Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giàu Lên Nhờ Mô Hình Lợn - Cá

Giàu Lên Nhờ Mô Hình Lợn - Cá
Publish date: Thursday. April 11th, 2013

Điểm nhấn trong bức tranh khởi sắc về kinh tế nông hộ của xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) những năm qua có thể kể đến là mô hình kinh tế lợn - cá. Nhờ mô hình này mà hàng chục hộ nông dân nơi đây đã trở thành triệu phú với mức thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng/mô hình.

Nằm sát ngay tuyến Quốc lộ 1A, xã Hải Phú có nhiều điều kiện phát triển kinh tế đa ngành nghề. Bên cạnh việc chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp thì ngành nông nghiệp vẫn được địa phương đẩy mạnh theo hướng sản xuất thâm canh, đưa giá trị thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích. Tiêu biểu trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã Hải Phú có thể kể đến mô hình lợn - cá kết hợp.

Bây giờ có dịp về xã Hải Phú, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi bộ mặt làng quê nơi đây đã thay đổi nhanh chóng. Những cánh đồng bao la vốn trước đây canh tác cây lúa kém hiệu quả hoặc bỏ hoang hóa của xã nay đã biến thành những mô hình chăn nuôi kết hợp lợn - cá được quy hoạch liền vùng liền thửa. Dẫn chúng tôi tham quan những khu chăn nuôi lợn - cá trên địa bàn, anh Văn Viết Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phú cho biết: “Trước đây đời sống của người dân trên địa bàn chỉ chủ yếu dựa vào trồng lúa, hoa màu nên cũng không dư dả gì. Từ khoảng năm 2007 đến nay, nhờ nghề nuôi cá du nhập và ngày càng phát triển hiệu quả mà đời sống của người dân nơi đây dần khấm khá, giàu lên. Từ vài mô hình ban đầu, đến nay toàn xã đã có trên 43 mô hình lợn - cá cho thu nhập sau khi trừ chi phí lên đến từ 150 - 200 triệu đồng/mô hình/năm, trong đó thôn Long Hưng chiếm đến 2/3 số mô hình. Đến nay có thể khẳng định, mô hình lợn - cá là mô hình kinh tế nông nghiệp chủ lực, mở hướng làm giàu cho người dân địa phương”.

Chúng tôi ghé thăm mô hình lợn - cá của gia đình ông Văn Hữu Khoa, một trong những hộ có diện tích mô hình lợn cá khá lớn ở thôn Long Hưng. Tiếp chúng tôi sau khi cho cá ăn, ông Khoa vui vẻ cho biết, hiện tại gia đình đang có diện tích ao nuôi khoảng 0,7 ha, mỗi lứa nuôi thả trên 3 vạn cá cộng với nuôi thêm khoảng 150 con lợn thịt ở chuồng trại được xây dựng bên mép hồ. “Trước đây kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn vì chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và đi làm thuê. Chúng tôi rất muốn thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương nhưng nghĩ mãi mà chưa có hướng nào cả.

Vào khoảng năm 2007, khi phong trào nuôi cá nước ngọt kết hợp nuôi lợn đang phát triển mạnh và có hiệu quả ở địa phương thì vợ chồng tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi đất ruộng sang đào ao thả cá. Nhờ sự giúp đỡ về kinh nghiệm của những gia đình nuôi cá đi trước và chính quyền địa phương về việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi và hỗ trợ vốn mà gia đình tôi đã từng bước thoát nghèo và dần có của ăn của để. Hiện tại mỗi năm, sau khi trừ chi phí thì mô hình của gia đình tôi cũng cho lãi trên 150 triệu đồng”. Nhờ làm ăn có hiệu quả từ mô hình lợn - cá mà đến nay gia đình anh Khoa xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện để nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn.

Cũng như gia đình anh Khoa, gia đình ông Văn Hồng Lưu cũng đã có thu nhập cao và ổn định trong nhiều năm nhờ mô hình nuôi lợn - cá. Vào năm 2008, gia đình ông Lưu mạnh dạn bỏ công sức đào 2 khu hồ với diện tích khoảng 0,6 ha, thả trên 2 vạn giống cá nước ngọt các loại và xây chuồng trại nuôi thêm từ 40 - 50 con lợn thịt mỗi lứa. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm nuôi cá, lợn qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng cùng sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông - khuyến ngư mà việc nuôi cá của gia đình ông gặp nhiều thuận lợi.

“Mô hình nuôi lợn - cá ít bị dịch bệnh và đặc biệt giá cá thương phẩm bán được khá cao, đầu ra ổn định nên người nuôi cũng yên tâm và có lãi thường xuyên. Bình quân mỗi năm gia đình tôi cũng có lợi nhuận khoảng từ 100 - 120 triệu đồng. So với làm ruộng và một số nghề khác thì mô hình nuôi lợn - cá có thu nhập cao và ổn định hơn nhiều. Ở đây, không chỉ gia đình tôi mà hàng chục gia đình khác nhờ mô hình lợn- cá mà đã vượt qua nghèo khó, vươn lên khá giả”, ông Lưu cho biết.

Tại xã Hải Phú, ngoài nuôi lợn - cá thương phẩm cho thu nhập cao, một số gia đình còn mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở ươm cá giống có chất lượng cao bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện tại địa phương đã hình thành được 2 cơ sở ươm cá giống quy mô của các hộ gia đình ông Trần Búa và Văn Quang ở thôn Long Hưng, bình quân mỗi năm mỗi cơ sở cung ứng ra thị trường trên 100 vạn giống đủ các loại như cá mè, trắm cỏ, rô đầu vuông, cá trôi… Nhờ có các cơ sở ươm giống này mà các hộ nuôi cá địa phương giảm chi phí trong việc mua giống, yên tâm sản xuất và có thu nhập cao hơn.

Nói về hướng phát triển sắp tới của nghề nuôi cá nước ngọt kết hợp nuôi lợn, anh Văn Viết Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phú cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm thêm nhiều loại giống cá mới có chất lượng tốt, năng suất và giá trị cao để bà con nông dân thả nuôi nhằm đa dạng hóa con nuôi, tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan mở thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật phòng chống, điều trị các loại bệnh trên cá và đàn lợn để giúp bà con duy trì ổn định các mô hình, yên tâm sản xuất làm giàu”.


Related news

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản

Ngày 07/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản

Monday. October 12th, 2015
Được mùa hải sâm Được mùa hải sâm

Người dân sống dọc đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đang rất phấn khởi bởi năm nay, hải sâm tự nhiên phát triển nhiều, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập.

Monday. October 12th, 2015
Nuôi chạch đồng trong bể Nuôi chạch đồng trong bể

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang) đang thử nghiệm nuôi khoảng 2 vạn con chạch đồng trong bể với diện tích 200m2 tại đơn vị.

Monday. October 12th, 2015
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò

Ủ chua rơm rạ: Hố ủ cần xây chắc chắn, ở nơi cao ráo, dễ che đậy kín, thuận tiện việc ủ và lấy ra, có thể xây bằng gạch hoặc có thể dùng túi nylon dày và to để ủ. Kích thước tùy thuộc vào lượng rơm rạ cần ủ, cứ 1m3 hố ủ được 100kg rơm, hố ủ nên hẹp chiều ngang để dễ nén rơm.

Monday. October 12th, 2015
Làm giàu nhờ nuôi gà ri Làm giàu nhờ nuôi gà ri

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, cho năng suất và lợi nhuận cao, trong đó có mô hình nuôi gà ri lấy trứng của ông Lê Văn Dũ - ngụ ấp 4.

Monday. October 12th, 2015