Giá gia súc, gia cầm tăng cao, trang trại nô nức tái đàn
Heo, gà đều tăng giá
Suốt từ đầu năm đến nay, mặc dù giá heo liên tục giảm, có thời điểm heo đẹp, nhiều nạc, ở cấp 70 kg/con chỉ có giá 36.000 - 37.000 đ/kg; heo nhiều mỡ có giá còn thấp hơn, chỉ 34.000 - 35.000 đ/kg, nhưng hộ ông Lưu Đình Chiểu ở xóm 5 thôn An Hậu, xã Ân Phong (Hoài Ân) không nản lòng, vẫn cầm chuồng đàn heo gần 40 con.
Bây giờ, khi heo bắt đầu tăng giá, đúng thời điểm đàn heo đã đến lúc xuất chuồng, ông Chiểu vui khôn xiết. “Hiện giá heo đang ở mức từ 42.000 - 45.000 đ/kg, tăng từ 5.000 - 7.000 đ/kg. Giá heo này ngang mức giá cao nhất của năm ngoái. Với mức này, người chăn nuôi có lãi từ 500.000 - 700.000 đ/con”, ông Chiểu phấn khởi cho biết.
Nước lên thuyền lên, giá heo thịt tăng, giá heo giống cũng tăng theo. Nếu như cách đây 1 tháng giá heo giống chỉ từ 50.000 - 52.000 đ/kg thì hiện đang đứng giá từ 60.000 - 66.000 đ/kg. Giá gia cầm cũng đang đứng ở mức cho người chăn nuôi cầm được đồng lãi.
Chị Hải ở phường Bình Định (TX An Nhơn), người chuyên thu mua gà cung ứng cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên, cho biết: “Gà ta thả vườn nếu là gà cồ đang có giá từ 100.000 - 110.000 đ/kg, gà mái có giá từ 70.000 - 80.000 đ/kg. Gà ta nuôi trại hiện có từ 60.000 - 65.000 đ/kg”.
Theo tính toán của người chăn nuôi, với những mức giá nói trên họ đã cầm được đồng lãi. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian này khá ổn định nên người nuôi không còn lo tăng chi phí đầu vào.
Ông Nguyễn Văn Nam, chủ gia trại chăn nuôi heo siêu nạc ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), cho hay:
“Các năm trước, giá heo thường chỉ biến động nhẹ khoảng 2 - 3 tháng là hồi phục, nhưng năm nay do ảnh hưởng của việc một số trang trại phía Nam dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, làm giá heo giảm sâu và kéo dài, người chăn nuôi bị thua lỗ. Thời điểm này, giá heo đã bắt đầu hồi phục trở lại, người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi”.
Nô nức tái đàn
Trước sự khởi sắc của giá các loại gia súc, gia cầm, người chăn nuôi ở Bình Định đang nô nức tái đàn hướng tới thị trường tết. 4 con heo nái của chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức (Hoài Ân) vừa đẻ đồng loạt được 50 heo giống. Mặc dù giá heo giống đang tăng cao nhưng chị quyết định giữ lại nuôi tất, hy vọng lứa này sẽ xuất chuồng đúng dịp bán tết với giá cao.
“Hiện trong chuồng nhà tui đang có 11 con heo thịt sắp xuất chuồng, với giá heo tăng cao như hiện nay, chắc chắn bầy heo này sẽ có lãi. Tui tính bán bầy heo này, trả tiền thức ăn cho đại lý, tiền lãi sẽ dồn vào đầu tư cho bầy heo con để kịp bán tết”, chị Bình nói.
“Để bảo toàn đàn gia súc bà con vừa tái đàn nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm, từ ngày 10/9, lực lượng thú y đã đồng loạt ra quân tiêm phòng vacxin phòng chống dịch lở mồm long móng cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Chi cục Thú y đã chuẩn bị đủ lượng vacxin, hóa chất để phục vụ đợt tiêm phòng này, phấn đấu có 85% đàn gia súc trong diện tiêm được tiêm phòng”, ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định nói.
Tại huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo của miền Trung”, không khí tái đàn đang diễn ra rất sôi nổi. Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Thú y Hoài Ân, cùng kỳ này năm ngoái đàn heo ở huyện Hoài Ân chỉ có 200.000 con, hiện con số này đã tăng đến 220.000 con.
“Cả trong thời điểm heo hạ giá, đàn heo trên địa bàn huyện vẫn không giảm. Bởi người chăn nuôi ở đây kinh nghiệm lắm rồi, họ nắm chắc sau 1 thời gian dài giảm giá chắc chắn sẽ có ngày giá tăng, do vậy họ không bao giờ bỏ trống chuồng. Hiện giá đã tăng, lại cận kề dịp tết nên phong trào tái đàn diễn ra càng mạnh mẽ”, ông Vương nói.
Chủ gia trại heo ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), ông Nguyễn Văn Nam cho biết thêm: “Gia trại của tôi hiện vừa tái đàn nuôi 30 con heo siêu nạc để bán vào thời điểm cuối năm. Theo kinh nghiệm chăn nuôi của tôi, từ nay đến cuối năm, giá heo sẽ ổn định do nhu cầu thị trường lớn hơn”.
Bên cạnh việc khôi phục đàn heo, người chăn nuôi gà ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu tái để kịp có gà thịt cung cấp cho thị trường cuối năm. Hầu hết các cơ sở nuôi gà cách đây 2 - 3 tháng phải treo chuồng do giá sản phẩm thấp, hiện đã nhập gà giống để nuôi trở lại, mỗi trại nuôi trung bình từ 400 - 600 con.
Ông Lê Văn Dư, GĐ Cty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa (Tuy Phước) cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, nhu cầu gà giống của người chăn nuôi ở Bình Định tăng khá mạnh, do hầu hết các trang trại, gia trại đều nhập gà giống về nuôi phục vụ thị trường tết.
“Trong thời điểm này, mỗi ngày cơ sở gà giống của tôi cung ứng khoảng 70.000 con gà giống 1 ngày tuổi, giá 19.000 đ/con. Tuy nhu cầu con giống phục vụ cho người chăn nuôi khá lớn, nhưng Cty vẫn giữ ổn định giá bán. Cty có đàn gà ta bố mẹ trên 300.000 con nên đủ cung ứng nguồn con giống đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho các trang trại, gia trại trong và ngoài tỉnh”, ông Dư nói.
Related news
Mặc dù không phải là nghề chính, thế nhưng mùa ruốc biển (còn gọi là khuyết) năm nay, ngư dân các vùng bãi ngang Lệ Thủy (Quảng Bình) được cả mùa lẫn giá khiến cho nhiều người vô cùng phấn khởi. Khai thác ruốc biển đã mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho những ngư dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2000. Ban đầu, ông xây ao nuôi thử nghiệm 15 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên ba ba chết dần dần. Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, trong vòng 4 năm ông Hòa đã ổn định được tay nghề và bắt đầu kiếm được thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này diện tích có tôm thả nuôi trong toàn tỉnh Bạc Liêu là 84.000ha. Trong đó, tôm nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh 6.277ha. Trong tuần qua, nông dân đã thu hoạch 53.436ha tôm nuôi, sản lượng đạt gần 1.500 tấn. Sau khi thu hoạch, nông dân tiếp tục cải tạo ao vuông và thả tôm nuôi hơn 19.200ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đã có 5.408ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Công ty TNHH liên doanh Thung Lũng Nắng đang tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án Trang trại nuôi cá “Thung lũng cầu vồng” tại xã Đạ Sar và xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Với tổng nguồn vốn 1,7 triệu USD, trên địa bàn 2 xã này, công ty thực hiện dự án trên 100ha rừng thuộc Khoảnh 3, Tiểu khu 115 và các Khoảnh 3, 7, 8, 9, Tiểu khu 99, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
Năm 14 tuổi, anh Trần Trọng Hoài ở khu 1, phường Tuần Châu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã lặn lội về quê gốc tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) để học nghề nuôi trồng thuỷ sản. Năm 1993, trở về Tuần Châu, anh nhận thấy tại khu vực Nuỗng Đầm có thể cải tạo để nuôi thuỷ sản. Anh đã xin chính quyền cấp cho 10ha để phát triển kinh tế.