Giải pháp thủy lợi cho sản xuất vụ Đông - Xuân 2017 - 2018
Sóc Trăng là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hàng ngàn héc-ta hoa màu, cây ăn trái và lúa của nông dân. Do đó, việc đưa ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu là rất cần thiết, nhất là giải pháp giảm rủi do trong sản xuất nông nghiệp.
Một trong những giải pháp đảm bảo vụ lúa Đông - Xuân thắng lợi là nạo vét thông thoáng các kênh thủy lợi nội đồng.
Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì hiện tượng ENSO được dự báo sẽ pha trung tính, nhưng có xu hướng chuyển sang pha La Nina vào đầu năm 2018. Do đó, khả năng mùa mưa bão và áp thấp nhiệt đới sẽ kéo dài, mùa mưa lũ ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ kết thúc muộn hơn và dự báo trong từ đầu tháng 1 đến tháng 4-2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ biến đổi theo triều.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số dự báo về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất, cũng như một số giải pháp cần thực hiện để vụ Đông - Xuân 2017 - 2018 của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng tốt, trong đó có Sóc Trăng - một tỉnh có bờ biển dài và việc xâm nhập mặn trong 2 năm gần đây đã ảnh hưởng khá nặng nề đến diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái của hàng ngàn hộ dân.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi, nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long từ thượng nguồn sông Mê Kông trong mùa khô năm 2018 nhiều hơn so cùng kỳ năm 2017. Đây có thể xem là điều kiện thuận lợi cho sản xuất, đặc biệt lượng điều tiết từ hồ với tổng lượng 39,3 tỉ m3 và lượng trữ từ các hồ thủy điện vào khoảng 40 tỉ m3 nhưng vẫn cần đề phòng khả năng xuất hiện các thời điểm có dòng chảy thấp biến động khó lường có thể xảy ra. Nhận định bước đầu, diễn biến xâm nhập mặn tại các cửa sông chính Cửu Long là từ cuối tháng 12-2017 đến đầu tháng 1-2018, mặn có khả năng vượt quá 4g/l (4 phần ngàn) và từ giữa tháng 1, 2-2018 trở đi các vùng gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông. Đối với các vùng cách biển từ 30km - 50km có khả năng bị mặn 4g/l xâm nhập vào các tháng 2, 3 và 4 (kể cả tháng 5 nếu không có mưa) và các vùng cách biển từ 60km - 65km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường.
Với thực trạng trên thì giải pháp trước mắt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần triển khai thực hiện một số công tác trọng tâm, gồm: theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp, thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đến để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình từng địa phương; tăng cường quan trắc độ mặn tức thời, theo dõi chặt chẽ thông tin xâm nhập mặn, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân để chủ động giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra; bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp, xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng, chủ động phương án điều tiết nước cho phù hợp; tăng cường nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, lợi dụng thủy triều tranh thủ bơm nước.
Trước thông tin của Tổng Cục Thủy lợi về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã có phương án xuống giống vụ Đông - Xuân 2017 - 2018 theo khuyến cáo cụ thể, như: tổng diện tích xuống giống toàn tỉnh 142.350ha, trong đó lúa đặc sản 93.500ha chiếm 65% diện tích và để tăng năng suất chất lượng cũng như lợi nhuận, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân gieo trồng các giống lúa thơm, lúa đặc sản thích nghi với điều kiện sinh thái của từng địa phương, chống chịu sâu bệnh, hạn, mặn và phèn, cho năng suất và đầu ra ổn định gồm các giống: RVT, OM 4900, OM 5451, OM 6976, OM 7347 và nhóm giống ST.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Sóc Trăng là một trong những tỉnh đã chịu ảnh hưởng nhiều về xâm nhập mặn và có thể thấy trong năm 2016, mặn đã gây thiệt hại hàng ngàn héc-ta hoa màu, cây ăn trái và lúa của nông dân. Rút kinh nghiệm từ thiệt hại do hạn, mặn gây ra, vụ Đông - Xuân 2017 - 2018, ngành nông nghiệp quyết tâm ứng phó hạn, mặn cũng như đưa năng suất các loại cây trồng đạt sản lượng cao. Do đó, ngành đưa ra một số giải pháp về lịch thời vụ, đối với một số địa phương có khả năng bị hạn, mặn xâm nhập là phải tập trung gieo sạ lúa trong khoảng thời gian tháng 10, 11-2017 âm lịch và vùng ngập trũng nước rút chậm như TX. Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú tích cực bơm thoát nước, tranh thủ sạ sớm và phải kết thúc gieo sạ trong tháng 12-2017. Riêng vùng sản xuất lúa 2 vụ, bố trí gieo sạ và thu hoạch thời điểm sau Tết Nguyên đán nhằm đảm bảo năng suất tốt nhất. Bên cạnh đó, để tăng sản lượng lúa trên cùng đơn vị diện tích, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật, như: đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 2 - 3 tuần; cày vùi rơm rạ sớm ngay khi vừa thu hoạch lúa; làm đất kỹ, đánh rãnh thoát nước, bón lót phân lân để rễ lúa phát triển mạnh... Đồng thời, áp dụng biện pháp tưới nước “ngập khô xen kẽ”, lưu ý diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng và theo dõi bẫy đèn ở địa phương để chỉ đạo xuống giống theo lịch né rầy; bố trí thời vụ tránh mặn, hạn cuối vụ ở những vùng có nguy cơ cao, nhất là khu vực thuộc dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, Ba Rinh - Tà Liêm vùng giáp ranh tỉnh Bạc Liêu; khuyến cáo người dân sử dụng giống xác nhận có khả năng chống chịu những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ; thường xuyên thăm đồng, xử lý kịp thời các loại dịch bệnh như rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn lá...”.
Tin rằng, với những nhận định về tình hình thời tiết và giải pháp về thủy lợi mà Tổng Cục Thủy lợi thông tin với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng như những khuyến cáo từ ngành nông nghiệp tỉnh truyền tải đến từng địa phương trên địa bàn tỉnh, chắc rằng vụ lúa Đông - Xuân 2017 - 2018 tại các tỉnh trong khu vực, trong đó có tỉnh Sóc Trăng sẽ không bị ảnh hưởng do hạn, mặn gây ra.
Related news
10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 7,3 tỉ USD (so với 6,8 tỉ USD của cả năm 2016).
Trồng cây trên giá thể hữu cơ, canh tác trong nhà màng. Tất cả các nguyên vật liệu được tận dụng triệt với chi phí thấp để có thể dễ dàng chuyển giao
Với 3 ha đất sản xuất, gia đình anh Lê Văn Cao thu lời hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ cách làm kinh tế vườn - ao - chuồng khép kín.