Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện đề án cơ giới hóa nông nghiệp
Nông dân đang chiếm một tỷ lệ lớn trong các bệnh nhân xương khớp nhất là đau lưng, thoái hóa mãn tính bởi các công việc nặng nhọc trên ruộng đồng, bởi dầu dãi nắng mưa khắc nghiệt. Chính vì lẽ đó mà Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện đề án cơ giới hóa…
Trong ảnh: Máy gặt đập liên hợp bằng cả trăm người gặt thủ công
Vài năm gần đây, phong trào cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Thủ đô diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chế biến nông sản. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, bộc lộ nhiều hạn chế.
Cụ thể, trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất còn thấp. Trong các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường.
Đặc biệt lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cơ giới hóa trở thành một yêu cầu sống còn, không chỉ nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm mà còn giải phóng sức lao động nặng nhọc, đảm bảo một sức khỏe tốt, một trí tuệ minh mẫn cho người nông dân.
Đáp ứng yêu cầu bức xúc của cuộc sống, ngày 3/7/2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành QĐ số 4192/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2016, với ngành trồng trọt (chủ yếu với cây lúa), làm đất: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất từ 69,2% lên 90%. Cấy bằng máy: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo, cấy từ 0,04% lên 20%. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh có động cơ: Nâng tỷ lệ từ 10,2% lên 40%. Gặt đập: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa từ 7,8% lên 30%.
Với ngành chăn nuôi, bò sữa: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa từ 55,7% lên 80%, vắt sữa từ 16,5% lên 50%. Lợn: Nâng tỷ lệ hệ thống làm mát chuồng trại từ 2,6% lên 15%, hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động từ 11,8% lên 35%, thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường từ 11,8% lên 35%; máy phát điện chạy bằng gas thu được do xử lý chất thải từ 3,9% lên 7,1%; máy phun thuốc phòng dịch bệnh có động cơ từ 11,8% lên 35%. Gà: Nâng tỷ lệ hệ thống làm mát chuồng trại từ 9,1% lên 20%; hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động từ 18,4% lên 30%; máy phun thuốc phòng dịch bệnh có động cơ từ 18,4% lên 30%. Với ngành thuỷ sản, nâng tỷ lệ hệ thống quạt nước từ 2,9% lên 15%.
Thuận lợi trong quá trình triển khai đề án là sự quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Thành ủy và UBND TP Hà Nội thông qua nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Trình độ thâm canh và năng lực sản xuất hàng hóa của nông dân từng bước được nâng cao. Và chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác dồn ô đổi thửa, tích tụ ruộng đất đang được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn có rất nhiều như quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nông hộ còn thấp, manh mún (bình quân chỉ có 1.600m2/hộ), khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nhận thức của một số cán bộ và người dân còn hạn chế, tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Năng lực của các HTX còn hạn chế, nhiều đơn vị tiếng là đã đổi mới nhưng vẫn thiếu vốn để đầu tư mua máy móc thiết bị, chưa phát huy được vai trò dịch vụ cơ giới hóa cho xã viên.
Chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, chủ yếu là nhập ở nước ngoài nên giá thành cao. Cơ chế chính sách hỗ trợ cơ giới hóa của Trung ương, thành phố còn nhiều bất cập, thủ tục còn rườm rà, người dân khó tiếp cận. Mặt khác sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, tính rủi ro cao nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp...
Related news
Những ngày gần đây nhiều người dân miền Tây đứng ngồi không yên trước tình trạng hoa mai chuẩn bị cho Tết Đinh Dậu nở sớm vì thời tiết...
Nhờ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng Chính sách Xã hội nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở Đăk Lăk đã tạo dựng được “cần câu cơm” là những mô hình hiệu quả
Trong sản xuất nông sản hiện nay, việc kích thích tăng trưởng thân, rễ, mầm là đặc biệt quan trọng. Bởi thế, những loại phân bón có hàm lượng đạm cao như DAP