Giá heo hơi bấp bênh người chăn nuôi nhỏ lẻ ngại tái đàn
Giá giảm
Giá heo hơi trên thị trường hiện giảm bình quân khoảng 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điềm đầu tháng 2016 (tức trước Tết Nguyên đán 2016). Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ, giá heo hơi loại tốt được nhiều người chăn nuôi bán cho thương lái ở mức 39.000 - 41.000 đồng/kg, tương đương 3,9 - 4,1 triệu đồng/tạ.
Theo nhiều người chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, hiện chi phí để nuôi một con heo đạt 100kg phải ở mức từ 3,7 - 3,9 triệu đồng/tạ đối với heo nuôi suôn sẻ, còn gặp trường hợp heo bị bệnh chi phí sẽ còn bị đội lên thêm do tốn tiền thuốc thú y. Hiện nay, heo hơi loại tốt tại các trang trại lớn, người nuôi có thể dễ dàng bán cho thương lái với giá 4 - 4,1 triệu đồng/tạ.
Riêng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó bán được với giá trên, nhất là những hộ dân sống tại những vùng có điều kiện giao thông chưa thuận lợi lắm. Tại nhiều vùng sâu vùng xa, thương lái đang thu mua heo hơi với giá chỉ khoảng 3,9 triệu đồng/tạ, thậm chí thấp hơn, do vậy người chăn nuôi rất khó có lời.
Theo anh Nguyễn Thanh Hùng ngụ xã Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, để nuôi 1 con heo vô tạ (tức đạt 100kg), nếu cho heo ăn bằng thức ăn công nghiệp, người nuôi phải sử dụng từ 7 - 8 bao thức ăn, tính ra tốn chi phí khoảng 2,3 - 2,4 triệu đồng. Trong khi đó, người chăn nuôi phải tốn thêm từ 1,2 - 1,5 triệu đồng triền mua con giống. Ngoài ra, người nuôi heo còn tốn thêm tiền điện nước để vệ sinh chuồng trại và tiền thuốc thú y, đó là chưa kể tiền công chăm sóc.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, cho rằng: "Với giá xuất bán heo hơi ở mức 4 triệu đồng/tạ, nếu tự sản xuất con giống và cho heo ăn bằng các thức ăn tự chế, người nuôi có thể kiếm lời được khoảng trên dưới 500.000 đồng/con heo/100kg. Ngược lại, nếu phải mua con giống và sử dụng thức ăn công nghiệp bào chế sẵn, hiện nhiều người chăn nuôi heo chỉ có thể kiếm lời khoảng 100.000 - 200.000 đồng/con heo/100kg. Đó là trong trường hợp heo nuôi ít bị bệnh và mau lớn, chứ nuôi không khéo, với giá hiện nay dễ có nguy cơ bị lỗ".
Trong chăn nuôi heo, hiện chi phí thức ăn chiếm chủ yếu, kế đến là chi phí mua con giống. Để giảm chi phí trong chăn nuôi, một bộ phận người chăn nuôi chọn giải pháp tự sản xuất con giống và cho heo ăn các loại thức ăn tự chế.
Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Bấn, ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền cho biết, chăn nuôi heo bằng các loại thức ăn tự chế rất bất tiện, heo nuôi cũng chậm lớn, không như ý muốn, do vậy phần đông người chăn nuôi vẫn phải sử dụng thức ăn công nghiệp.
Ông Bấn cho biết thêm: Bất lợi lớn cho người chăn nuôi là giá heo hơi đã giảm sâu nhưng giá thức ăn chỉ giảm nhẹ. Mặt khác, không biết có phải do chất lượng của nhiều loại thức ăn gia súc trên thị trường bị giảm mà cho heo ăn chậm lớn, người chăn nuôi phải tăng lượng thức ăn, heo mới đạt tạ. Trước đây, chỉ cần cho heo ăn 7 bao thức ăn đã vô tạ, nay phải tăng lên 8 bao…
So với hồi đầu năm 2016, hiện giá nhiều loại thức ăn gia súc đã giảm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/bao (tùy loại 25 kg/bao hoặc 40kg/bao). Song, mặt bằng giá chung của nhiều thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi heo trên thị trường vẫn còn khá cao, với giá phổ biến từ 310.000 - 450.000 đồng/bao, tùy loại.
Đơn cử, giá thức ăn đậm đặc Con Cò dành cho heo nái ở mức khoảng 414.000 đồng/bao/25kg (loại 37% độ đạm); thức ăn đậm đặc dành cho heo tơ có giá khoảng 445.000 đồng/bao/25kg; thức ăn hỗn hợp dạng viên dành cho heo lớn có giá 397.000 đồng/bao/40kg.
Cần định hướng cho người chăn nuôi
Trước tình hình trên, không ít hộ dân nuôi heo nhỏ lẻ đã tạm ngừng nuôi heo để chờ xem tình hình thế nào, trong khi đó nhiều hộ chọn giải pháp hạn chế tái đàn hoặc phát triển nuôi với số lượng vừa phải và tự sản xuất con giống nhằm giảm chi phí chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Tấm, ngụ ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nuôi vài chục con heo thịt nhưng nay chỉ còn duy trì 8 con heo nái. Tới đây khi heo nái đẻ heo con mới tái bầy nuôi heo thịt trở lại nhưng cũng nuôi với số lượng vừa phải để giảm rủi ro, còn lại sẽ bán con giống".
Anh Nguyễn Thanh Hùng ngụ xã Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cũng cho biết: "Có khá nhiều hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ tại địa phương đã tạm thời nghỉ nuôi hoặc hạn chế tái bầy. Giá heo giống từ ở mức khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng/con (loại khoảng 14 - 15 kg/con), nay đã giảm xuống còn khoảng 1,2 triệu đồng/con nhưng cũng không có nhiều người mua…".
Chăn nuôi heo được xem là sinh kế giúp nhiều hộ gia đình ở nông thôn có thêm việc và thu nhập. Thực tế cho thấy, dù giá heo hơi giảm và có nhiều bấp bênh trong thời gian qua, nhưng nhiều người chăn nuôi heo vẫn có thể kiếm sống được từ nghề này nếu biết tính toán kỹ nhằm giảm tối đa chi phí trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, về lâu dài các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm định hướng sản xuất, hỗ trợ người dân về thông tin thị trường, đặc biệt là kết nối giữa nhà chăn nuôi với nhà tiêu thụ nhằm bình ổn giá heo hơi đầu ra, giúp người dân an tâm phát triển chăn nuôi heo.
Đồng thời, cần tiếp tục quan tâm quản lý tốt giá cả, chất lượng các loại thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên thị trường và tích cực hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình và thực hiện các giải pháp chăn nuôi hiệu quả, an toàn sinh học, ít ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Ngoài ra, việc hướng dẫn người dân sử dụng nguồn con giống tốt, thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại đúng cách và chủ động phòng tránh dịch bệnh… cũng rất quan trọng nhằm giúp heo nuôi mau lớn, có chất lượng thịt tốt và hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra trên đàn heo.
Related news
Vụ lúa đông xuân sớm 2015-2016, nông dân các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận rất phấn khởi vì giá lúa liên tục tăng cao, hiện đạt 5.500 - 5.700 đồng/kg lúa khô.
Theo Sở NN&PTNT, hạn hán, xâm nhập mặn đã dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh Bạc Liêu đã có khoảng 6.000ha lúa - tôm bị thiệt hại.
Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, giá gà thịt đã bắt đầu tăng trừ 10.000 - 15.000 đồng/kg, cải thiện thu nhập cho người nuôi gà.