Gia súc bị bệnh hàng loạt trên diện rộng
Dân lơ là
Chị Võ Thị Liên ở thôn Hoành Vinh (xã An Ninh) cho biết, đàn bò 3 con của chị có 2 con bị bệnh. Trong đó có 1 con bị bệnh từ 10 ngày nay. Đây chính là con bò chị mới mua về, và chưa được tiêm phòng. Vài ngày sau, con bò này lây bệnh sang con khác. "Từ ngày bò bị bệnh, tôi phải thường xuyên rửa nước muối, xát chanh, bôi thuốc tím để sát trùng, đồng thời mua vôi bột về rải quanh chuồng".
Trong thời gian đàn bò gia đình chị Liên bị bệnh, chị vẫn chăn thả chung với hơn 30 con bò của 8 hộ khác cùng thôn. Hiện tại, hầu như tất cả bò của những hộ dân nói trên đều bị mắc bệnh với các triệu chứng tương tự như bò của gia đình chị. Để minh chứng, chị Liên dẫn chúng tôi đến tận các hộ nói trên tận mắt xem xét.
2 con trâu của ông Trương Văn Huynh ở thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh bị bệnh với biểu hiện long móng, sùi bọt mép, biếng ăn.
Gia đình chị Trần Thị Vang có 3 con bò, trong đó 1 con bị bệnh nay đã lành, nhưng 3 ngày gần đây lại có thêm một con nữa cũng bị bệnh. Chị Vang cho hay, tình trạng bò bị các triệu chứng long móng, miệng chảy nước dãi, biếng ăn... nêu trên xuất hiện trong thôn từ gần 20 ngày nay, nhưng do không ai hướng dẫn cách chữa trị và phòng chống nên cứ con này đỡ bệnh, con khác lại bị, mà không hiểu nguyên nhân vì sao.
Được biết, thôn Hoành Vinh, xã An Ninh là một trong số những địa phương có số trâu bò bị bệnh với số lượng khá lớn. Những hộ chăn nuôi ở đây cho biết, từ hơn nửa tháng nay, đàn trâu bò của họ đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như chân phù nề, lở móng, miệng chảy nước dãi nhiều, biếng ăn, đi lại khó khăn... Điều đáng nói, trong số đó đã có một số trâu bò được người dân tự chạy chữa đã lành, nhưng sau đó những con khác cũng bị đổ bệnh. Theo những người dân ở đây cho biết, hầu hết những con trâu bò này vốn được chăn thả chung đàn, chung đồng cỏ với nhau.
Ngày 28-3, mặc dù đã được thông báo trên loa truyền thanh về tình hình dịch bệnh, tuy nhiên vẫn có nhiều người dân chăn thả trâu bò trên các tuyến đường, cánh đồng trong vùng gia súc bị bệnh. Một số người cho rằng, dù biết có bệnh đang xảy ra trên gia súc, nhưng vẫn buộc phải chăn thả, vì không thể để trâu bò nhịn đói được.
Chính quyền và cơ quan thú y có chủ quan?...
Rõ ràng, tình trạng gia súc bị bệnh hàng loạt và xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là liệu chính quyền địa phương, cơ quan thú y có chậm hay không trong việc nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp khống chế, kiểm soát bệnh một cách có hiệu quả?
Ông Võ Doãn Khồ, Trưởng thôn Hoành Vinh khẳng định, hiện tượng trâu bò bị bệnh như nêu trên xuất hiện trước đó khá lâu. Ban đầu, bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ, nhưng người dân không trình báo chính quyền và thú y, mà tự tìm cách chạy chữa. Đến ngày 22-3, khi bệnh lan rộng, UBND xã An Ninh và thôn mới tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời, hướng dẫn cách chữa trị, khử trùng chuồng trại.
Ông Khồ cho biết, theo thống kê sơ bộ hiện trên địa bàn thôn có 47 con trâu bò của 12 hộ dân bị nhiễm bệnh, trong đó có 24 bị bệnh nặng. Điều đáng nói, sáng 28-3, trên địa bàn tiếp tục phát hiện đàn lợn 10 con của hộ gia đình anh Võ Văn Dư cũng có triệu chứng bệnh tương tự.
Anh Võ Quang Cương, cán bộ phụ trách thú y xã An Ninh nói, hầu hết toàn bộ đàn gia súc ở xã đều chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt 1 năm 2016. Từ ngày 27 đến 28-3, toàn xã đã thực hiện tiêm phòng vắc xin cho khoảng 100 con trâu bò ở hai thôn Thống Nhất và Thu Thừ. Trong hôm nay, sẽ tiếp tục tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng tại thôn Hoành Vinh và các thôn còn lại.
Sau khi các triệu chứng bệnh lan rộng trên gia súc ở thôn Hoành Vinh, Trạm Thú y huyện Quảng Ninh đã cử cán bộ về theo dõi và hướng dẫn cách phòng trừ bệnh. Có mặt tại đây, ông Nguyễn Công Viên, Phó trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: "Với các triệu chứng này, chúng tôi chỉ nghi là bệnh lở mồm long móng". Lý do mà ông Viên đưa ra là "vì diễn biến bệnh lây lan chậm và đang nằm trong tầm khống chế. Tuy vậy, Trạm Thú y huyện cũng đã xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh và thực hiện quyết liệt các biện pháp bao vây, dập dịch ngay tại chỗ".
Nhiều người dân vẫn chăn thả trâu bò trên các tuyến đường, cánh đồng trong vùng gia súc bị bệnh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các triệu chứng bệnh nói trên không chỉ có ở các đàn gia súc của thôn Hoành Vinh mà còn xuất hiện trên một số đàn gia súc tại các thôn lân cận như: Nguyệt Áng (xã Tân Ninh) và Trường Dục, Đồng Tư (xã Hiền Ninh). Tìm đến thôn Nguyệt Áng thì ông Từ Công Lương, Trưởng thôn đang bận họp. Trả lời qua điện thoại, ông Lương cho rằng "hiện chưa có hộ nào trình báo với tôi về việc trâu bò bị bệnh". Thế nhưng ông Từ Sỹ Hùng, ở xóm Bắc Áng, thôn Nguyệt Áng có 6/7 con bò bị bệnh từ ngày 23-3.
Ông Hùng lo lắng: "Cả gia đình đều trông nhờ vào đàn bò trị giá hơn trăm triệu bạc này. Mấy ngày bò bị bệnh, cả nhà tui không ăn không ngủ được". Tương tự, gia đình chị Từ Thị Thuý ở gần đó cũng lâm vào cảnh "rụng rời" tay chân khi thấy đàn trâu bò 7 con từ nhiều ngày nay bỗng đổ bệnh.
Tại thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh, 2 con trâu của ông Trương Văn Huynh cũng bị bệnh với biểu hiện long móng, sùi bọt mép, biếng ăn. Ông Huynh kể, lâu nay, gia đình ông và nhiều hộ trong thôn vẫn thường chăn thả gia súc ở cánh đồng phía trước mặt, liền kề với thôn Hoành Vinh, xã An Ninh và thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh.
Trước đó, ông đã nghe thông tin về một số trâu bò ở hai thôn nói trên đang bị bệnh gì đó rất dễ lây, thậm chí có vài con đã chết. Thế rồi, vài ngày gần đây ông mới phát hiện cả 2 con trâu của gia đình mình đều bị bệnh. Không những thế, nhà ông Trương Thọ 4 con trâu, Trương Đức 1 con, Trương Dinh 2 con, Trương Tuynh 2 con... cũng bị bệnh.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết, theo thống kê, tính đến ngày 28-3, toàn xã đã có 8 con gia súc của 5 hộ dân ở thôn Trường Dục và 2 con ở thôn Đồng Tư bị triệu chứng bệnh nêu trên.
Related news
Theo nguồn tin riêng của Dân Việt, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an vừa đã chính thức có báo cáo kết quả xác minh việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Xuất khẩu những thiết bị gì, cho ai và điều kiện như thế nào, vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải trong hội thảo chuyển giao công nghệ và bán máy móc thiết bị ngành chế biến điều cho nước ngoài vừa được Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Bên cạnh việc tăng giá khá mạnh của con cá tra thì lúa gạo lên cơn sốt giá thời gian qua cũng được lý giải là do Trung Quốc đã gia tăng đột ngột lượng gạo mua vào từ Việt Nam.