên dịch bệnh lớn nhất.
Nếu ở khâu giống thì phải tập trung quản lý, xử lý tình trạng giống trôi nổi. Cũng như chỉ đạo cho Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang khẩn trương nhân giống sạch bệnh nhằm chủ động cung cấp kịp thời cho quá trình sản xuất của người dân.
Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để chấn chỉnh tình trạng mua bán giống cam sành hiện nay của các thương lái trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, khẳng định: Sau khi công bố dịch sẽ xử lý triệt để vấn đề giống không rõ nguồn gốc, nghĩa là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Muốn vậy, khi kiểm tra, phát hiện nguồn giống trôi nổi từ bên ngoài vào, các địa phương phải kiên quyết tiêu hủy ngay. Đồng thời, thanh tra sở sẽ tiến hành thanh tra các cơ sở cung ứng giống trên địa bàn, còn Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh thì chuẩn bị sẵn phương án nhân giống cụ thể.
Tuy nhiên, hơn ai hết, người dân phải ý thức tác hại của phong trào sản xuất tự phát, tránh mua phải giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc về trồng. Để rồi tiền mất, vườn cam không còn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh có gần 9.800ha cam sành, chủ yếu tập trung ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Hiện đã có gần 7.000ha cam sành bị nhiễm bệnh và được xác định là vàng lá gân xanh. Trong đó, có 1.935ha bị nhiễm trên 70%, 3.114ha bị nhiễm từ 30-70% và 1.941ha bị nhiễm dưới 30%.
Related news
Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn (Cà Mau) đã hoàn thiện các thủ tục điều kiện đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu cua Năm Căn.
Thời điểm này, khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đang căng sức đối phó với “mùa đổ bộ của gia cầm lậu”. PV Báo NNVN đã thâm nhập các điểm nóng buôn lậu gia cầm nhức nhối nhất từ trước đến nay. Gia cầm lậu vẫn đổ bộ, tuy nhiên đã giảm so với trước đây.
Là đơn vị đi đầu phát triển nuôi giống cá tầm tại Việt Nam, sau một thời gian nỗ lực và tâm huyết, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng hệ thống nuôi cá tầm chuẩn mực, khoa học với quy mô rộng khắp, đưa Việt Nam thành một quốc gia dẫn đầu về nuôi và sản xuất một loài cá quý hiếm đang đứng bên bờ tuyệt chủng.
Tháng 10/2013, Cty Đức Thiện chính thức được tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Chè Suối Giàng Yên Bái". Đây là một trong 2 đơn vị duy nhất được tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận được sử dụng nhãn hiệu Chè Suối Giàng. Trước đó, Cty Đức Thiện cũng đã khai trương một cửa hàng bán và giới thiệu chè cổ thụ Suối Giàng tại TP Yên Bái.
Nếu như những năm qua tôm thẻ chân trắng (gọi tắt tôm thẻ) chủ yếu được nuôi ở vùng nước lợ thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL, nay nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang… nảy sinh “sáng kiến” khoan giếng tìm nước mặn để nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt. Điều bất ngờ khi có một số hộ trúng đậm, đã cuốn hút nhiều hộ khác làm theo.