Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Khoai Tuột Thấp - Người Thuê Đất Trồng Khoai Vỡ Mộng Ở Vĩnh Long

Giá Khoai Tuột Thấp - Người Thuê Đất Trồng Khoai Vỡ Mộng Ở Vĩnh Long
Publish date: Sunday. May 27th, 2012

Thời điểm này năm ngoái, ở Vĩnh Long, khoai lang tím có giá ngất ngưởng (trên 1 triệu đồng/tạ) và giữ ở mức cao (khoảng 800.000 đ/tạ) trong thời gian dài. Từ lợi nhuận đáng mơ ước, nông dân (cả… bác sĩ) ồ ạt thuê đất trồng khoai và không chỉ ở xứ mình mà còn “xâm canh” sang xứ người. Tuy nhiên, khi giá khoai đột ngột tuột dốc thê thảm như hiện nay, người thuê đất như “đứng đống lửa”.

Đua nhau bỏ lúa, trồng khoai

Những ngày này đến xứ khoai, câu chuyện “thời sự” nhất được nhiều người đề cập nhất không chỉ là giá khoai xuống thấp mà còn là tình cảnh “dở khóc” của những nông dân đi thuê đất trồng khoai: Cô T. này thuê tới 300 công đất để làm khoai, lỗ nặng rồi; anh D. thuê ít hơn nhưng là lần đầu “ra làm ăn” nên không thể “bù qua đắp lại” được.

Nhiều ruộng khoai ở Bình Tân đang vào mùa thu hoạch nhưng giá rất thấp.

Thật ra, chuyện nông sản được thương lái mua giá cao, sau đó dùng chiêu để hạ giá (ngừng mua) đã không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, lợi nhuận từ khoai lang quá cao khiến nhiều người, nhiều nơi không thoát khỏi sự “cám dỗ”. Cùng thời điểm này năm trước, khoai lang tím Nhật ở ĐBSCL được các thương lái lùng sục “săn hàng”. “Trong một ngày có đến 4 - 5 thương lái tìm đến hỏi mua và đẩy giá lên liên tục, đến mức tôi phải “chóng mặt” vì… tiếp khách” - Bí thư Đảng ủy xã Thành Đông (Bình Tân) Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết.

Ngay lập tức nhiều ruộng lúa chuyển sang trồng khoai. Chưa thỏa mãn với diện tích đất nhà, phong trào thuê đất trồng khoai trở nên rầm rộ từ giữa đến cuối năm 2011. Không chỉ thuê đất trong tỉnh, mà người dân còn sang Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… thuê đất trồng khoai với hy vọng thu về tiền tỷ. Với sự phát triển quá “nóng” ấy, chẳng bao lâu đã bắt đầu lộ ra hậu quả là giá khoai trượt dốc thảm hại. Theo Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Thị Ngọc Bích: “Đó là điều tất yếu phải xảy ra, chỉ là sớm hay muộn thôi”.

Chiều 18/5, chúng tôi gặp chủ ruộng Nguyễn Xuân Trường (ấp Thành An, Thành Đông). Ông thở dài: “3 công khoai lang của tui vừa được thương lái thu mua với giá 250.000 đ/tạ, nhưng đến chiều cùng ngày họ biểu giá đã giảm xuống còn 220.000 đ/tạ với điều kiện khoai… đạt tiêu chuẩn. Theo các chủ ruộng: “Không chỉ giá thấp chưa từng có, lái còn đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe: củ phải đẹp, không lỗ, không sẹo vết, không to quá (nếu 3 củ/kg là bỏ). Nếu củ dài, lớn thì 1 công “bắn bỏ” 1 tạ (không tính tiền 1 tạ này - PV). Ông Trường còn cho biết, thương lái Trung Quốc còn đến tận ruộng “làm mình, làm mẩy” như đem củ khoai đi rửa, luộc chín và chờ… khô, để coi có bị mất màu không? Nếu mất màu thì… hổng mua. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông cho rằng: Dân mình “vượt sông” đi thuê đất ở xứ khác, thổ nhưỡng bên đó không giữ được màu tím của củ khoai nên mới có chuyện này.

Do cùng thời điểm này năm rồi giá khoai lang khá cao, nên diện tích trồng khoai năm nay đã tăng gấp 5 lần, lại vào thời điểm thu hoạch đồng loạt nên dẫn đến giá khoai tụt dốc không phanh trong khoảng 1 tuần nay - Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Thị Ngọc Bích nhận định.

Lỗ ít sẽ... ăn mừng

Câu nói này tưởng chừng là nghịch lý, nhưng đây là lời trần tình của một người đi thuê đất trồng khoai và không muốn… nêu tên. Để sang “xứ người” trồng màu có hiệu quả, đòi hỏi người đi thuê phải nắm vững kỹ thuật và có số vốn khá lớn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để thuê đất, mua giống, phân thuốc và mướn nhân công. Hiện, giá cho thuê đất trồng khoai khoảng 5 - 7 triệu đồng/công/năm; giá thuê nhân công làm khoai cũng thuộc hàng “đỉnh”, như trồng một muôn khoai: 450.000 - 520.000đ; vun giồng, vực giồng, khuân vác: 450.000 đ/ngày…

Gặp chúng tôi khi 35 công khoai thuê đất trồng ở Nông trường Sông Hậu sắp được thu hoạch, lão nông Đoàn Văn Phải (Thành Đông – Bình Tân) cho biết: Năng suất khoảng 50 tạ/công nhưng dự đoán chỉ ăn được 4/10 phần. Tổng vốn đầu tư đến 700 triệu đồng, nếu giá khoai được chừng 700.000 đ/tạ thì có thể có lời. Tuy nhiên, những ngày này, thấy ông thu hoạch khoai xong về nhà với vẻ mặt thất thần, xóm giềng không ai dám hỏi thăm vì nghe đâu, sản lượng khoai không đạt như dự tính của ông lúc đầu, mà giá thì… quá thấp (khoảng 200.000 đ/tạ).

Cũng là chủ khoai, vừa làm 9 công đất nhà, vừa thuê thêm 13 công ở xã Thuận An (Bình Minh) nhưng từ khi khoai rớt giá tới nay, anh Võ Văn Bằng (Thành Đông – Bình Tân) phải rong ruổi khắp nơi để… lựa khoai thuê. Anh cho biết, năm rồi giá khoai cao phát mê nên mới đi thuê đất trồng. Cả mấy đám khoai nhà anh hơn 5 tháng hết rồi nhưng còn neo chờ giá. “Mấy công đất nhà có thể lỗ nhẹ, chớ mấy công thuê thì lỗ nặng, khoảng 10 triệu đồng/công”. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, cứ làm thử bài toán dễ hiểu thế này: Năng suất mùa này khoảng 40 – 50 tạ/công. Chi phí trồng khoai đến thu hoạch trên đất nhà khoảng 10 triệu đồng/công. Nếu giá khoai khoảng 250.000 đ/tạ thì huề vốn. Còn ai đi thuê thì chi phí thuê và nhân công “đội” lên khoảng 10 triệu đồng nữa – phần này thì chịu lỗ. Càng đi xa chi phí càng cao thì càng lỗ nặng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Thị Ngọc Bích, do chưa có sự nghiên cứu kỹ nên những người thuê đất ở xa gặp thổ nhưỡng không thích hợp, một số còn phải đối phó với sâu bệnh… Thu hoạch không đạt, lái thường mua với giá thấp hơn xứ nhà. Hỏi về chủ trương của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ: Hiện địa phương cũng đang lúng túng vì quá bất ngờ với giá khoai. Nếu chuyển dịch thì cần có sự chỉ đạo của huyện. Nên đến thời điểm này, nhiều nông dân sau khi dỡ khoai giá thấp vẫn trồng tiếp với hy vọng mùa tới sẽ “gỡ lại”. Mặt khác, do 2 bên đều trồng khoai, chính giữa muốn sạ lúa hay trồng cây màu khác cũng không được.

Thiết nghĩ, trước tình trạng ồ ạt đi thuê đất, lại không tìm hiểu kỹ về thị trường, thổ nhưỡng… đến khi giá khoai tụt dốc không phanh, nông dân rơi vào tình cảnh “chết đứng” như thế này thì rất cần sự định hướng từ các ngành chức năng. Và, để tự bảo vệ mình, nông dân cần tính toán thật kỹ trước khi đầu tư một số vốn lớn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến chiều 22/5, giá khoai lang thu mua tại ruộng của Bình Tân, khoai đạt yêu cầu khoảng 250.000 đ/tạ, khoai lớn (lớn tháng) 180.000 – 190.000 đ/tạ.

Theo ông Đoàn Văn Phải, trồng khoai tại Nông trường sông Hậu phải tốn thêm chi phí bơm nước do nước ở đây lưng lửng không lớn ròng rõ như ở Bình Tân. Bên cạnh, còn phải “đối phó” với những con sâu (da láng, đầu đen cứng) lâu năm mà theo ông là…từ các bờ xoài xung quanh. “Có hôm 7 giờ tối ông cho xịt thuốc trừ sâu, đến 12 giờ ra bờ bao là thấy “có chuyện chẳng lành. Tức mình, tui đem con sâu bỏ vào ly thuốc trừ sâu nguyên chất nhưng cũng chẳng nhằm nhò gì với nó” – ông nói.

Related news

Nâng Chất Lượng Cá Tra Để Giữ Thị Trường Châu Âu Nâng Chất Lượng Cá Tra Để Giữ Thị Trường Châu Âu

Dù vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu cá tra của VN nhưng giá trị mặt hàng này xuất vào Liên minh châu Âu (EU) ngày càng giảm.

Thursday. August 7th, 2014
Người Nặng Lòng Với Cây Dó Bầu Người Nặng Lòng Với Cây Dó Bầu

Mạnh dạn thử nghiệm cây trồng mới, ông Nguyễn Văn Đức ở ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương)trồng xen canh cây dó bầu lấy trầm hương với cây điều, cao su. Sau gần 10 năm chăm sóc, vườn cây hơn 4 ha của ông chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuesday. July 29th, 2014
Đà Lạt Có Cơ Hội Trở Thành “Điểm Vàng” Nông Nghiệp Đà Lạt Có Cơ Hội Trở Thành “Điểm Vàng” Nông Nghiệp

Đó là khẳng định của ông Sengoku Yoshito - phó chủ tịch Đảng Dân chủ, nguyên phó chánh văn phòng nội các Chính phủ Nhật Bản.

Thursday. August 7th, 2014
Thanh Hóa Tăng Cường Mối Liên Kết Giữa Nhà Máy Với Vùng Nguyên Liệu Thanh Hóa Tăng Cường Mối Liên Kết Giữa Nhà Máy Với Vùng Nguyên Liệu

Trong những năm gần đây, công ty đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa nhà máy với vùng nguyên liệu, trọng tâm là triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía nguyên liệu và hỗ trợ người trồng mía.

Tuesday. July 29th, 2014
Cá Tra... Khát Vốn Cá Tra... Khát Vốn

Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Theo đó, cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, không thu lãi quá hạn, lãi phạt; đồng thời xem xét cho người nuôi vay mới để khôi phục sản xuất nhằm phát triển nghề cá tra.

Thursday. August 7th, 2014