Giá chuối rớt đáy, nông dân bỏ chín vườn hoặc cho gia súc ăn
Nhiều ngày gần đây, người trồng chuối tại Đồng Nai đang lao đao trong tình trạng giá chuối bán tại vườn giảm xuống mức chạm đáy kỷ lục 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không tìm thấy người mua.
Trong ảnh: do giá chuối thấp, trong khi công thu hoạch cao nên nhiều hộ dân để chuối chín rục tại vườn. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN
Nhiều chủ vườn buộc phải để chuối chín rục tại vườn rồi vứt cho gia súc, gia cầm ăn. Nguyên nhân là do Trung Quốc ngừng thu mua chuối theo con đường tiểu ngạch khiến nguồn cung vượt cầu đẩy giá xuống thấp kỷ lục.
Tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), nơi có hơn 100 ha diện tích trồng chuối, người dân đang gặp cảnh khốn đốn khi chuối bước vào vụ thu hoạch nhưng thương lái không mặn mà thu mua với lý do không xuất khẩu được.
Theo ông Vũ Đức Từ, chủ vườn chuối tại ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, cùng thời điểm này năm trước giá chuối bán tại vườn dao động từ 13.000 -17.000 đồng/kg. Năm nay, mặc dù chuối đã bị hạ xuống thấp đến mức kỷ lục 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không tìm thấy người mua.
“Chuối là loại thuộc “hàng hoá” đến vụ nếu không bán được thì coi như đổ bỏ, không thể để lâu được. Hiện tại với giá từ 500 - 1.000 đồng/kg chuối nếu có người mua thì chúng tôi vẫn bán”, ông Từ cho hay.
Cũng theo ông Từ, những năm trước trồng 1 ha chuối cho thu nhập ổn định khoảng trên 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên với giá bán hiện tại chỉ mong gỡ được đồng nào hay đồng ấy chứ không mong muốn hoàn vốn hoặc có lãi.
“Trồng chuối khỏe hơn các loại cây khác, ít công chăm bón, cây ít bệnh, phù hợp với nhiều loại đất. Nhưng để đạt được năng suất cao gia đình phải đầu tư phân bón, gậy chống, bọc nilon, thuê nhân công làm đất thường xuyên. Với giá chuối như hiện tại không đủ trả tiền thuê mướn nhân công”, ông Từ chia sẻ.
Bà Bùi Thị Hiên, chủ vườn chuối tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom cho biết, thời điểm hiện tại người dân cũng không còn mặn mà với việc bán chuối, do giá xuống quá thấp, bán rẻ như cho. Có những chủ vườn do giá bán chuối rẻ quá họ không “buồn” thu hoạch mà để chuối chín rục trên cây hoặc chặt cho dê, bò, gà ăn.
“Có trường hợp gia đình cho dê ăn nhiều chuối xanh quá, khó tiêu nên dê bị chết. Vì thông thường nếu cho dê ăn chuối xanh thì trước đó phải cho ăn lá cây đảm bảo dễ tiêu, không bị tắc ruột”, bà Hiên chỉ ra.
Một thương lái buôn chuối tại Đồng Nai cho biết, dịp này thị trường Trung Quốc dừng thu mua chuối nên nhiều lái buôn cũng hết “cửa” làm ăn. Hơn nữa, có nhiều thương lái do nghĩ giá chuối vẫn ổn định nên đã vào vườn “đặt hàng” mua trọn vườn từ khi chuối còn non. Do vậy, không chỉ người trồng chuối khốn đốn mà thương lái cũng lao đao vì giá chuối xuống thấp kỷ lục.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom cho biết, đất trên địa bàn xã thuộc loại đất đỏ, đất đen, đất xám, đất phèn… phù hợp với sự phát triển của cây chuối. Nên 4 năm trở lại đây người dân chuyển đổi diện tích trồng chuối khiến diện tích vườn chuối tăng mạnh, tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Những năm trước, vào thời điểm này, trong xã tấp nập thương lái và rất nhiều xe container chờ xếp chuối chở đi nhập, nhưng năm nay đã không còn cảnh nhộn nhịp. Các nhà vườn đều ảm đạm, giá chuối giảm tới mức chạm đáy, dân phải bán rẻ như cho hoặc chặt về cho gia súc, gia cầm ăn.
Trước tình hình trên, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã mời lãnh đạo các địa phương có nhiều diện tích trồng chuối lên họp để tìm hướng đi mới cho cây chuối, tìm kiếm những doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm để chuối của người dân có đầu ra ổn định. Sắp tới, sau khi hết vụ chuối này sẽ có những phương án mới, tìm “lối đi” cho chuối tại địa phương, ông Cường cho biết thêm.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, chuối không phải là cây trồng chủ lực của Đồng Nai, nhưng những năm gần đây, do chuối bán được giá, người dân tự ý chuyển đổi diện tích sang trồng chuối tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dịp này, Trung Quốc ngừng thu mua chuối dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá chuối rớt xuống mức chạm đáy. Đây được xem là bài học đắt giá, cảnh báo cho người dân đối với những loại cây trồng tự phát.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân, thị trường Trung Quốc không ổn định, do vậy khi quyết định trồng cây hoặc chăn nuôi phải xác định rõ ràng đối tác, đầu ra cho sản phẩm thì mới quyết định ký kết hợp đồng, tránh tình trạng ồ ạt trồng rồi ồ ạt chặt bỏ.
Related news
Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) Lại Xuân Môn tại buổi họp giao ban quý III giữa Thường trực với lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan T.Ư Hội ngày 6.10 tại trụ sở Báo NTNN.
Ngày 10.10, theo ghi nhận của phóng viên ở vùng đầu nguồn ĐBSCL, mực nước đã phủ trắng nhiều cánh đồng lúa đã được thu hoạch xong trước đó nhiều ngày. Theo đó, nhiều người dân bơi ghe xuồng len lỏi từ ruộng này sang ruộng khác để giăng câu, thả lưới...
Cái bắt tay 3 bên: Bộ NNPTNT (đại diện cơ quan quản lý nhà nước) - Doanh nghiệp - Báo NTNN (cơ quan truyền thông) tại lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN tổ chức ngày 8.10 vừa qua đã khẳng định: 3 bên sẽ đồng hành vì một nền nông nghiệp sạch với các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.
ĐBSCL được xem là “miền đất hứa” của những nông dân mang trong mình giấc mơ đại điền. Trong đó, 2 vùng đất rộng lớn thẳng cánh cò bay là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là nơi hội ngộ của những “thần nông thời hội nhập”...
Giá cá sấu thương phẩm đang xuống thấp gần như chạm đáy, loại 25-35 kg mỗi con chỉ còn 50.000 đồng một kg mà không có người mua.