Hà Tĩnh: Tôm càng nuôi càng lỗ
Hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cả tháng nay mất ăn mất ngủ vì nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng càng nuôi càng còi cọc mà chưa rõ lý do. “Của đau con xót”, không ít hộ nhắm mắt vay mượn tiền đầu tư thức ăn “chăm” đàn tôm nhưng kết quả thu hoạch lại ôm lỗ hàng trăm triệu đồng.
Hộ ông Cảnh thiệt hại gần 100 triệu đồng vì ao tôm gần như mất trắng
Nhiều ha mất trắng
Ngày 31/7, một số hộ nuôi tôm ở xã Thạch Bàn và Thạch Long, huyện Thạch Hà phản ánh, vụ tôm xuân hè năm 2017 người nuôi trên địa bàn phải ngậm “quả đắng” vì hầu hết diện tích thả giống tôm thẻ chân trắng của Công ty CP thủy sản Thông Thuận càng nuôi càng không phát triển, biểu hiện còi cọc, gây thua lỗ cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long cho hay, ngày 5/5 gia đình ông thả 34 vạn tôm giống trên diện tích 5.500 m2. Cũng như các vụ sản xuất trước, quá trình nuôi ông chăm sóc đúng quy trình nhưng qua theo dõi, phát hiện tôm càng nuôi càng còi cọc, không phát triển, trong khi lượng thức ăn cho tôm vẫn “ngốn” đều đều. Nuôi được 86 ngày, ông Cảnh thu hoạch chỉ được 6 tạ tôm, trong khi những năm trước trên diện tích này ông thu đến 6 tấn. “Gọi là thu hoạch nhưng thực tế chỉ để dọn sạch ao hồ chứ gần như mất trắng toàn bộ. Khi bán vì tôm quá nhỏ nên giá chỉ được 35.000 - 65.000 đồng/kg, tính ra vụ tôm vừa rồi tôi lỗ gần 100 triệu đồng”, ông Cảnh chua xót. Theo ông Cảnh, tổng chi phí đầu tư nuôi 2 ao tôm vừa qua hết hơn 120 triệu đồng, trong đó tiền mua giống hết hơn 32,6 triệu (Công ty khuyến mãi 50% giá giống) nên gia đình phải trả hơn 16 triệu đồng.
Chung cảnh ngộ, hộ ông Trần Văn Khánh, cùng thôn được đánh giá thiệt hại nặng hơn. Gia đình ông không thuộc diện được khuyến mãi tiền giống nên ông phải bỏ gần 40 triệu đồng mua 40 vạn con tôm thả nuôi trên diện tích 5.000 m2; chi phí thuốc men, thức ăn hết trên dưới 100 triệu đồng nữa, tính sơ sơ tổng mức đầu tư chưa tính công chăm sóc, thu hoạch ngót nghét hơn 140 triệu; vậy mà thu hoạch chỉ được 2 tạ tôm, bán với giá 60.000 đồng/kg, tổng doanh thu vỏn vẹn 12 triệu đồng. Ông Khánh thở dài: “Vụ này, tôi mất hẳn gần 3 tấn tôm so với vụ nuôi trước. Còn về thu nhập, số tiền thu được may ra đủ bù chi phí công chăm sóc, thu hoạch sau gần 3 tháng”.
Cách ao nuôi gia đình ông Khánh không xa là diện tích của hộ ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng là một trong những hộ nuôi tôm có thâm niên, kinh nghiệm ở Thạch Long. Tháng 4/2017, gia đình ông thả nuôi thâm canh 50 vạn tôm giống của Thông Thuận trên diện tích 8.000 m2 và nuôi quảng canh 30 vạn con/6 ha. Quá trình nuôi ông theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng của tôm, tuy nhiên khác với những mùa vụ trước, năm nay tôm chậm lớn bất thường. Sau hơn 3 tháng nuôi, ông thu hoạch 1,3 tấn (giảm 1,7 tấn), thiệt hại ước trên dưới 70 triệu đồng.
Không chỉ bó hẹp ở huyện Thạch Hà, vụ tôm xuân hè 2017 hầu hết diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Hà Tĩnh mua giống của Công ty Thông Thuận đều chung thực trạng “hay ăn, chậm lớn”; Với 80 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 107,5 ha thì có đến 18 hộ với 17,2 ha thả tôm giống của Công ty Thông Thuận. Theo chia sẻ của các hộ nuôi, bình quân sau 80 ngày tôm chỉ đạt 150 - 200 con/kg, ước tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng; sản lượng giảm 40% so những năm trước. Ông Nguyễn Văn Mại, xã Hộ Độ chia sẻ, vụ xuân hè 2017 ông thả nuôi 12 ha tôm giống của các Công ty là Thông Thuận; Nam Miền Trung và Hồ Trung. Quá trình nuôi, tôm giống của Nam Miền Trung phát triển rất tốt, tôm giống của Hồ Trung thì bị bệnh phân trắng phải bán non, còn giống của Công ty Thông Thuận không bị bệnh, không chết nhưng lại không phát triển. Ông nuôi đến 80 ngày mà chỉ 200 con/kg, trong khi, những năm trước nuôi 75 ngày, 80 con/kg; ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Nghi ngờ do giống
Những năm trước tôm phát triển tốt bình quân mỗi ha đạt 4 - 5 tấn
Sau khi phát hiện tôm chậm lớn bất thường, các hộ nuôi trồng đã phản ánh lên chính quyền các cấp. Ngày 31/7, ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà thông tin: “Hiện, phòng đã nhận được phản ánh của một số hộ dân về việc nhiều diện tích thả nuôi tôm giống của Công ty CP thủy sản Thông Thuận trong quá trình nuôi chậm lớn, còi cọc. Ngay sau đó, đơn vị đã kịp thời phát văn bản yêu cầu các xã rà soát, cung cấp số liệu về lượng giống thả, diện tích và kết quả nuôi đến thời điểm hiện tại bằng nguồn giống tôm thẻ chân trắng mua từ Công ty Thông Thuận, báo cáo về phòng. Khi có tổng hợp huyện sẽ căn cứ tình hình báo cáo lên Chi cục Thủy sản và các đơn vị chuyên môn cao hơn để phối hợp làm rõ nguyên nhân”.
Đến thời điểm này, việc làm rõ nguyên nhân vì sao tôm chậm lớn đang phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc, tuy nhiên, theo nhận định của các hộ nuôi trồng chất lượng tôm giống của Công ty Thông Thuận kém.
Được biết, xã Thạch Long có 4 hộ lấy tôm giống của Công ty Thông Thuận có tỷ lệ phát triển kém, ngoài ra tại Thạch Bàn cũng có gần 10 hộ có diện tích nuôi tôm chậm lớn, thiệt hại nặng.
Trao đổi với đại diện Công ty Thông Thuận được biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân doanh nghiệp đã cho cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra, tuy nhiên, để xác định nguyên nhân thì chưa thể kết luận được bởi “đây là hiện tượng dịch, chưa khi nào xảy ra”. Việc người nuôi trồng nghi ngờ tôm chậm lớn do giống là có cơ sở nhưng Công ty khẳng định không sử dụng kháng sinh, hóa chất mà chỉ sử dụng các giải pháp sinh học.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, Chi cục đã nắm được phản ánh của các địa phương và thành lập tổ thanh tra, kiểm tra nhắc nhở Công ty Thông Thuận; ngay sau đó, Thông Thuận cũng đã thay toàn bộ giống tôm bố mẹ. Hiện nay, việc xác định nguyên nhân cụ thể tôm chậm lớn rất khó. Có nhiều giả thiết đặt ra là do giống hoặc thời tiết nhưng cái này cần có thời gian. Khi có kết quả chính xác Chi cục sẽ kiến nghị giải pháp cụ thể. Còn trước mắt, việc khắc phục là thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân.
>> Ông Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ: “Nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi bây giờ là cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vì sao tôm chậm lớn và có giải pháp hỗ trợ bà con để tái sản xuất vụ tôm mới”.
Related news
Thời gian gần đây, các tàu đánh bắt cá ngừ Đại Dương ở Khánh Hòa đều trở về với sản lượng vô cùng thấp.
Ngành thức ăn thủy sản đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể gần đây nhờ những giải pháp thay thế bột cá, dầu cá từ thực vật. Hãng Adaltibe Bio - Resources (ABR)
Nhằm giảm đến mức tối đa các thiệt hại tổn thất đến mức thấp nhất có thể, Sở NN&PTNT đề xuất một số giải pháp kỹ thuật cụ thể như sau: