Giống lúa Bắc thơm 7 Kháng bạc lá 3 gen đã có chủ
Bắc thơm 7 Kháng bạc lá 3 gen mang các gen kháng bệnh bạc lá (xa5, Xa7, Xa21) nên có khả năng kháng bệnh cao và ổn định, tỷ lệ nhiễm rầy nâu nhẹ.
Giống lúa Bắc thơm 7 KBL3 (tên cũ là giống BT7 KBL-03) mang 3 gen (xa5, Xa7, Xa21) nên khả năng kháng cao bệnh bạc lá cao và ổn định.
Sự kiện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ NN- PTNT) ký hợp đồng chuyển giao bản quyền giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá 3 cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định tổ chức mới đây, hứa hẹn sẽ cung cấp cho nông dân Nam Định nói riêng, nông dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung giống lúa thơm xứng tầm kỳ vọng.
Chiều 10/12 tại Nam Định, dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh, 2 cơ quan là Viện Cây lượng thực và Cây thực phẩm, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định đã tổ chức lễ ký kết chuyển giao bản quyền sản xuất, kinh doanh giống Bắc thơm 7 KBL3.
Giống lúa BT7 KBL-03 (tên cũ) bắt đầu được các nhà khoa học Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu, lai tạo từ vụ xuân năm 2015. Sau đó, giống chính thức được gửi khảo nghiệm trong hệ thống khảo nghiệm giống quốc gia từ vụ xuân năm 2018, nay giống được đổi tên thành Bắc thơm 7 KBL3.
Tiến sĩ Phạm Thiên Thành, Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, tác giả giống lúa Bắc thơm 7 KBL3 chia sẻ, Bắc thơm 7 KBL3 là giống cảm ôn, được chọn tạo từ tổ hợp lai BT7 và IRBB66 (dòng đẳng gen kháng bệnh bạc lá).
Thời gian sinh trưởng của Bắc thơm 7 KBL3 trong vụ xuân 130 ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày. Chiều cao cây 95 - 100 cm, đẻ nhánh trung bình, hạt thon nhỏ, màu vàng sẫm, khối lượng 1.000 hạt 20 - 21 gam. Đặc biệt, so với giống Bắc thơm 7 truyền thống và một số dòng Bắc thơm 7 KBL khác đã có trên thị trường, Bắc thơm 7 KBL3 mang 3 gen kháng bệnh bạc lá (xa5, Xa7, Xa21) nên có khả năng kháng bệnh bạc lá cao và ổn định, tỷ lệ nhiễm rầy nâu nhẹ.
Theo tiến sĩ Thành, sở dĩ một vài giống lúa Bắc thơm 7 KBL trước đây đưa vào sản xuất chưa mang lại thành công như mong đợi, với lý do đấy là những giống đơn gen (chỉ có 1 gen), nên giống có thể chống chịu bệnh bạc lá ở vụ này mà lại không chống chịu được ở vụ khác, chống chịu ở vùng thổ nhưỡng, khí hậu này mà không phát huy được khả năng của giống khi gieo cấy ở vùng khác.
Còn giống Bắc thơm 7 KBL3 của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm có tới 3 gen, mà xa21, Xa7, Xa21 đều là những gen có ưu thế chống chịu mọi cấp độ của bệnh bạc lá nên chắc chắn, khi đưa giống vào sản xuất sẽ thành công ngoài mong đợi.
Cụ thể, theo kết quả các mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm sản xuất trên nhiều chân đất và diện tích khác nhau trong thời gian qua, được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm công bố, thì năng suất trung bình của giống lúa Bắc thơm 7 KBL3 đạt từ 55 - 60 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 65 tạ/ha. Đặc biệt, hàm lượng Amylose trong giống lúa Bắc thơm 7 KBL3 là 13% nên chất lượng tốt, cơm mềm, mùi thơm, vị đậm.
Đây cũng là một điểm cộng đáng tự hào của giống lúa Bắc thơm 7 KBL3. Bởi một khi đưa gen vào giống lúa Bắc thơm 7 truyền thống thì đặc tính của giống thường bị thay đổi. Thậm chí giống không giữ được chất lượng gạo ban đầu, cơm nấu lên bị cứng, mất mùi thơm vốn có.
Với giống lúa Bắc thơm 7 KBL3 thì các đặc tính của giống Bắc thơm gốc được giữ nguyên vẹn. Như vậy, đây có thể nói là giống lúa "2 trong 1" khi vừa chống chịu được bệnh bạc lá vốn được coi là bệnh "ung thư" với giống lúa Bắc thơm 7 rất hay bùng phát ở vụ mùa, lại vừa có chất lượng gạo, cơm tuyệt vời, lúa dễ bán và bán được với giá cao.
Chứng kiến lễ ký kết giữa hai đơn vị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Phùng Hoan vui mừng cho biết, riêng với tỉnh Nam Định cũng như một số tỉnh đồng bằng sông Hồng khác, từ nhiều năm nay người nông dân vẫn luôn một mực chung thủy với giống lúa Bắc thơm 7 bởi chất lượng gạo của giống lúa này cho đến nay xét một cách sòng phẳng chưa có giống nào vượt qua được.
Đó là lý do giải thích tại sao giống Bắc thơm 7 truyền thống cấy ở Nam Định rất nhiều năm bị bệnh bạc lá, có những năm cả cánh đồng gần như bị cháy xám nhưng nông dân vẫn không bỏ giống lúa này. Vừa khuyến cáo, có nơi còn "cấm" không được gieo cấy nhưng nông dân vẫn say sưa, quấn quýt với Bắc thơm 7, coi như "đánh bạc" với trời.
Chính vì vậy, dù có nhược điểm là bị mẫn cảm với bệnh bạc lá, nhất là trong vụ mùa, thậm chí nhiều năm gặp mưa bão mất mùa liên tiếp, nhưng bà con nông dân Nam Định vẫn gắn bó với giống Bắc thơm 7 qua nhiều thập kỷ, với diện tích luôn duy trì chiếm 60 - 65% tổng diện tích lúa mỗi vụ của Nam Định.
Do đó, việc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu chọn tạo thành công giống Bắc thơm 7 KBL3, lại chuyển giao cho một doanh nghiệp giống cây trồng đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định- cái nôi của giống Bắc thơm 7 ở miền Bắc, có thể coi là mối "nhân duyên".
Ông Nguyễn Phùng Hoan kỳ vọng và tin tưởng giữa hai đơn vị sẽ kết hợp chặt chẽ, tiếp tục gắn kết để sớm công nhận chính thức, đưa giống lúa Bắc thơm 7 KBL3 vào sản xuất thương mại, từ đó cung cấp cho bà con nông dân Nam Định giống lúa thơm chất lượng cao, đã được khẳng định qua thời gian và nay sẽ toàn diện hơn nữa khi có thêm tính trạng kháng được bệnh bạc lá cố hữu.
Related news
Trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới lần thứ 11 (11th WORLD RICE CONFERENCE) diễn ra ở thủ đô Manila, Philippines từ 11-13/11/2019, kết quả cuộc thi gạo ngon
Từ vụ Đông Xuân 2018, Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mang đến cho người dân cách thức sản xuất
Một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc gia tăng năng suất đó là gia tăng số chồi hữu hiệu của cây lúa.