Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giống lúa thuần Hưng Long 555 cần mẫn chắt chiu đất cằn

Giống lúa thuần Hưng Long 555 cần mẫn chắt chiu đất cằn
Author: Vũ Đình Thung
Publish date: Wednesday. March 30th, 2022

Năng suất cao, chống chịu tốt sâu bệnh và đặc biệt cứng cây, gạo ngon..., giống lúa thuần Hưng Long 555 đã chinh phục nông dân ngay lần đầu sản xuất thử.

Gié lúa Hưng Long 555 đã chín nhưng lá đòng vẫn còn xanh, chứng tỏ cây lúa ăn phân bón nhẹ hơn các giống lúa khác. Ảnh: V.Đ.T.

Vững vàng trước dông gió

Trên đường đi thăm mô hình sản xuất thử giống lúa thuần Hưng Long 555 tại cánh đồng Cây Me thuộc thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân, Bình Định) do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định phối hợp cùng Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Quốc tế cùng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân xây dựng, chúng tôi thấy lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 ở đây đã chín vàng đồng, chuẩn bị cho thu hoạch.

Cơn mưa bất ngờ đã khiến nhiều vùng ruộng ngã rạp, những bụi lúa chín vàng bị xô nghiêng nằm xếp chồng lên nhau không chỉ gây rất nhiều khó khăn cho nông dân trong khâu thu hoạch, mà còn mất năng suất. Tuy nhiên, khi nhìn thấy mô hình sản xuất thử giống lúa thuần Hưng Long 555, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những cây lúa vẫn đứng vững chãi, phơi những hạt lúa lấp lánh dưới ánh nắng.

Theo ông Đỗ Đình Phương, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Hữu 1 (xã Ân Hữu), mô hình sản xuất thử giống lúa Hưng Long 555 được xây dựng với quy mô 0,5 ha tại cánh đồng Cây Me thuộc thôn Hội Nhơn. Tham gia mô hình là những hộ nông dân dày kinh nghiệm trong canh tác lúa, họ tuân thủ quy trình sản xuất do HTX hướng dẫn.

“Qua theo dõi quá trình sản xuất giống lúa Hưng Long 555, so với những giống lúa đang sản xuất đại trà tại địa phương như giống Khang Dân đột biến, chúng tôi thấy giống lúa Hưng Long 555 thích nghi rất tốt đối với vùng đất này. Giống lúa Hưng Long 555 đã cho thấy nhiều tính ưu việt, nhất là cây rất khỏe, cứng cây, chống đổ ngã rất tốt.

Trên cánh đồng vụ đông xuân thời gian qua do gặp dông lốc, gió mạnh nên nhiều đám ruộng bị đổ ngã, thế nhưng ruộng lúa Hưng Long 555 vẫn bình chân như vại. Về thời gian sinh trưởng, cả giống Hưng Long 555 lẫn giống Khang Dân đột biến khoảng 110 ngày là cho thu hoạch. Theo năng suất lý thuyết chúng tôi đo đếm thì giống lúa Hưng Long 555 trong vụ này cho đạt đến hơn 80 tạ/ha”, ông Phương cho hay.

Cũng theo ông Phương, bước đầu bà con nông dân tại địa phương đi qua đi lại mô hình sản xuất thử giống lúa Hưng Long 555 nhìn thấy mã lúa đẹp, ai cũng tấm tắc khen. Quy trình sản xuất của giống lúa Hưng Long 555 cũng như những giống lúa khác được sản xuất đại trà tại địa phương. Về phân bón, nông dân bón cho lúa Hưng Long 555 loại phân chuyên dùng cho cây lúa Mặt Trời Mới của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Bình Định.

“Phân Mặt Trời Mới có 2 loại, 1 loại dùng để bón thúc, bón thúc lần 1 và lần 2 chúng tôi bón 1 sào (500m2/sào) khoảng 7 - 8kg, phân bón đòng thì hàm lượng lân giảm đi. So với sản xuất những giống lúa đại trà, mô hình sản xuất lúa Hưng Long 555 bón phân ít hơn. Nhưng nhờ phân bón chuyên dùng Mặt Trời Mới rất phù hợp với đồng đất ở đây, kết hợp với giống lúa có nhiều tính ưu việt nên cây lúa phát triển rất tốt.

Đến giai đoạn cuối, bông lúa đã chín nhưng lá đòng vẫn còn xanh, chứng tỏ cây lúa Hưng Long 555 ăn phân bón nhẹ hơn các giống khác. Về tính chống chịu sâu bệnh, Hưng Long 555 cũng cho thấy tính ưu việt. Trong vụ đông xuân 2021 - 2022, nhiều thửa ruộng trong vùng bị nhiễm rầy nặng, riêng giống Hưng Long 555 không bị nhiễm rầy, sạch sâu bệnh”, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Hữu 1, ông Đỗ Đình Phương chia sẻ.

Năng suất cao, lại chống chịu tốt với sâu bệnh

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định, giống lúa thuần Hưng Long 555 được Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Quốc tế lai tạo từ năm 2013, và đã được khảo nghiệm trong mạng lưới Quốc gia từ vụ xuân 2017.

Giống Hưng Long 555 đã trải qua tổng cộng 3 vụ khảo nghiệm VCU, DUS, khảo nghiệm sản xuất, khảo nghiệm có kiểm soát và được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống - Sản phẩm cây trồng Quốc gia đánh giá có nhiều triển vọng.

Theo kết quả khảo nghiệm VCU, giống lúa Hưng Long 555 tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ vụ đông xuân 2020 - 2021 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống - Sản phẩm cây trồng Miền Trung, giống lúa Hưng Long 555 có thời gian sinh trưởng từ 113 - 124 ngày, chiều cao cây trung bình từ 102,1 - 103,8 cm, sức sống của mạ khỏe, độ dài giai đoạn trỗ tập trung đến trung bình, độ thuần đồng ruộng cao. Giống trỗ thoát cổ bông hoàn toàn, cứng cây, có độ tàn lá trung bình, khó rụng hạt.

Về vấn đề sâu bệnh, ngành chức năng đánh giá Hưng Long 555 trong vụ đông xuân vừa qua gần như không nhiễm các bệnh như đạo ôn hại lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá, đốm nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá. Giống chỉ nhiễm nhẹ bệnh khô vằn lúc sắp thu hoạch. Cơm nấu ráo nước, ngon cơm, vị đậm, mềm dẻo, để nguội cơm vẫn mềm, cơm có màu trắng ngà. Đặc biệt, giống lúa Hưng Long 555 có khả năng chống chịu nắng nóng rất tốt.

“Theo kết quả khảo nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống - Sản phẩm cây trồng Quốc gia, giống Hưng Long 555 thích nghi được với nhiều vùng sinh thái, dễ canh tác, năng suất cao và ổn định. Thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 125 - 130 ngày, vụ mùa từ 104 - 107 ngày. Giống cho hạt to, khối lượng 1.000 hạt (P1000) đạt 26,2g, cao hơn Khang Dân 18 và Thiên Ưu 8 lần lượt là 6,8 - 4,9g”, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.

Theo ông Hoàng Anh Thiện, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, trong thời gian qua, địa phương này không ngừng đưa các giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao về sản xuất thử tại địa phương để chọn ra những giống phù hợp thay thế cho những giống đã thoái hóa.

“Qua thực tế sản xuất giống Hưng Long 555, chúng tôi nhận thấy giống này có nhiều tính ưu việt, phù hợp với địa phương. Vụ đông xuân 2021 - 2022 tại Bình Định gặp bất thuận về thời tiết, huyện Hoài Ân cũng không ngoại lệ, nắng nóng kéo dài, tiếp tới bị ảnh hưởng gió mùa đông bắc kèm theo không khí lạnh gây đổ ngã nhiều diện tích lúa.

Thế nhưng giống lúa Hưng Long 555 nhờ cứng cây nên không bị đổ ngã, sâu bệnh ít, năng suất cao. Để đưa giống lúa Hưng Long 555 vào bộ giống bổ sung của huyện, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất khảo nghiệm trên nhiều chân đất và nhiều vụ mùa khác nhau để đánh giá thật chuẩn rồi mới đề xuất đưa vào bộ giống của huyện”, ông Hoàng Anh Thiện, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân chia sẻ.


Related news

Nuôi ngan khó hơn gà, nhưng ít khi thua lỗ Nuôi ngan khó hơn gà, nhưng ít khi thua lỗ

Ngan là vật nuôi rất mẫn cảm với thời tiết, nhưng khi nắm vững kỹ thuật khắc phục, đầu tư nuôi ngan sẽ ít thua lỗ hơn.

Wednesday. March 30th, 2022
Phân hữu cơ không thay thế được phân bón Phân hữu cơ không thay thế được phân bón

Giá trị của phân hữu cơ hay còn gọi là phân xanh có lẽ không phải như những gì hầu hết mọi người vẫn thường nghĩ, cho dù nó cũng làm giàu cho đất.

Wednesday. March 30th, 2022
Lúa cứng cáp, ít sâu bệnh, ít đổ ngã nhờ tưới ngập - khô xen kẽ Lúa cứng cáp, ít sâu bệnh, ít đổ ngã nhờ tưới ngập - khô xen kẽ

Kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ (AWD) giúp nông dân tiết kiệm được lượng nước tưới, rễ lúa ăn sâu vào đất giúp lúa cứng cây, ít đổ ngã và ít sâu bệnh.

Wednesday. March 30th, 2022