Giá phân bón có xu hướng giảm
Những năm trước đây, vào thời điểm chính vụ bao giờ giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng tăng rất mạnh. Còn năm nay giá phân bón tương đối ổn định, giúp nông dân nhẹ gánh khi bước vào sản xuất vụ lúa hè thu.
Giá phân bón giảm, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Với tình hình nguồn cung phân bón dồi dào, sức tiêu thụ có xu hướng giảm, giới kinh doanh vật tư nông nghiệp dự đoán, giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm trong thời gian tới.
Sau khi tăng lên ở mức cao trong quý I/2017, hiện giá nhiều loại phân bón đã giảm trở lại, giúp nông dân yên tâm khi bước vào sản xuất vụ lúa hè thu.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời Nguyễn Trường Đời cho biết: "Đa số nông dân không có nhiều vốn để mua phân bón dự trữ sẵn, nên khi bước vào vụ lúa hè thu năm nay giá phân bón giảm nên bà con yên tâm. Vụ lúa hè thu vừa rồi, phân urê Phú Mỹ tới 400.000 đồng/bao, nay còn khoảng 330.000 đồng/bao. Các loại phân bón DAP, NPK, Kali cũng giảm vài chục ngàn đồng/bao so với trước".
Theo anh Huỳnh Hương, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp chợ Rạch Ráng, huyện Trần Văn Thời, giá phân bón giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ của thị trường có xu hướng giảm so với trước. Đặc biệt, nhiều cửa hàng kinh doanh, bán lẻ phân bón vẫn còn tồn lượng hàng đáng kể trong kho, nên ít lấy hàng từ nhà sản xuất và phân phối lớn, nên sức tiêu thụ và giá cả có giảm so với trước đây.
Phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất nông nghiệp. Đang chuẩn bị bón phân đợt 2 cho trên 1,5 ha lúa hè thu, nông dân Phạm Văn Việt, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Đang vào chính vụ, giá phân năm nay giảm so với nhiều năm trước, nông dân ai cũng phấn khởi".
Tuy nhiên, ông Việt đang lo lắng về chất lượng của sản phẩm. Vụ hè thu năm trước gia đình ông và 7 hộ dân khác trong xã mua nhầm phân LioThái giả bón cho gần 10 ha lúa, sau ít ngày bón phân, cây lúa héo từ từ rồi chết lụn, thiệt hại trắng.
Ông Việt bức xúc: "Tôi mong các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp để sớm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, giúp nông dân yên tâm sản xuất, hạn chế thiệt hại".
Sau hơn 1 tháng xuống giống trà lúa hè thu, bà Huỳnh Thị Hạnh, ấp Kinh Hãng, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết, so với các năm trước, giá các loại vật tư nông nghiệp đang giảm. Vụ lúa hè thu năm nay gia đình bà gieo sạ 5 công lúa MO 6162 và OM 5451.
"Năm nay, do ảnh hưởng mưa trái mùa không cày ải phơi đất được, mức độ phát sinh phèn, mặn cao hơn trong vụ mùa năm trước nên phải bón lót phân làm hạ phèn trước khi gieo sạ. Điều rất mừng đang vào chính vụ giá phân bón không tăng nhiều so với các năm trước. Nông dân ai cũng phấn khởi", bà Hạnh chia sẻ.
Sau nhiều năm sản xuất vụ lúa hè thu, nông dân Hồ Văn Thanh, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cho rằng, những năm qua thường sử dụng phân bón của nhiều công ty sản xuất khác nhau, tuỳ thuộc vào giá rẻ hay đắt. Nhưng qua các cuộc hội thảo, tập huấn đã giúp nông dân cân nhắc lại, không ham phân rẻ và sản phẩm mới. Bây giờ, mua phân phải chọn sản phẩm của những đơn vị có uy tín, có chất lượng được nhiều nông dân tin dùng. Ngay cả đại lý bán cũng phải là mối làm ăn quen biết, chứ không mua hàng trôi nổi, phòng ngừa phân kém chất lượng.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khuyến cáo: "Khi mua các loại phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp, bà con nông dân nên cảnh giác với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, trôi nổi, bán giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nên chọn mua sản phẩm ở các cửa hàng, đại lý phân phối uy tín để tránh mua nhầm hàng nhái, hàng kém chất lượng"./.
Related news
Được bán tại siêu thị nước ngoài với giá cao ngất ngưởng, nhưng thực tế giá bán tại vườn của hầu hết trái cây Việt lại rất rẻ
Giá bán nằm dưới giá thành sản xuất khiến các trang trại heo tại Đồng Nai rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài.
Những năm gần đây, nhờ chuyển sang trồng nhãn idor, lợi nhuận kinh tế của người dân dần được nâng lên, sản phẩm được thị trường trong nước ưa chuộng