Giống Lúa Lai Dương Quang 18

Giống lúa lai Dương Quang 18 do Cty TNHH Giống cây trồng Dương Quang - Thành Đô - Tứ Xuyên (Trung Quốc) chọn tạo, Cty CP Giống cây trồng Miền Bắc (Việt Nam) tiến hành khảo nghiệm trong nước, đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức.
Theo Cty Dương Quang thì giống này được tạo ra từ tổ hợp lai SVA x R5 và được SX ở Tứ Xuyên vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4. TGST vụ đông xuân ở miền Bắc 140 ngày, cây khỏe, lá xanh, nhiều bông, dày gốc, lá hình kiếm thẳng, khả năng phân nhánh cao, tỷ lệ kết bông đạt 65% trở lên, bình quân mỗi bông đạt 167 hạt; tỷ lệ kết hạt đạt 79,5%, trọng lượng hạt đạt 27,9g/1.000 hạt, chất lượng gạo tốt, hạt trắng, cơm ngon, hương vị thơm, đạt tiêu chuẩn chất lượng gạo cấp 2, đã thông qua Trung tâm Kiểm định chất lượng của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc... Giống Dương Quang 18 năng suất trung bình khoảng 7,2 tấn/ha, tăng 5,3% so với Nhị ưu 838.
Đến nay giống lúa này đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành từ miền Bắc tới miền Trung cho thấy Dương Quang 18 thích hợp với nhiều vùng sinh thái nông nghiệp của nước ta như Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định…
Thậm chí ngay từ vụ xuân năm 2009, giống Dương Quang 18 đã “leo” lên tận cánh đồng Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk). Lần đầu tiên Dương Quang 18 có mặt ở Tây Nguyên đã chinh phục được những cán bộ khuyến nông nơi đây. Ông Nguyễn Văn Lượng, cán bộ chỉ đạo mô hình của huyện Krông Ana nói: “Qua thời gian theo dõi và chỉ đạo mô hình tại thị trấn Buôn Trấp, tôi thấy giống lúa Dương Quang 18 có thời gian sinh trưởng ngắn từ 110-115 ngày, ngắn hơn các giống đại trà khác từ 5-10 ngày, chịu thâm canh. Thích nhất là giống lúa này có thể sạ nhiều vụ/năm, cứng cây, không đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, lúa trổ tập trung, chín đồng loạt, tỷ lệ hạt chắc trên bông trên 81%, dạng hạt dài, lúa chín có màu vàng sáng”. Thực tế tại Buôn Trấp, lúa lai Dương Quang 18 đã đạt 9,5-9,8 tấn/ha, cao hơn giống khác từ 0,3-0,6 tấn/ha.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT Kim Động (Hưng Yên), giống Dương Quang 18 có TGST ngắn nên thuận lợi cho việc bố trí thời vụ ở chân đất trồng cây vụ đông, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, không nhiễm đạo ôn, khô vằn, chỉ nhiễm sâu cuốn lá nhẹ. Ông Trần Văn Huy, Chủ nhiệm HTX Trác Văn (Duy Tiên, Hà Nam) nhận xét: Dương Quang 18 là giống chịu thâm canh, cứng cây, chống đổ tốt, năng suất vụ xuân đạt 280 kg/sào, hơn các giống lúa khác từ 20-30 kg.
Cũng theo ông Huy thì giống lúa lai ba dòng này có triển vọng cao trên đồng đất địa phương, chất lượng thương phẩm cao hơn các giống lúa lai khác, có thể thay thế được giống Thục Hưng 6. Có những điểm ở Trác Văn, Dương Quang 18 năng suất cao hơn nhiều giống lúa lai đang thịnh hành khác.
PGĐ Sở NN-PTNT Hòa Bình, Lê Như Ngọc đánh giá: Qua 3 vụ SX giống lúa Dương Quang 18 cho thấy giống có tính thích ứng rộng, có thể gieo cấy cả 2 vụ trong năm. Khả năng đẻ nhánh của Dương Quang 18 khỏe hơn Nhị ưu 838, năng suất cao và ổn định. Từ vụ xuân 2011, tỉnh Hòa Bình đưa vào cơ cấu giống lúa này.
Qua nhiều năm theo dõi, thấy tỉnh nào cấy Dương Quang 18, ông Nguyễn Thanh Lâm, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia cũng cất công đi xem. Theo ông đây là giống lúa có độ ổn định khá cao cả về năng suất, chất lượng. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu có nhiều diễn biến bất thường như hiện nay thì đặc điểm này trở thành một thế mạnh của Dương Quang 18. Có lẽ vì thế bà con nông dân thường yên tâm hơn khi gieo cấy Dương Quang 18.
Ông Chu Văn Triển, TGĐ Cty CP Giống cây trồng miền Bắc vừa qua đã “nín thở” đưa giống Dương Quang 18 về chính quê ông, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ông tâm sự thật: “Giống là vấn đề nhạy cảm, nếu lúa có vấn đề gì thì tôi mất mặt với bà con chòm xóm. Không ngờ vụ này khắc nghiệt vậy mà lúa đẹp quá, cánh đồng mấy chục ha cấy Dương Quang 18 nay chín vàng, phẳng như tấm thảm. Nhìn ruộng lúa tôi thật nhẹ nhõm”. Ông Triển cũng lưu ý, đây là giống lúa lai đòi hỏi thâm canh cao, nên bà con khi gieo cấy không được bỏ bê. Nếu chăm sóc tốt, giống có thể đạt hơn 3 tạ/sào, bởi bên Trung Quốc người ta đã gieo cấy đại trà mà còn đạt hơn chục tấn/ha
Related news

Cà rốt là một trong những cây trồng có thế mạnh của tỉnh Hải Dương. Hàng nghìn ha cà rốt mỗi vụ đã cho thu trung bình từ 145- 155 triệu đồng/ha. Trong nhiều năm gần đây, đa số các vùng chuyên canh cà rốt của tỉnh đều ưa chuộng duy nhất giống cà rốt Nhật lai Ti 103 để phát triển vì chưa có giống nào ưu việt hơn thay thế

Các nhà khoa học Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT) đã lai tạo thành công giống sắn KM 41-10 kháng bệnh khảm, một trong những bệnh nguy hiểm đe dọa ngành SX sắn, loại cây lương thực quan trọng thứ 3 của các nước châu Phi và châu Mỹ La tinh.

HYT 103 có khả năng chống chịu khá tốt với một số sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng như: Đạo ôn (điểm 1-3); Bạc lá (điểm 3-5), Khô vằn (điểm 3 – 5), Rầy nâu… Năng suất đạt 70– 78 tạ/ha (vụ Xuân) và 65 – 70 tạ/ha trong vụ Mùa

Là loại cây họ đậu, lưu niên, thân đứng hoặc bò; cây thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới, ít bị sâu bệnh, có khả năng thích ứng rộng (chịu được khô hạn và úng ngập tạm thời) và dễ nhân giống, Có thể trồng cỏ Stylo bằng hạt hoặc trồng bằng cành giâm. Năng suất trên một Ha từ 40 đến 50 tấn mỗi năm

Loại cà chua ghép sạch bệnh đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện và nhân rộng ra trong dân. Giống do các trại ươm làm ra không đủ bán trên thị trường...