Home / Cây lương thực / Trồng lúa

Gieo sạ, bón phân hợp lý trong vụ lúa thu đông

Gieo sạ, bón phân hợp lý trong vụ lúa thu đông
Author: Gia Phú
Publish date: Tuesday. October 10th, 2017

TS. Chu Văn Hách, nguyên trưởng bộ môn phân bón và kỹ thuật canh tác, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết, quan điểm sạ thưa đồng nghĩa giảm giống, phân, sâu bệnh, lúa ít đổ ngã, năng suất tăng... trên thực tế cho thấy rất đúng với những nghiên cứu khoa học.

Từ đó có một số khuyến cáo, nông dân nên sạ từ 100 - 120 kg/ha, nếu sạ dày, số chồi lên đến khoảng 1.000 nhưng số bông chỉ đạt từ 400 - 450, nhưng số hạt chắc thấp hơn. Chúng ta có thể gia giảm tùy theo lượng giống, đối với ruộng khô thì tỷ lệ đẻ nhánh ít hơn, từ đó cần điều chỉnh gia giảm. Theo khuyến cáo, 10 kg/công thì có thể tăng thêm khoảng 2 kg nữa nếu tính 120 kg/ha để bù trừ vào ốc bươu gây hại hoặc mưa gió. Như vậy sẽ giúp bà con đạt được năng suất tối đa và chi phí về phân bón  và áp lực từ sâu bệnh giảm, từ đó chi phí đầu vào giảm dẫn đến lợi nhuận tăng lên. 

Theo TS. Hách, để đảm bảo được hiệu quả, đầu tiên cần làm đất tốt, hạn chế được ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, cần phải hóa giải những yếu tố hạn chế trong đất. Đối với vụ thu đông, nếu đất bị nhiễm phèn thì cần phải đưa nước vào để rữa phèn trước khi sạ. Đối với đất bị ngộ độc hữu cơ thì có thể giãn thời gian và khoảng cách giữa 2 vụ, tốt nhất là 3 tuần, đối với vụ này có thể sạ 120 kg/ha bù trừ hao hụt, sử dụng giống lúa xác nhận. 

TS. Hồ Văn Chiến, nguyên giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: Đối với đất càng cạn kiệt dinh dưỡng thì bà con càng nên sạ thưa, quang hợp cạnh tranh thiếu ánh sáng. Nếu cây lúa thẳng thì ánh nắng chiếu thẳng xuống được, nếu đồng ruộng sạ dày, cây lúa có đặc tính nhóng lên để hứng ánh sáng. Nếu bón thừa phân đạm dẫn đến lá lúa rũ xuống, cây lúa càng nhóng lên nữa dẫn đến dễ đổ ngã. Hầu hết hiện nay nông dân thường bón thiếu phân lân ở giai đoạn đầu dẫn đến cây lúa về sau dễ đổ ngã và bị muỗi hành tấn công, mặt khác lại bón dư kali làm cháy bẹ lá và lại tiếp tục tạo điều kiện để muỗi hành tấn công. 

Còn sạ dày gặp thời tiết mưa bão cây dễ đổ ngã hơn, để cây lúa cạnh tranh với cỏ thường sạ dày để cây lúa đè cây cỏ, đây là một quan niệm sai khi thực tế cây cỏ thường cao hơn cây lúa, cuối cùng cây cỏ thường đè cây lúa. Vì vậy cần chú ý sạ hàng từ 80 - 100 kg giống/ha. Từ đó tạo điều kiện để thiên địch phát triển để hạn chế sâu bệnh gây hại. “Nếu sạ dày dẫn đến bón phân nhiều, nhiều sâu bệnh, phun thuốc nhiều dẫn đến sâu kháng thuốc nhanh. Đặc biệt là những con thiên địch bắt mồi ăn thịt chết, còn rầy nâu trốn dưới gốc thì sống, chỗ sạ càng dày sẽ càng có ít thiên địch, từ đó cho thấy sạ dày dẫn đến sâu hại nhiều hơn thiên địch và dẫn đến mất mùa” - TS. Chiến nhấn mạnh.

Các nhà khoa học cũng đưa ra những khuyến cáo công thức chung để bà con có thể tham khảo, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ruộng của mình. Riêng đối vụ hè thu, thu đông đối với 3 vùng đất chính trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó vùng đất phù sa khuyến cáo bà con bón tối đa 150 kg urê, có thể dao động trong 120 - 150 kg, đối với phân DAP bón khoảng 80 - 100 kg, kali bón khoảng 30 - 50 kg/ha. Đối với ruộng đất phèn thì bà con cần giảm lượng đạm và tăng lượng lân, đạm bón khoảng từ 110 - 130 kg urê trên 1 ha cộng với 90 - 100 kg DAP, kali 50 kg/ha. Riêng đối với vùng đất mặn, phèn thì nên bón lượng đạm cao hơn, do trong điều kiện đất mặn độ pH cao, khả năng thất thoát phân đạm cũng cao hơn so với vùng đất phù sa và đất phèn, khuyến cáo bón khoảng 140 - 160 kg urê cộng với 90 - 100 kg DAP và bón khoảng 50 kg kali clorua, tùy theo điều kiện từng vùng mà bà con có thể gia giảm lượng phân bón để phù hợp.


Related news

HDT10 - giống lúa thơm chất lượng cao HDT10 - giống lúa thơm chất lượng cao

HDT10 là giống lúa thơm chất lượng cao, bộ lá khỏe, đứng, lá xanh đậm, độ tàn lá muộn và có độ thuần cao trên đồng ruộng. Khả năng chống đổ khá

Thursday. September 28th, 2017
Sâu phao đục bẹ hại lúa Sâu phao đục bẹ hại lúa

Sâu phao đục bẹ hay sâu đục bẹ lây lan nhanh trên diện rộng, hình thành các ổ dịch lớn và nếu không phòng trị kịp thời sẽ gây hại nặng đến năng suất cây trồng…

Monday. October 2nd, 2017
Giống lúa mới MHC 2 Giống lúa mới MHC 2

Giống lúa mới MCH 2 vẫn sinh trưởng tốt, ít nhiễm sâu bệnh, mặc dù trong điều kiện thời tiết mưa kéo dài, dễ bị sâu bệnh hại và tỷ lệ lép cao làm giảm năng suất

Saturday. October 7th, 2017