Giải pháp làm lúa khô tại tỉnh Bến Tre
Diện tích gieo trồng lúa hàng năm ở Bến Tre hơn 70.000 ha, trong đó sản xuất hè thu hơn 20.000 ha, những năm gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT và sự hỗ trợ của ngành chức năng mà năng suất và chất lượng lúa gạo đã được nâng lên rõ rệt. Thế nhưng ở địa bàn Bến Tre sự đầu tư kỹ thuật, các thiết bị giúp giảm thất thoát sau thu hoạch là vấn đề còn gặp nhiều khó khăn. Hiện ở Bến Tre có khoảng 18 máy sấy lúa theo dạng mẻ, công suất 4 tấn/mẻ và khoảng 50% nông dân sử dụng lều phơi, số còn lại phơi lúa theo phương pháp truyền thống.
Với quy mô sản xuất của từng hộ gia đình nhỏ lẻ, từng hộ gia đình có thể tận dụng công lao động để làm khô lúa trước khi đưa vào bảo quản hoặc bán cho thương lái. Ngoài ra, giá bán máy sấy khá cao nên nông dân rất e ngại trong việc tính toán chi phí đầu tư cũng như khả năng thu hồi vốn. Theo tập quán và điều kiện kinh tế của từng hộ mà bà con nông dân thường phơi lúa trên nền xi măng hoặc manh đệm, vì vậy mà chất lượng lúa gạo đã bị giảm do lẫn sỏi, đá và việc thất thoát do phơi là không tránh khỏi. Theo tính toán của các ngành chức năng, thất thoát lúa sau thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 10-13%, trong đó thất thoát do phơi sấy là cao nhất khoảng 4%. Vậy thì giải pháp nào để giảm thất thoát sau thu hoạch, đặc biệt là phơi sấy trong điều kiện sản xuất tại Bến Tre?
Trong điều kiện khó khăn chung thì một số nông dân đã tự thiết kế lều phơi theo tính toán cảm quan của từng người. Với công suất của lều phơi không lớn nhưng đã giúp cho nông dân giải quyết được một số lượng lúa thu hoạch trong điều kiện mưa gió. Tuy nhiên với lều phơi nầy gặp phải một số hạn chế: thời gian phơi còn lâu, tỷ lệ hạt lúa bị nẩy mầm và hạt gạo bị biến màu còn cao. Nguyên nhân là do độ dày của lúa phơi lớn, nền đất nên bị ảnh hưởng bốc ẩm từ đất lên, hướng bố trí của lều không đảm bảo cho lưu thông gió. Từ hạn chế lều phơi lúa của nông dân, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư đã nghiên cứu và cải tiến thiết kế của lều để nâng cao hiệu quả của lều phơi.
Một số cải tiến lều phơi:
Nâng chiều cao lều phơi từ 1,5 m lên 2 m, mở rộng diện tích sân phơi từ 60m2 lên 100m2, chuyển hướng của lều phơi từ Bắc-Nam sang Đông-Tây và hỗ trợ thêm quạt gió, thay thế nền sân đất bằng nền xi măng, độ dày phơi lúa phải thích hợp (không quá 5 cm nếu độ ẩm của lúa 24-25%).
Với mẫu lều phơi được thiết kế mới đã khắc phục được những hạn chế của lều phơi cũ: giảm đáng kể tình trạng lúa bị hư hao do ẩm mốc, giảm tỷ lệ nẩy mầm và lúa bị biến màu trong điều kiện lúa thu hoạch bị ẩm ướt, chống được hiện tượng bốc nắng, làm giảm ẩm độ nhanh, thời gian phơi được rút ngắn từ 1-1,5 ngày. Đạt được kết quả trên là do nhiệt độ không khí trong lều và nhiệt độ trong lúa sân phơi xi măng cao hơn sân đất bình quân từ 1,3 - 2,50c.
Như vậy trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ tại Bến Tre việc sử dụng lều phơi theo thiết kế được cải tiến của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Bến Tre là một giải pháp khá hợp lý, dễ áp dụng và chi phí khoảng 5 triệu đồng/lều là nông dân có thể chấp nhận được vì phù hợp với điều kiện sản xuất, khả năng đầu tư và có thể sử dụng trong nhiều vụ. Tuy nhiên để không ngừng nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa thì giải pháp trang bị máy sấy cần được tiếp tục khuyến khích thực hiện, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng, phát triển song song cùng với việc phơi lều, thông qua tập huấn chuyển giao kỹ thuật cũng như giới thiệu các mô hình lò sấy phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa./.
Related news
Anh Mai Thanh Thuộc ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), thành viên TTF của Cty Tân Thành cho biết, do ruộng của anh canh tác vào thời điểm chính vụ nên khi thu hoạch vào đầu mùa mưa, cuối tháng 6/2014. Đầu vụ trục trặc nhân công trong khâu làm đất, lúa của anh sạ sau các ruộng bên cạnh từ 4 - 5 ngày.
Với ruộng có từ 4 cm nước trở lên và trời khô ráo thì nên diệt trừ bằng dầu ma dút, hòa trộn theo tỷ lệ 1/2 lít dầu ma dút với 3 ống cát, rắc đều cho 5 - 8 thước ruộng.
Cỏ dại là một trong bốn nhóm dịch hại quan trọng nhất trên ruộng lúa, cùng với sâu, bệnh và chuột. Nếu so sánh các đối tượng dịch hại khác nhau thì mức độ thiệt hại do cỏ dại gây ra đối với SX là lớn nhất (45%), do côn trùng khoảng 30%, do bệnh hại 20% và các dịch hại khác 5%.