Giống Bắp Mới Trên Đất Huế
Hai giống bắp nếp lai HN88 và HN90 lần đầu tiên khảo nghiệm, được khẳng định đã “bén duyên” trên đất Huế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế của người dân.
“Bén duyên”...
Không phải ngẫu nhiên mà Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương khu vực miền Trung - Tây Nguyên chọn phường Hương Long (TP Huế) để khảo nghiệm hai giống bắp nếp lai HN88 và HN90. Vùng đất này nằm ven sông Hương, có ưu thế phát triển nhiều loại cây trồng nói chung và bắp nói riêng. Trên địa bàn phường có khoảng 100 ha bắp truyền thống, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình.
Không ít hộ chủ yếu nhờ trồng bắp đã có cơ hội thoát nghèo vươn lên khá. Lâu nay, người dân chủ yếu sản xuất các giống bắp truyền thống, như Thần Nông, Đại Địa... mang lại hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Việc tìm tòi các giống bắp mới đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao luôn là trăn trở đối với các địa phương.
UBND phường Hương Long cử cán bộ đến Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tìm tòi những giống bắp mới, phù hợp với tiềm năng để đưa về khảo nghiệm. Phía công ty đồng ý, sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống bắp mới.
Thuận lợi ban đầu tạo “cơ duyên” cho hai giống bắp nếp lai HN88 và HN90 được “góp mặt” trên đất Hương Long từ tháng 4-2013, với diện tích khảo nghiệm bốn nghìn mét vuông; đồng thời trồng một sào giống bắp Đại Địa truyền thống để đối chứng. Quá trình triển khai mô hình khảo nghiệm, công ty phối hợp với Hội Nông dân phường Hương Long tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân.
Chỉ sau hơn hai tháng, hai giống bắp nếp lai đã cho thu hoạch, công ty và các ban ngành tiến hành đánh giá kết quả khảo nghiệm. Bất ngờ, các giống mới thật sự “bén duyên” trên đất Hương Long, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với giống truyền thống địa phương.
Khảo sát bốn sào giống bắp HN88 được trồng tại hộ ông Trần Ngọc Nhơn ở đội 4, phường Hương Long, cho thấy bình quân mỗi sào thu nhập hơn mười triệu đồng, lãi từ hai đến ba triệu đồng. Chủ nhiệm Hợp tác xã Hương Long Nguyễn Sỹ Sa cho biết thêm, hai giống bắp nếp lai đạt năng suất cao hơn 20 - 25% và mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với giống sản xuất đối chứng.
Các giống bắp mới rất dễ trồng, hạt bắp dẻo, thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Thời điểm này, toàn Hợp tác xã Hương Long trồng khoảng 50 ha; thời gian tới, sẽ nhân rộng lên 100 ha và tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo.
Nhiều ưu điểm
Hai giống bắp nếp lai trên cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với giống truyền thống ở địa phương. Với giống bắp HN88, thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 67-70 ngày kể từ khi gieo trồng đến thu hoạch; còn giống HN90 chỉ trong vòng 60 - 63 ngày, ngắn hơn từ 15 - 20 ngày so với các giống thông thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân có thể trồng được nhiều vụ trong năm để tăng thu nhập.
Giống bắp HN88 và HN90 đều chống chịu rất tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như đổ ngã nhờ thân to, cao, bộ rễ chắc, đặc biệt là chịu hạn tốt nên có thể trồng được ở các chân ruộng không chủ động nguồn nước. Các giống còn có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, hoặc chỉ nhiễm một số bệnh ở cấp độ nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng bắp trái. Sản phẩm còn có màu sắc đẹp, quả to, dài nên đáp ứng nhu cầu thị hiếu của nhiều người và được thị trường ưa chuộng.
Các hộ tham gia sản xuất đều tỏ ra vui mừng trước những ưu điểm và kết quả đạt được của các giống bắp mới. Ông Nguyễn Văn Sét ở Hợp tác xã Hương Long, người tham gia trồng giống bắp nếp lai, nói: “Từ trước đến nay, ở Hương Long chưa có giống bắp truyền thống nào cho năng suất và hiệu kinh tế cao như giống bắp mới này.
Gia đình tôi tham gia trồng hai sào, nhẩm tính bình quân mỗi sào lãi từ hai triệu đến ba triệu đồng/vụ, mỗi năm trồng được ba đến bốn vụ sẽ lãi từ 06 triệu đến 08 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi ha bắp nếp lai lãi khoảng 140 triệu đồng/năm, cao gấp 10-15 lần so với trồng lúa”. Vui mừng nhất đối với người dân Hương Long là đã tự sản xuất nguồn giống để cung ứng nhu cầu phát triển tại địa phương.
Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương khu vực miền Trung - Tây Nguyên Tôn Thất Kim Ngân cho biết, hai giống bắp nếp lai HN88 và HN90 đã được kiểm nghiệm và nằm trong danh mục được phép sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Gần đây, các giống mới trên được đưa vào sản xuất đại trà ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Riêng ở Huế, hai giống trên là lần đầu tiên “có mặt” và cho thấy nhiều triển vọng.
Qua khảo sát của công ty và các ban ngành, nhiều vùng đất đồi, ven sông, ven suối... trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, thuận lợi cho việc trồng các giống bắp nếp lai. Công ty đang xúc tiến, phối hợp với các ban ngành để đưa các giống mới về hỗ trợ người dân trồng thử nghiệm, từng bước thay thế giống thông thường ở các địa phương. Đây là cơ hội mới góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.
Related news
Giống khoai sáp MDH.01 là dòng vô tính được chọn lọc từ quần thể mẫu giống địa phương Phước Sọ - Nghệ An (dòng 95-03) trong tập đoàn 80 giống khoai sáp (khoai mùng) thu thập từ năm 1993-1995 của Trung tâm Tài nguyên Thực vật, được Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB khảo nghiệm
Giống dưa bở Vàng thơm Số 1 do ThS. Đoàn xuân Cảnh, KS. Ngô Thị Mai, TS. Đào Xuân Thảng - Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn lọc theo phương pháp chọn lọc cá thể đồng dạng từ các mẫu giống dưa bở nhập nội năm 1997. Giống dưa bở Vàng thơm số 1 đã được công nhận tạm thời theo Quyết định số 632/QĐ-TT-CLT ngày 24 tháng 12 năm 2010
Năm 2006, giống cà chua HT160 do Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội lai tạo được đưa vào trồng thử nghiệm tại thôn Then, xã Thái Đào (Lạng Giang - Bắc Giang), cho năng suất cao, có nhiều ưu điểm nổi trội nên đến nay được bà con trồng đại trà.
Chữ đường khá, đạt từ 11-12 CCS. Năng suất mía rất cao, trung bình đạt từ 100-130 tấn/ha. Đường kính thân trung bình 2,5- 3 cm, chiều cao cây trung bình, mật độ cây cao 6-8 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh
Ở thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) có anh Vũ Văn Tứ đã lai tạo thành công giống gà nòi chân vàng, thịt vàng thơm ngon đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng.