Giá Lúa Chưa Như Kỳ Vọng, Nông Dân Vẫn Lãi

Dù giá chỉ tăng nhẹ mấy ngày sau tết rồi chững lại và hiện còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 500 đ/kg nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân khoảng 30%.
Sau 3 ngày (bắt đầu từ 1/3) triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ ĐX 2014-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa, gạo ở ĐBSCL đã không tăng như kỳ vọng nông dân mà có chiều hướng chững lại.
Hiện giá lúa IR 50404 tươi cắt máy thương lái thu mua tại ruộng 4.250 - 4.280 đ/kg, lúa hạt dài OM 4900, OM 5451 (lúa chất lượng cao) 4.700 đ/kg, lúa thơm Jasmine 85 từ 4.800 - 4.900 đ/kg. Với mức giá này, nông dân vẫn có lãi nhưng không nhiều.
Lão nông Lê Văn Đủ, vừa thu hoạch xong 2 ha lúa ĐX giống IR 50404 ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Thời điểm trước tết lúa sắp bước vào thu hoạch thấy giá giảm có lúc xuống dưới 4.000 đồng/kg nên tôi không còn tâm trạng để ăn tết. Nhưng từ sau tết giá lúa đã bắt đầu tăng lên, đúng thời điểm tôi thu hoạch.
Vụ lúa này gia đình làm đạt năng suất 1,3 tấn lúa/công, cao hơn so với vụ rồi 200 kg/công, lúa cắt vừa xong đã có thương lái đến tận ruộng hỏi mua, thấy giá cũng tạm được tôi bán luôn. Mặc dù lợi nhuận chưa như kỳ vọng nhưng mỗi ha cũng kiếm mười mấy triệu đồng, tạm sống được".
Theo nhận định của nhiều nông dân ở ĐBSCL, vụ lúa ĐX năm nay năng suất lúa khá cao, có hộ trúng đạt đến 1,5 tấn (lúa tươi)/công, còn hộ thấp nhất cũng 1 tấn/công. Chi phí đầu tư vụ này thấp do ít sâu bệnh nên dù giá chỉ tăng nhẹ mấy ngày sau tết rồi chững lại và hiện còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 500 đ/kg nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân khoảng 30%.
Do đã vào đợt thu mua tạm trữ nên nhiều thương lái cũng tranh thủ chạy ghe đi thu mua lúa trong dân để kiếm lời. Chị Lê Thị Hồng Nhung, thương lái ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Mấy ngày qua, chiếc ghe 30 tấn của tôi lúc nào cũng nổ máy chạy từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để thu mua lúa. Lúc nào đầy ghe là chở ngay đến lò sấy, xay xong gạo là bán cho nhà máy luôn.
Bình quân 1 chuyến ghe như vậy mất khoảng 2 ngày. Đang vào cao điểm thu hoạch rộ nên người dân điện thoại liên tục kêu đến mua lúa, dù giá mấy ngày qua không tăng thêm”.
Theo Cục Trồng trọt, việc thu mua tạm trữ thời điểm này là kịp thời vì diện tích lúa ĐX 2014-2015 toàn vùng ĐBSCL mới chỉ thu hoạch hơn 680.000 ha/1,6 triệu ha, chiếm 40% diện tích gieo trồng.
Tuy nhiên, một số tỉnh gieo sạ sớm như: Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng đã thu hoạch gần dứt điểm, phần lớn nông dân đã bán lúa tươi ngay khi thu hoạch nên nếu giá lúa có tăng do tác động từ chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo thì ít người được hưởng lợi.
Cụ thể ở huyện Tháp Mười và Tân Hồng (Đồng Tháp), nơi có lúa thu hoạch sớm nhất ở ĐBSCL nông dân không còn kỳ vọng vào chính sách thu mua tạm trữ.
Ông Lê Văn Mến, ở huyện Tháp Mười tỏ vẻ buồn buồn, nói: “Vụ lúa ĐX được xem là vụ quan trọng nhất trong năm, địa phương tranh thủ cho rút nước lũ sớm để xuống giống, nên trước tết đã thu hoạch, đúng vào thời điểm giá lúa xuống thấp, bán chỉ được 3.900 đ/kg.
Mặc dù năm nay năng suất có tăng nhưng giá thấp không thể bù được phần lợi nhuận bằng như vụ rồi. Sau khi gia đình xuống giống tiếp vụ lúa HT thì mới hay tin Chính phủ cho thu mua tạm trữ”.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, do thời gian xuống giống ở các địa phương khác nhau, nên cần phân kỳ thu mua tạm trữ theo từng tỉnh, nông dân mới được hưởng lợi nhiều hơn. Tốt nhất là để cho lãnh đạo tỉnh tự quyết định thời gian thu mua tạm trữ của địa phương mình, như vậy sẽ giải quyết đầu ra cho nông dân tốt hơn.
Theo giá thông báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lúa khô loại thường thu mua tại kho ở các tỉnh khu vực ĐBSCL dao động từ 5.000 - 5.100 đ/kg, lúa dài khoảng 5.300 - 5.400 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại I để làm gạo 5% tấm hiện khoảng 6.650 - 6.750 đ/kg, tùy từng địa phương; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.300 - 6.400 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 7.400 - 7.500 đ/kg, gạo 15% tấm 7.100 - 7.200 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.850 - 6.950 đ/kg.
Related news

Triển khai xây dựng dự án thí điểm đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tiến hành thả 57 tấn giống sò lông nhằm góp phần phục hồi sò lông tự nhiên, để hướng tới bảo vệ và tổ chức khai thác bền vững.

Hiện nay, bà con nông dân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đang bước vào mùa thu hoạch cá bổi thương phẩm.

Vài năm trở lại đây, nhiều người dân Pleiku đã được tận mắt chiêm ngưỡng và thưởng thức món đặc sản gà Đông Tảo-đặc sản “gà tiến Vua” của xứ sở nhãn lồng Hưng Yên. Ngay tại Gia Lai, nhiều người đã bắt tay nuôi thử nghiệm và nhân giống gà quý này…

Loại heo trên 100kg nhiều mỡ, ít nạc ở miền Tây thường khó bán thì nay lại được nhiều thương lái lùng mua với giá cao.

Lâu nay, việc chăn nuôi lợn đen truyền thống được bà con nhiều nơi trên địa bàn tỉnh duy trì. Sản phẩm thịt lợn đen xét về giá trị thương phẩm, nhu cầu và thị hiếu đều được người tiêu dùng lựa chọn cao hơn hẳn so với thịt lợn ngoại, lợn lai, hướng nạc, siêu nạc.