Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giải pháp xử lý muỗi hành vụ hè thu 2018

Giải pháp xử lý muỗi hành vụ hè thu 2018
Author: Ngô Chuẩn
Publish date: Friday. May 25th, 2018

Trong bối cảnh diện tích lúa bị muỗi hành (còn gọi là sâu năn) gây hại tăng dần những năm gần đây, nông dân (ND) cần chủ động các giải pháp xử lý nhằm tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Đặc biệt, vụ hè thu 2018 cần tập trung phòng, trừ muỗi hành và các loại dịch hại khác bởi trong điều kiện mưa nắng thay đổi liên tục, dễ phát sinh dịch hại.

Gieo mạ, cấy lúa là một trong những giải pháp hạn chế dịch hại, trong đó có muỗi hành

Diễn biến đáng lo

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, những năm gần đây, diện tích lúa bị muỗi hành gây hại ngày càng tăng. Nếu như năm 2013, An Giang có 5.891ha bị nhiễm muỗi hành (401ha nhiễm nặng) thì đến vụ đông xuân 2016-2017, diện tích tăng lên hơn 7.000ha (1.700ha nhiễm nặng). Vụ đông xuân 2017-2018, có hơn 9.000ha bị nhiễm muỗi hành (hơn 2.600ha nhiễm nặng).

“Trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nơi lại canh tác quanh năm càng khiến dịch bệnh phát triển, lưu truyền từ vụ này sang vụ khác” - ông Hiền đánh giá.

Ông Hiền cho biết, vụ đông xuân 2017-2018, các địa phương đã xuống giống sớm và muộn hơn nhiều so với lịch khuyến cáo. Cụ thể, thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 7-10-2017 và phải đến ngày 13-2-2018, toàn tỉnh mới xuống giống dứt điểm 234.831ha lúa đông xuân (vụ đông xuân 2016-2017, đến ngày 8-2-2017 đã xuống giống dứt điểm 236.231ha lúa).

“Do tiến độ sản xuất vụ thu đông 2017 kéo dài, xuống giống vụ đông xuân 2017-2018 trong điều kiện trên đồng vẫn còn lúa thu đông nên các loại dịch hại có nơi sinh sống, lưu tồn và dễ lây nhiễm sang lúa đông xuân” - ông Hiền phân tích. Tiếp đến vụ hè thu 2018 xuống giống khi trên đồng vẫn còn lúa đông xuân, khiến dịch hại tiếp tục được “nuôi” là lây nhiễm.

Kinh nghiệm đúc kết từ vụ đông xuân 2017-2018 cho thấy, hầu hết diện tích nhiễm muỗi hành đều xuất hiện trên trà lúa xuống giống muộn (tập trung nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 15-1 đến 13-2-2018). Muỗi hành nhiễm nhiều trên những ruộng sạ dày, dư phân. Điều kiện có mưa, trời âm u, sương mù, ẩm độ cao kết hợp với trà lúa xuống giống muộn là môi trường lý tưởng để muỗi hành gây hại.

Chủ động đề phòng

Thời điểm giống vụ hè thu 2018, điều kiện mưa nắng kết hợp nên rất dễ phát sinh dịch hại trên lúa. Ông Hiền lưu ý, cần theo dõi bẫy đèn để phát hiện kịp thời cao điểm thành trùng muỗi hành. ND cần tuân thủ lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn, thực hiện cày ải, phơi đất ngay sau thu hoạch tối thiểu 15 ngày. Đồng thời, thực hiện vệ sinh cỏ dại, lúa chét trong ruộng, lúa hoang mọc ở các kênh, mương.

Trong canh tác, cần đẩy mạnh áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng), làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng, không giữ nước ruộng quá sâu (nhiều hơn 5cm), áp dụng tưới nước tiết kiệm “ướt - khô xen kẽ”. 

Khi bón phân phải bón cân đối, không bón thừa phân đạm và sử dụng chất kích thích sinh trưởng ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh; tăng cường bón lân, Kali, bổ sung thêm phân có hàm lượng Can-xi, Magiê, Silic, giúp những chồi còn lại phát triển tốt bù lại những chồi đã thiệt hại…

Theo ThS Nguyễn Phong Lan, Viện lúa ĐBSCL, muỗi hành (sâu năn) rất khó tiêu diệt sau khi chúng nở, lách qua mép bẹ lá hay chui trực tiếp từ ngọn vào đỉnh sinh trưởng (xuất hiện “ống hành”). Do vậy, cần chủ động phát hiện sớm để phòng, trừ, cách đơn giản là sử dụng bẫy màu xanh để thu hút thành trùng sâu năn.

Theo đó, khoảng 10 ngày sau sạ, ND dùng thau nhựa màu xanh da trời, đường kính khoảng 20cm, cho nước vào 1/3 thau (thêm một ít dầu hoặc nước rửa chén) rồi đặt ở ruộng, bờ ruộng gần nhà hoặc gần chỗ có đèn, để qua đêm, đến sáng kiểm tra mật số thành trùng sâu năn rơi vào bẫy.

Trên 1 trà lúa, có thể đặt 3-5 bẫy/ha (bán kính 50-100m). Khi phát hiện thành trùng sâu năn khoảng 2-5 con bẫy (tương đương 20 con/m2) thì tiến hành phun thuốc lần 1. Khoảng 20-24 ngày sau, nếu tiếp tục phát hiện thành trùng sâu năn 2-5 con/bẫy thì tiến hành phun thuốc lần 2.

Trường hợp phát hiện sâu năn trên lá ở giai đoạn 7-10 ngày sau sạ, có thể cho nước ngập 2-3 ngày để giảm tỷ lệ trứng nở. Ở giai đoạn 10-20 ngày sau sạ, quan sát thấy tỷ lệ chồi không phát triển lá mới (mất đọt), gốc thân hơi phình to là triệu chứng đã bị ấu trùng sâu năn tấn công vào đỉnh sinh trưởng.

Khi đã xuất hiện “ống hành”, nếu ND phun thuốc nhiều lần, chẳng những sâu năn không chết mà còn tiêu diệt thiên địch, dễ dẫn đến bộc phát sâu năn và các dịch hại khác. Lúc này, giải pháp cần thiết bổ sung phân bón thích hợp để cây lúa phục hồi, tập trung nuôi các chồi cho bông, nuôi hạt.


Related news

Nông dân bội thu từ rau giải nhiệt khi trời nắng nóng Nông dân bội thu từ rau giải nhiệt khi trời nắng nóng

Những ngày này, thời tiết nắng nóng nên các loại rau giải nhiệt tốt cho sức khỏe được người tiêu dùng lựa chọn hàng đầu, nhờ vậy người trồng rau ở Anh Sơn

Thursday. May 24th, 2018
Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 22 – 28/5) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 22 – 28/5)

Các tỉnh phía Bắc: Rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại diện hẹp trên các trà lúa chính vụ - muộn và trên các giống nhiễm.

Thursday. May 24th, 2018
Dưa lưới Malaysia cho quả ngọt trên đất Diễn Châu Dưa lưới Malaysia cho quả ngọt trên đất Diễn Châu

Vụ hè này, huyện Diễn Châu (Nghệ An) trồng 216 ha dưa các loại, đặc biệt trong đó có 1.000 m2 dưa lưới được trồng trong nhà kín.

Friday. May 25th, 2018