Giống khoai tây cho mùa mưa
Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam) khuyến cáo các địa phương đưa vào gieo trồng 2 giống khoai tây kháng bệnh tốt, thích hợp mùa mưa là TK96.1 và PO3.
Sau nhiều năm nghiên cứu, chọn tạo và trồng thử nghiệm thành công, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam) khuyến cáo các địa phương đưa vào gieo trồng 2 giống khoai tây kháng bệnh tốt, thích hợp mùa mưa là TK96.1 và PO3.
TK96.1: Giống được tuyển chọn từ nguồn giống nhập nội của Australia (1996), có khả năng thích ứng rộng, sinh trưởng mạnh; đặc biệt thích ứng trồng trong các tháng mùa mưa vì có khả năng kháng bệnh tốt với bệnh mốc sương.
TK96.1 có TGST từ 95- 100 ngày, tiềm năng năng suất cao, trung bình tại các vụ khảo nghiệm đạt 25- 35 tấn/ha (cao hơn giống mùa khô 5 tấn), phẩm chất phù hợp với ăn tươi và chế biến công nghiệp. Củ tròn hơi dẹt, mắt nông, hàm lượng chất khô cao, đường khử thấp, không bị đổi màu trong quá trình bảo quản và chế biến. Qua theo dõi tại các tỉnh vùng ĐBSH, cây sinh trưởng mạnh, cho năng suất cao hơn các giống khảo nghiệm, đạt 16,8 tấn/ha, hàm lượng chất khô 16,8%.
Cuối năm 2010, giống TK96.1 được Bộ NN- PTNT công nhận và cho phép đưa vào SX. TT Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Lâm Đồng đã cung ứng củ giống cho nông dân Lâm Đồng và một DN chế biến khoai tây ở TP. HCM. Ngày 27/5/2011 Bộ NN-PTNT đã cấp bằng bảo hộ giống trồng mới cho giống khoai tây TK96.1.
PO3: Được tuyển chọn từ nguồn giống nhập nội của Philippines. TGST 90- 100 ngày, dạng cây nửa đứng, hoa màu trắng, củ hình oval tròn, mắt củ nông, vỏ màu vàng, thịt củ vàng nhạt, hàm lượng chất khô >20%, đường khử thấp: 0,208%, tinh bột cao, phù hợp cho ăn tươi và chế biến công nghiệp.
PO3 có tiềm năng năng suất trung bình 25- 30 tấn/ha. Giống có thể trồng được nhiều vụ trong năm, đặc biệt có ưu thế tốt trong các tháng mùa mưa vì có khả năng chống chịu tốt với một số bệnh tốt hơn với các giống địa phương; đặc biệt là kháng bệnh mốc sương, kháng virus tốt nên chậm bị thoái hóa.
Giống PO3 được Bộ NN- PTNT công nhận là giống quốc gia năm 2007, được cấp bằng bảo hộ trong 20 năm với quyền sở hữu của TT Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt.
Theo khuyến cáo, bà con nên sử dụng màng phủ nông nghiệp trên mặt luống và tiến hành theo các bước sau đây:
- Làm đất: Chọn đất có cấu tượng nhẹ, dọn sạch cỏ, phay tơi xốp, sâu tối thiểu 25 cm. Mùa khô lên luống cao 25- 30 cm, rộng 1,3m (cả rãnh).
- Trộn đều phân bón lót với đất trên mặt luống, cào bằng mặt, dùng vá đập chặt 2 bên mép luống. Lượng phân bón lót (tính cho 1.000 m2 gồm có: 50- 70kg phân lân + 120- 150 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 1,5 m3 phân chuồng + 30 kg kali + 20kg DAP + 15 kg NPK 20-20-15. Phun thuốc gốc đồng trên mặt luống (Booc- đô hoặc sunphát đồng 1%) liều lượng theo khuyến cáo trước khi phủ bạt.
- Đục lỗ, đặt củ và lấp đất (trồng 2 hàng so le, cách nhau 40 cm, mật độ khoảng 3.700- 3.800 củ/1.000m2), tưới đủ ẩm 2 ngày/lần.
- Bón thúc lần 1 khi cây lên khỏi mặt đất 7- 8cm: dùng 5 kg urê/1.000m2 rải đều quanh gốc. Bón thúc lần 2 sau trồng 30- 40 ngày với 10- 15kg NPK (7-7-4)/1.000m2 bằng cách rải phân giữa 2 hàng, tưới nước và đậy màng phủ lại.
- Chú ý theo dõi, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Bà con và các địa phương có thể liên hệ với TT Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt tại địa chỉ: 79 Hồ Xuân Hương, phường 12, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng. ĐT: 0633 831529 để mua giống và được tư vấn thêm về kỹ thuật.
Related news
Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông với thành phần cơ giới nhẹ thoát nước và giữ ẩm tốt, quy hoạch tập
Tiếp sau đây là kỳ 2 với kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu hại, thu hoạch, bảo quản khoai tây.
Giống khoai tây KT5 do Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cây có củ, Viện CLT - CTP, tuyển chọn từ tập đoàn các giống khoai tây của Đức