Giống thủy sản cung chưa đáp ứng nổi cầu
Thiếu và yếu
Cứ vào các vụ tôm mới, người dân lại tất tả đến các tỉnh khác, tìm các cơ sở có uy tín để mua giống. Nói là cơ sở uy tín, nhưng thực chất người dân cũng chỉ nghe qua lời giới thiệu của các cơ quan chức năng, hoặc truyền miệng nhau. Ông Nguyễn Các ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Mua tôm giống ở xa gặp rất nhiều trở ngại, không chỉ khâu vận chuyển, tăng chi phí, chất lượng giống bị ảnh hưởng mà người dân còn khó có thể nhận biết tôm chất lượng, hay các dấu hiệu bệnh”.
Vụ nuôi thủy sản mới đây, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, tôm, cá chết hàng loạt. Ngoài yếu tố môi trường phức tạp, một phần chất lượng nguồn giống không đảm bảo, sức đề kháng kém nên xảy ra dịch bệnh. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang - Đoàn Thao - cho biết, phần lớn các loại giống tôm, cá được người dân trên địa bàn mua tại cơ sở sản xuất ở các tỉnh khác, không kiểm soát được chất lượng. Một số ít giống, người dân mua tại Trại giống Thủy sản Vân Nam (xã Phú Thuận), nhưng cơ sở này cũng mua ở các tỉnh khác về ương, bán lại cho người dân.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, hiện nay có khoảng 22 đơn vị, công ty cung ứng giống thủy sản cho các lừ nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó chỉ có 8 đơn vị địa phương, còn lại đều của các tỉnh khác. Tính riêng năm nay, trên địa bàn tỉnh cần khoảng 1,5 tỷ con tôm giống chân trắng và khoảng 250 triệu con tôm sú, nhưng lượng giống tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 50 triệu con tôm sú, còn lại phải mua ở phía Nam.
Không chỉ tôm giống, các loại giống cua, cá được sản xuất tại chỗ cũng không đáp ứng yêu cầu. Các giống cá nước lợ, cua trong năm nay cần khoảng 28 triệu con, chủ yếu mua nơi khác và khai thác tự nhiên. Riêng giống thủy sản nước ngọt cần khoảng 45 triệu con; trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị sản xuất giống, cơ bản đáp ứng nhu cầu thả nuôi.
Chưa quy hoạch
Ông Lê Đức Tấn, cán bộ kỹ thuật Trại giống Thủy sản Vân Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất trong sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh là vùng sản xuất, ương giống chưa được quy hoạch, thiếu quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chủ Trại giống Thủy sản Vân Nam là ông Hồ Ngọc Vân ở Bình Định đến xã Phú Thuận thuê đất xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay trại giống này vẫn chưa đủ điều kiện sản xuất, chủ yếu mua giống ở các tỉnh khác về ương để cung ứng cho người dân. Điều kiện mặt bằng chưa đảm bảo nên số lượng giống ương tại trại giống cũng chưa đáp ứng nhu cầu.
Ông Lê Đức Tấn thông tin, trại giống cơ bản sản xuất, ương nuôi khá đầy đủ các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế, như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá chẽm, mú, hồng mỹ, đối, nâu, dìa. Song, tôm thẻ chân trắng chỉ khoảng 20 triệu con, tôm sú 50 triệu con, tôm đất 20 triệu con, đáp ứng một lượng rất nhỏ so với nhu cầu, diện tích nuôi toàn tỉnh. Các loại cá giống sản xuất khoảng 20 triệu con, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thả nuôi trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, ngoài sự đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, yếu tố môi trường, thời tiết trên địa bàn tỉnh không thuận lợi đã ảnh hưởng rất lớn trong phát triển các cơ sở sản xuất giống thủy sản. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản hiện có chỉ mang tính thời vụ, quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng kỹ thuật còn yếu. Quá trình sản xuất còn thiếu sự gắn kết giữa các nhà quản lý, nhà sản xuất và người nuôi.
Hằng năm, toàn tỉnh cần khoảng 1,5 tỷ đến 1,8 tỷ con giống thủy sản; trong đó, tôm chân trắng, tôm sú chiếm phần lớn khoảng 1,7 tỷ con, còn lại là các giống cua, cá.
Related news
Từ ngày 30/4 – 7/5 có nhiều cuộc gọi về đường dây nóng hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân nhưng sau đó giảm dần và đến nay hầu như không còn.
Từ lâu, búng Bình Thiên (An Phú, An Giang) được mệnh danh là “hồ nước trời” rộng lớn, có nhiều loài thủy sản sinh sống, nhưng đã cạn kiệt trong vài năm gần đây. Ngành chức năng và các nhà khoa học đã tính đến giải pháp bảo tồn và khai thác thủy sản bền vững tại hồ nước ngọt này.
Trong vòng 10 năm, diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL tăng hơn gấp hai lần, trong khi thiếu quy hoạch, đầu tư hệ thống thủy lợi, kiểm soát dịch bệnh… khiến cho nghề nuôi tôm đối mặt nhiều rủi ro. Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững cần có chiến lược bài bản, lâu dài.