Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giải pháp phát triển bền vững nghề dâu tằm

Giải pháp phát triển bền vững nghề dâu tằm
Author: Minh Hậu
Publish date: Tuesday. October 27th, 2020

Nghề trồng dâu nuôi tằm hình thành lâu đời ở nước ta và để phát triển bền vững, hướng đến xuất khẩu, cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp.

Giống tằm lưỡng hệ kén trắng cho năng suất tơ cao nhưng Việt Nam mới chủ động được 10%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Hậu.

Đó là nhận định chung của đại diện các cơ quan, ban ngành tại Diễn đàn @ nông nghiệp "Phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu" được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức.

Vực lại nghề dâu tằm

Dâu tằm là nghề truyền thống ở nước ta và cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Theo Cục Chăn nuôi, trong quá khứ, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Việt Nam phát triển mạnh. Tuy nhiên, do sự tác động của nhiều yếu tố nên nghề có xu hướng đi xuống trong những năm 2000. Mãi đến năm 2009, nghề này mới chấm dứt được tình trạng suy yếu. Con số mà Cục chăn nuôi ghi nhận cho thấy, trong năm 2018, diện tích dâu tăng mạnh trở lại và đạt trên 10.000 ha (tăng 26% so với năm 2017). Đến năm 2019, diện tích dâu tiếp tục tăng lên con số 11.800 ha (tăng 13%) so với năm 2018.

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống ở nước ta. 

Về sản lượng kén, năm 2018, cả nước sản xuất được 8.295 tấn kén tằm các loại, tăng 12,8% so với năm 2017. Sản lượng kén năm 2019 đạt khoảng 11.855 tấn, tăng 42,9% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng kén tằm vùng Tây Nguyên chiếm tỉ lệ trên 85%, cao nhất cả nước.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích dâu khoảng 10.500 ha. Trong đó vùng Tây nguyên chiếm gần 73% tổng diện tích. Năng suất dâu bình quân đạt 35-40 tấn lá/ha. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và giống dâu năng suất nên nghề trồng dâu nuôi tằm cơ bản được vực lại, sản lượng tơ tằm của Việt Nam có cơ hội đứng trong top 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan, Thái Lan.

Hiện Việt Nam nuôi chủ yếu 3 loại giống tằm gồm tằm đa hệ, tằm đa hệ lai và tằm lưỡng hệ. Tùy điều kiện sinh thái của các vùng, tỷ lệ nuôi tằm lưỡng hệ và đa hệ cũng khác nhau. Ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên với điều kiện thời tiết mát mẻ nên phù hợp phát triển tằm lưỡng hệ với 7 - 10 lứa mỗi năm. Trong khi đó, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ việc nuôi tằm lưỡng hệ chỉ 3 - 4 lứa mỗi năm. Còn vùng Đồng bằng sông Hồng chủ yếu nuôi giống tằm đa hệ và lứa nuôi đạt từ 7 - 9 lứa/năm.

Cần chủ động nguồn giống

Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan, ban ngành đều cho rằng, nghề nuôi tằm của Việt Nam có cơ hội phát triển hơn nữa vì dư địa thị trường lớn. Tuy nhiên, nghề dâu tằm cũng phải đối diện khó khăn về nguồn giống. Do phụ thuộc vào giống nhập khẩu từ Trung Quốc theo tiểu ngạch nên việc sản xuất bị gián đoạn hoặc chịu nhiều rủi ro.

Tiến sĩ Lê Quang Tú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho rằng, hiện nhu cầu giống tằm của cả nước khoảng 0,5-0,6 triệu hộp tằm giống mỗi năm. Chất lượng giống không đảm bảo trong khi quy trình chăm sóc theo lối cũ khiến tằm còi cọc, giảm chất lượng kén.

Nguồn giống tằm hiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho hay, vấn đề giống tằm là thách thức lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc nhập khẩu giống gặp khó khăn nên người nuôi chịu nhiều thiệt hại. Để nghề dâu tằm phát triển bền vững cần tăng sản xuất theo liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu. Cùng với đó, các Bộ, ngành Trung ương có phương án nhập khẩu giống tằm chính ngạch từ Trung Quốc để chủ động sản xuất.

Theo Cục Chăn nuôi, cần tập trung nghiên cứu lai tạo các giống tằm cao sản thế hệ mới, đáp ứng nguồn cung trong nước. Phát triển nghiên cứu để tạo ra các bộ giống dâu - tằm cho năng suất cao, chất lượng tơ tốt, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Khuyến khích nghiên cứu sản xuất giống tằm trong nước. Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống dâu, tằm hiện có và hiện đại hóa công nghệ ươm tơ, dệt lụa...

Thực hiện đàm phán và xúc tiến thương mại việc nhập khẩu giống tằm thuần chủng năng suất cao thế hệ mới từ Trung Quốc phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống tằm tăng cường phối hợp với các đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhất là các nhà khoa học để phía bạn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống và vật liệu di truyền cho công tác lai tạo, bồi dục nâng cao năng suất và tỷ lệ tơ, kén của các giống tằm trong nước..

Về cơ cấu giống tằm, có hai loại chính gồm tằm dâu và tằm sắn. Trong đó chủ yếu là tằm dâu gồm giống lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao và giống đa hệ kén vàng cho chất lượng tơ thấp hơn. Đối với giống đa hệ kén vàng, Việt Nam hiện chủ động hoàn toàn nguồn trứng. Giống tằm đa hệ mặc dù chất lượng tơ không tốt bằng giống lưỡng hệ nhưng khỏe, dễ nuôi hơn giống lưỡng hệ, phát triển chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.

Giống đa hệ kén vàng hiện nay chủ yếu là giống vàng lai do Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương chọn tạo. Giống lưỡng hệ kén trắng khoảng 90% là nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc (Quảng Đông và Quảng Tây). Hiện phía Trung Quốc chưa cho phép xuất khẩu giống thuần, chỉ cho xuất các giống lai.


Related news

Sản xuất chè theo hướng hàng hóa tại Hà Giang Sản xuất chè theo hướng hàng hóa tại Hà Giang

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước (chỉ sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên).

Friday. October 23rd, 2020
Thức ăn giàu dinh dưỡng từ ấu trùng ruồi lính đen Thức ăn giàu dinh dưỡng từ ấu trùng ruồi lính đen

Ruồi lính đen là một loại côn trùng đặc biệt, vô hại và mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và cho người nuôi.

Saturday. October 24th, 2020
Trồng cây ăn trái lợi nhuận cao Trồng cây ăn trái lợi nhuận cao

Đồng Tháp có tổng diện tích vườn cây ăn trái 33.000 ha, sản lượng trên 377.000 tấn/năm, trong đó trên 10.000ha xoài, sản phẩm trái cây xuất khẩu

Monday. October 26th, 2020