Giải pháp khắc phục khí độc trong ao tôm
Nguyên nhân: Hydrogen sulfide (H2S) là một loại khí độc hại, có mùi trứng thối. Trong ao nuôi, các chất thải được lắng đọng xuống nền đáy và quá trình phân hủy bắt đầu xảy ra.
Cải tạo ao nuôi trước khi thả giống
Trường hợp phân hủy kỵ khí (không có ôxy) nên vi khuẩn khử lưu huỳnh tạo ra H2S, nằm ở phía dưới lớp bùn đáy và thường có màu đen. Trường hợp phân giải hiếu khí (có ôxy) các phản ứng ôxy hóa xảy ra ở bề mặt lớp bùn đáy nên lớp bùn này có màu sáng. Lớp bùn sáng này tuy mỏng nhưng có tác dụng như lớp màng ngăn, hạn chế khí độc thoát ra ngoài môi trường nước.
Trong nuôi tôm thâm canh, tôm sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp với độ đạm khoảng 32 - 35%. Tuy nhiên, tôm chỉ hấp thu được khoảng 30% lượng đạm có trong thức ăn, phần còn lại sẽ rớt đáy và tích lũy ở lớp bùn đáy tạo nên lượng ô nhiễm cực kỳ lớn. Tại đây, khi có sự tham gia của nhiều nhóm vi sinh vật thì quá trình chuyển hóa đạm diễn ra. Nhưng không may là quá trình hình thành khí độc NH3 nhanh hơn tốc độ chuyển hóa NH3 thành các chất không độc, dẫn đến sự tích lũy NH3 kéo theo hàm lượng NO2 (độc) ngày càng tăng.
Tác động
Độc tính của H2S phụ thuộc vào 3 thông số chính: pH, nhiệt độ và ôxy hòa tan. H2S cản trở quá trình vận chuyển ôxy của tôm. Nồng độ ôxy hòa tan trên 3 ppm hỗ trợ ngăn chặn sự hình thành H2S. Khi tất cả 3 yếu tố pH, ôxy và nhiệt độ thấp khiến thì H2S lại càng nguy hiểm hơn.
Trong ao nuôi, H2S gây thiếu hụt ôxy trầm trọng, tác động rất xấu đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm. Nồng độ H2S trong nước ao từ 0,01 - 0,02 ppm thì tôm sẽ bị nhiễm độc và chết hàng loạt. H2S gây thiệt hại cho người nuôi cá, nuôi tôm nhiều hơn các tác nhân khác gây ra. Đối với tôm sú, thường sống tập trung ở đáy ao; đây là nguyên nhân khiến tôm bị stress và yếu, dễ bị cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio, hoặc nghiêm trọng hơn là tôm sẽ bị chết (hội chứng tháng nuôi đầu).
Trong khi, hàm lượng NH3 và NO2 cao trong môi trường nước cũng sẽ gây độc trên tôm, biểu hiện rõ nhất là tôm chậm tăng trưởng, giảm ăn, nổi đầu, chết dần hàng ngày, nếu tình trạng kéo dài tôm sẽ giảm sức đề kháng, tích tụ NH3 và NO2 nhiều trong cơ thể và dẫn đến dễ nhiễm bệnh khác như phân trắng, EMS, hội chứng gan tụy cấp, đen mang, đốm trắng, hoại tử cơ…
Phương pháp phát hiện
Tùy thuộc vào giá trị pH mà NH3 sẽ tồn tại ở hai dạng amoniac (NH3) hoặc các ion amoni (NH4+). Hiện, việc kiểm tra NH3 hay NH4+ trong môi trường ao nuôi có nhiều phương pháp khác nhau và cần được tiến hành thường xuyên. Trong đó, sử dụng Test kist là biện pháp được sử dụng phổ biến để xác định chính xác hàm lượng NH3. Cách thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.
Trong khi đó, phương pháp phát hiện H2S khó và phức tạp hơn NH3, NO2. Biện pháp kiểm tra hàm lượng H2S là lấy mẫu bùn đáy trong ao ở độ sâu 2 - 5 cm và cấy trên đĩa TCBS. Vibrio thông thường cho khuẩn lạc màu xanh lá hoặc vàng trong khi vi khuẩn khử sulfate cho khuẩn lạc có màu đen. Nếu nhìn thấy khuẩn lạc đen trên đĩa cấy có nghĩa là H2S đang được tạo ra.
Kiểm soát
Cải tạo ao nuôi trước khi thả giống là yêu cầu rất cơ bản trong quy trình nuôi tôm nước lợ. Ao được cải tạo tốt thì bùn và chất cặn bã mới được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi ao nuôi trước khi bắt đầu vụ mới.
Ao nuôi phải đảm bảo có hệ thống xi phông đáy ao để giảm thiểu, giải phóng khí độc. Hiện có nhiều hình thức xi phông khác nhau để người nuôi lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình như: Máy xi phông di động, máy xi phông đáy ao đặt trên bờ, xi phông nhờ van tự động…
Trong quá trình nuôi, thường xuyên sử dụng các chế phẩm sinh học (CPSH) có chứa nhóm vi khuẩn nitrat (Nitrosomonas spp và Nitrobacter spp) để xử lý môi trường, phân hủy các hợp chất hữu cơ như thức ăn thừa, phân tôm, xác chết của tảo và sinh vật trong ao… làm cho đáy ao và chất lượng nước tốt hơn, hạn chế ô nhiễm nước. Các vi khuẩn có trong CPSH sẽ chuyển hóa các khí độc trong nước thành dạng không độc. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần lựa chọn sản phẩm phù hợp của các công ty uy tín, chất lượng.
Cần cung cấp đầy đủ ôxy trong ao nuôi, bố trí quạt nước hợp lý. Khí ôxy có thể ôxy hóa trực tiếp các chất độc hại trong nước và dưới đáy ao; giảm hoặc loại bỏ độc tính của nó, ôxy hóa các chất có độc tính mạnh như H2S, NO2- lần lượt thành SO4-, NO3- (không độc)…
Thực hiện quản lý thức ăn tốt, tránh hiện tượng dư thừa.
Giải pháp xử lý
Khi phát hiện ao nuôi có hàm lượng khí độc cao, cần điều chỉnh lại lượng thức ăn, giảm 30 - 40% thức ăn, ít nhất trong 3 ngày cho đến khi điều kiện chung trở lại bình thường.
Chạy quạt nước hết công suất tối đa để tăng cường ôxy hòa tan trong ao.
Tiến hành tuần hoàn nước ao nuôi ra ao lắng. Khi đưa nước từ ao nuôi sang ao lắng sẽ xử lý NO2 trước khi tái cấp vào ao nuôi. Tại ao lắng, có thể xử lý nước bằng ôxy già 5 - 10 ppm. Ôxy già sẽ cung cấp ôxy cho quá trình Nitrat hóa đồng thời ôxy hóa chất hữu cơ. Điểm yếu của phương pháp này là không thể áp dụng cho ao nuôi tôm có thể tích lớn bởi giá thành rất cao.
Khi thấy tôm có dấu hiệu nhiễm độc NO2 có dùng ôxy viên đánh xuống đáy ao vào ban ngày, liên tục vài ngày. Sử dụng CaCl2 với lượng 20 - 30 kg/1.000 m3, định kỳ 2 - 3 ngày nhằm tăng cường khả năng đề kháng cho tôm.
H2S luôn có trong ao và có thể gây chết tôm hàng loạt; trong mỗi vụ, ước tính người nuôi có thể mất khoảng 10% sản lượng. Theo số liệu thống kê, trong vòng 25 năm, người nuôi tôm trên thế giới sản xuất hơn 40 triệu tấn tôm thì ước tính có khoảng 4 triệu tấn tôm đã bị chết do khí độc H2S, tương đương với tổn thất do đốm trắng gây ra.
Related news
Tiềm năng kinh tế của con cá cảnh 7 màu, Huyền mạnh dạn đầu tư con giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho 3 hộ liền kề để có đủ nguồn hàng cung ứng
Sau khi đã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, Trung tâm tiến hành giao giống và các vật tư thủy sản cho 2 hộ tham gia thực hiện dự án.
Để đảm bảo tỷ lệ sống của cá bột thành cá hương, cá giống cao nhất, ngoài chế độ chăm sóc tốt về dinh dưỡng thì việc quản lý các loài địch hại