Giữ Rừng Ở Mường Pồn
Nếu như trước đây, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) là một trong những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương trái phép, xâm hại rừng, thì giờ đây nhiều cánh rừng xanh tốt nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chuyển biến tích cực đó là nhờ chú trọng công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ. Người dân Mường Pồn đều ý thức được việc giữ rừng để hưởng lợi từ rừng.
Theo rà soát, thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên: Xã Mường Pồn có 3.914,6ha rừng được giao cho 28 chủ rừng; trong đó 10 cộng đồng thôn bản và 18 hộ gia đình. Đây là cơ sở để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả trên 1,35 tỷ đồng cho người dân trong năm 2011 và năm 2012.
Đảm bảo việc nghiệm thu chất lượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, đồng thời nâng cao nhận thức của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền xã Mường Pồn tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới từng chủ rừng; xây dựng quy ước bảo vệ rừng; đặc biệt chất lượng rừng cung ứng dịch vụ được tổ chức nghiệm thu theo hướng dẫn Thông tư 20 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Quàng Văn Phanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết: Đối với diện tích rừng không bị tác động hoặc bị tác động nhưng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng, căn cứ kết quả nghiệm thu hàng năm đạt yêu cầu, chủ rừng sẽ được thanh toán 100% giá trị.
Với diện tích rừng bị tác động (khai thác, chặt phá, xâm lấn, bị cháy, chuyển mục đích sử dụng trái phép, bị thiệt hại do thiên tai bất khả kháng...), không còn khả năng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, thì chủ rừng sẽ không được thanh toán. Xã Mường Pồn toàn bộ diện tích rừng chi trả theo Nghị định 99 của Chính phủ được giao cho cộng đồng bản và hộ gia đình, vì vậy, kết quả bảo vệ rừng đối với các chủ rừng trên do Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên xác nhận trên cơ sở kết quả kiểm tra, tổng hợp diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng của UBND xã Mường Pồn. Hạt chỉ kiểm tra, nghiệm thu tại hiện trường trong trường hợp cần thiết.
Ông Hờ A Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Để người dân thuận tiện cho việc theo dõi diện tích rừng được chi trả dịch vụ, các trưởng bản công khai danh sách và diện tích rừng được chi trả dịch vụ, mức chi trả ngay tại cộng đồng. Trong trường hợp, các hộ gia đình, cá nhân có thắc mắc, kiến nghị, trưởng bản có trách nhiệm xem xét giải quyết.
Trường hợp không giải quyết được, báo cáo chính quyền xã giải quyết. Với cách làm này, sau hơn 1 năm được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng so bì, thắc mắc; bà con đều ý thức việc bảo vệ rừng để được hưởng lợi.
Người dân xã Mường Pồn sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trong khi diện tích đất sản xuất lúa 2 vụ ít, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Nhờ tuyên truyền sâu rộng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ nên bà con dần thay đổi tư duy chỉ có gieo hạt lúa, tra hạt ngô trên nương mới có lương thực, nay làm tốt việc bảo vệ, giữ rừng thì bà con được nhận tiền và mua được lương thực không lo còn thiếu đói.
Ông Lò Văn Phong, bản Mường Pồn 2 cho biết: Được cán bộ Hạt Kiểm lâm, cán bộ Quỹ Bảo vệ rừng tỉnh tuyên truyền mình và bà con trong bản đều hiểu khi giữ rừng tốt, chất lượng cung ứng dịch vụ cho các nhà máy thủy điện cao hơn, mức trả tiền sẽ tăng lên, cuộc sống sẽ dần được cải thiện.
Chính vì nhận thức được điều đó mà Mường Pồn 2 là bản điển hình của xã trong việc giữ rừng. Không chỉ xây dựng Quy ước bảo vệ rừng chặt chẽ, bản đã thành lập Tổ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phối hợp với kiểm lâm địa bàn, chính quyền xã tuần tra, bảo vệ rừng. Nhờ đó mà hơn 670ha rừng trên địa bàn được bảo vệ tốt.
Related news
Trong những ngày này, về xã Nam Đà, ở các thôn, xóm, sân nhà nào cũng ngập một mùa vàng của lúa. Còn ngoài cánh đồng, không khí ngày mùa càng rộn rã hơn bởi tiếng máy nổ, tiếng guồng quay của máy gặt lúa.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay, diện tích nuôi tôm chân trắng đã vượt gần 2.780ha, chiếm hơn 60% cơ cấu nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt quy hoạch ngắn hạn vùng nuôi tôm chân trắng lót bạt ven biển tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành giai đoạn 2014-2018.
Từ đầu vụ đến nay, tỉnh Phú Yên khai thác trên 1.900 tấn cá ngừ đại dương, gần bằng 42% sản lượng của cả năm 2013. Đặc biệt, trong hai tuần qua, ngư dân Phú Yên trúng lớn cá ngừ đại dương với khoảng 70% tàu cá có lãi. Mỗi chuyến biển dài ngày, một tàu cá đánh bắt được bình quân từ 1,5 đến ba tấn cá ngừ, sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu lãi từ 100 đến 170 triệu đồng. Nhờ vậy mà mỗi thuyền viên đi biển trong khoảng thời gian một tháng cũng có thu nhập từ năm đến sáu triệu đồng.
Ngày 4/4, tại Vĩnh Long, hội thảo về “Ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long” được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long phối hợp với các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia ở Malaysia tổ chức.