Giá Cá Ngừ Giảm Mạnh
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, sản lượng thủy sản ngư dân Bình Định khai thác được trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 78.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt gần 5.000 tấn, tăng 6,6%. Sản lượng thủy sản khai thác được khá lớn, nhưng ngư dân không vui vì chi phí đầu vào đang ở mức cao, trong khi giá sản phẩm giảm mạnh.
Ông Bùi Thanh Ninh, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), quản lý tập đoàn tàu cá 16 chiếc hành nghề lưới vây rút chì, than vãn: “Chưa khi nào tôi thấy giá cá ngừ sọc dưa lại hạ thấp như năm nay.
Thời điểm này năm ngoái, cá ngừ sọc dưa 25.000 đồng/kg thì chuyến biển cách đây 1 tháng rớt xuống còn 14.000- 15.000 đồng/kg; hiện giờ có nhỉnh hơn một chút, nhưng cũng chỉ ở mức 17.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với năm trước. Với giá này, cả chủ tàu và thuyền viên đều gặp khó”.
Theo tính toán của ông Ninh, nếu trước đây mỗi chuyến biển, 1 tàu cá trong tập đoàn do ông quản lý khai thác được bình quân 10 tấn cá, bán với giá 25.000 đồng/kg, thu được 250 triệu đồng. Sau khi trừ tổn phí 150 triệu, còn lại 100 triệu đồng được chia cho 22 phần, mỗi người được trên 4 triệu đồng. Còn nay, cũng với 10 tấn cá mà mỗi thuyền viên nhận chưa được 1 triệu đồng.
“Lênh đênh trên biển gần cả tháng, nhưng mỗi người chỉ nhận chừng đó tiền thì làm sao lo được cuộc sống của cả gia đình. Dù vẫn còn khó, nhưng để thuyền viên gắn bó với mình, tôi phải ứng thêm tiền, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt” - ông Ninh bộc bạch.
Những tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương cũng chẳng khá hơn. Ông Nguyễn Văn An, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), chủ của 2 chiếc tàu cá chuyên câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Thời gian gần đây, giá cá ngừ đại dương giảm mạnh.
Trong đó, giá cá ngừ câu vàng 130 ngàn đồng/kg, cá ngừ câu tay từ 84.000 - 85.000 đồng/kg. Mỗi chuyến biển, bình quân tổn phí cho mỗi tàu khoảng 110 triệu đồng. Chuyến biển trước, sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên được chia vài triệu đồng.
Chuyến này đã xuất bến 20 ngày rồi, nhưng do gió Nam dữ quá và không có cá, nên mỗi tàu mới chỉ bắt được 5 con cá, lỗ là chắc rồi”.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, cho biết: Hiện đang cuối vụ khai thác cá ngừ đại dương, nên sản lượng cá khai thác được ít hơn chính vụ.
Hơn nữa, thời điểm này gió Tây Nam hoạt động mạnh, nên việc khai thác thủy sản trên biển sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, quy trình khai thác và bảo quản sản phẩm của ngư dân chưa được tốt, ảnh hưởng đến chất lượng cá. Các yếu tố nói trên ít nhiều tác động xấu đến hoạt động khai thác thủy sản và thu nhập của ngư dân.
Với giá bán sản phẩm như hiện nay, đa số tàu cá hành nghề lưới vây đều hòa vốn hoặc có lãi nhưng ở mức thấp; còn với nghề câu tay thì đa số các tàu hòa vốn hoặc lỗ, một số ít tàu có lãi nhưng cũng ở mức thấp.
Cũng theo bà Mai Kim Thi, để ngư dân tiếp tục bám biển trong thời điểm hiện nay, Chi cục sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân theo tinh thần Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ và đẩy mạnh việc hướng dẫn ngư dân áp dụng quy trình khai thác, bảo quản theo phương pháp của Nhật Bản, nhằm tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân.
Related news
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10h ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km.
Lào Cai có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thuỷ sản như số lượng ao, hồ nhiều với tổng diện tích mặt nước khoảng 1.500 ha; các hồ chứa có nguồn nước dồi dào phù hợp với điều kiện sinh sống của nhiều loài cá nuôi, nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Nghề nuôi cá lồng mặc dù quy mô nhỏ nhưng đã sớm hình thành.
Từ năm 2012 đến nay, mô hình nuôi ốc hương kết hợp với tu hài đã được ngành chức năng chuyển giao cho nhiều hộ dân ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kép về kinh tế lẫn môi trường nên đang được khuyến khích nhân rộng tại các vùng ven biển của tỉnh.
Cá lóc đồng 4,2 kg vừa được anh Nguyễn Văn Vũ (ấp Long Thành, xã Long Điền B, Chợ Mới - An Giang) bắt được tại con kênh trước nhà nối vào rạch Ông Chưởng.
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.