Gà Việt phát hoảng với đùi gà Mỹ chưa tới 20.000 đồng/kg

Hàng trăm ngàn tấn thịt gà đông lạnh bán ra với giá siêu rẻ này khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Ngay cả giới kinh doanh cũng ngạc nhiên vì giá gà nhập khẩu, nhất là gà Mỹ, lại rẻ đến như vậy vì giá bán lẻ tại Mỹ hiện đang rất cao, ở mức 3 - 4 lần giá thịt cùng loại bán tại VN.
Đùi gà Mỹ rẻ như... rau
Vừa hỏi giá các loại thịt gà đông lạnh từ một nhà cung cấp quen tại Bình Chánh (TP.HCM), anh Nguyễn Xuân Trường, chủ quán cơm bình dân tại Bình Dương, nhận được tin nhắn với nội dung giá đùi gà Mỹ 19.000 đồng/kg, má đùi 17.500 đồng/kg, cánh gà 55.000 đồng/kg và gà nguyên con (không đầu, cánh, chân) 35.000 đồng/kg. “Giá gà đông lạnh năm nay rẻ bất ngờ, năm ngoái tôi mua thường ở mức 30.000 đồng/kg” - anh Trường cho biết.
Do giá thịt đông lạnh nhập khẩu rẻ và dễ bảo quản, các quán cơm bình dân như anh Trường đã thay thế tất cả món thịt gà trong thực đơn như đùi gà, cánh gà, gà kho... sang hàng nhập. “Chỉ còn món gà ta vẫn phải dùng thịt gà trong nước” - anh Trường nói.
“Không thể sống nổi” là khẳng định của giám đốc kinh doanh một công ty chăn nuôi quy mô lớn tại Đồng Nai khi nhận được bảng thông báo giá mới của một đơn vị nhập khẩu. “Đùi gà Mỹ về đến VN bán với giá chưa tới 20.000 đồng/kg thì rẻ như rau ở siêu thị. Ngay cả các công ty và nông dân đang bán lỗ như hiện nay vẫn không thể cạnh tranh được với gà nhập khẩu” - vị giám đốc này cho hay.
Khảo sát ngoài thị trường, giá bán gà công nghiệp đông lạnh nhập khẩu đang rẻ hơn giá gà tươi trong nước 30 - 50%. Trong đó, thịt gà Mỹ nhập khẩu về VN có giá ngày một rẻ hơn và rẻ nhất trong số các quốc gia xuất khẩu thịt gà vào VN.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trung bình của năm tháng đầu năm 2015 với mặt hàng cánh gà đông lạnh, trong khi giá của Brazil và Argentina lần lượt là 1,9 USD/kg và 2,1 USD/kg thì cánh gà Mỹ chỉ có 1 USD/kg. Với mặt hàng đùi gà, giá cao nhất là gà nhập từ Lithuania 2,1 USD/kg, tiếp đến là Brazil 1,5 USD/kg, trong khi giá đùi gà Mỹ chỉ có 0,9 USD/kg.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện mỗi tuần đơn vị này đã cấp phép lưu thông 1.700 - 1.800 tấn thịt gà đông lạnh các loại (chưa kể phụ phẩm), tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Hải quan, trong năm tháng đầu năm 2015 VN đã nhập gần 54 triệu USD thịt gà các loại, bằng 52% tổng giá trị nhập khẩu của cả năm 2014. Đáng chú ý, thịt gà Mỹ nhập khẩu ngày một nhiều hơn khi chiếm tới 65% giá trị nhập khẩu (34,8 triệu USD).
Nhập khẩu gà của VN ngày một tăng lên, trong khi giá nhập khẩu không ngừng hạ xuống đang tàn phá ngành chăn nuôi trong nước. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, năm 2014 VN nhập khẩu trên 90.000 tấn thịt gà và phụ phẩm gà các loại. Nếu tính về khối lượng, thịt gà nhập khẩu chiếm khoảng 25% tổng lượng thịt gà công nghiệp nuôi trên toàn quốc. Nhưng do đa số thịt gà nhập khẩu là đùi và cánh nên số lượng nhập khẩu tương đương số lượng mặt hàng này trong nội địa.
Với giá rẻ hơn rất nhiều từ 40 - 50%, cánh và đùi gà nhập khẩu đã đánh bật các sản phẩm cùng loại trong nước. Đùi và cánh gà nhập khẩu đã có mặt ở hầu hết bếp ăn công nghiệp, trường học, bệnh viện, quán cơm bình dân, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh..., chân gà đông lạnh có mặt tại hầu hết quán nhậu bình dân, còn thịt gà xay đông lạnh giá rẻ đang dần thay thế thịt gà tươi trong nước trong phân khúc chế biến xúc xích, thịt viên... Hậu quả là thị phần thịt gà tươi trong nước ngày càng bị thu hẹp trước sức tấn công ngày một khốc liệt của thịt nhập ngoại.
Bất thường với gà nhập
Trở về sau chuyến đi Mỹ mới đây, ông Phi Long, chủ trang trại gà tại Đồng Nai, cho hay không hiểu sao giá gà Mỹ đưa về VN lại có thể rẻ đến mức không tưởng như hiện nay. “Tôi đến các siêu thị Mỹ, giá đùi gà họ bán lẻ vẫn ở mức 1,5 - 2 USD/pound, tức 60.000 - 80.000 đồng/kg, trong khi giá nhập về đến VN chỉ có 16.000 - 18.000 đồng/kg và giá bán ra chỉ có 19.000 đồng/kg là không thể tin nổi” - ông Long phân tích.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cũng cho rằng giá thành nuôi gà của VN hiện đang ngang bằng với các quốc gia trong khu vực và chỉ cao hơn so với Mỹ khoảng 5.000 đồng/kg vì họ ở ngay nguồn nguyên liệu bắp, đậu nành. Tuy nhiên, nhân công ở Mỹ lại cao hơn của VN gấp 10 lần, cộng thêm chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu, giá thành gà Mỹ nhập khẩu về VN phải bằng với giá thành nuôi trong nước.
“Nhưng không hiểu sao giá gà Mỹ lại rẻ bất thường như vậy. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xem hàng nhập khẩu từ Mỹ nói chung và các quốc gia khác nói riêng có phải là hàng cận và hết hạn sử dụng được các công ty nước ngoài bán rẻ cho VN hay không?” - ông Ngọc nói.
Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho hay giá thịt gà Mỹ nhập khẩu về VN giảm thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do giá chăn nuôi của họ giảm vì hầu hết nguồn nguyên liệu chăn nuôi như bắp, đậu nành đều giảm rất mạnh. Tập quán tiêu dùng của người Mỹ cũng khác VN do họ ăn nhiều ức gà (có giá rất cao) trong khi ăn ít đùi và cánh.
Dù vậy, việc giá gà nhập khẩu về đến VN bán ra chưa đến 1 USD/kg đùi gà là quá vô lý. Bởi dù người chăn nuôi ở Mỹ có lợi thế ở vùng nguyên liệu bắp và đậu nành nhưng họ có chi phí chăn nuôi lớn hơn VN, chưa kể chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu. Vì vậy, không loại trừ việc nhập khẩu có gian lận thương mại, tức nhà nhập khẩu mua hàng gần hết hạn sử dụng với giá rẻ rồi thay đổi nhãn mác bán cho người tiêu dùng.
Một nguyên nhân nữa mà VN cần lưu ý là từ cuối năm 2014 đến nay Mỹ xảy ra dịch cúm gia cầm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng hàng loạt nước ngưng nhập khẩu gà Mỹ. Do bị ngưng mua hàng, các công ty Mỹ sẽ tìm cách đẩy hàng tồn kho đi với giá rất rẻ và VN là một trong những điểm đến.
“Tôi không hiểu tại sao nước Mỹ xảy ra dịch cúm gia cầm nghiêm trọng như vậy mà VN vẫn cho phép nhập khẩu chân gà, cánh gà về với số lượng lớn. Chỉ đến khi nhiều quốc gia ngưng nhập, đến ngày 1-5 VN mới tạm ngưng nhưng các lô hàng đã ký trước đó vẫn được cho nhập về” - ông Lịch thắc mắc.
Related news

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 1.200 hộ dân phát triển nghề đặt trúm truyền thống. Đây là nghề ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay.

Ruộng đồng khô hạn kéo dài và chuột cắn lúa non trên diện rộng khiến nhiều nông dân tại miền Trung bỏ lúa trồng các loại hoa màu chịu hạn để mong có cái ăn, cái mặc. Cùng lúc, nông dân Trần Văn Cạn, thôn Nam Phù, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có cách diệt chuột độc đáo đang được nhân rộng.

Anh Trần Quốc Việt, cư ngụ tại ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là người thành công với mô hình đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 05 ha. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên anh đã thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp: 02 vụ tôm sú kết hợp 01 vụ cua, cá rô phi; 01 vụ lúa kết hợp với tôm càng xanh; nuôi cá sấu, cá bống tượng, mỗi năm thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng.

Gia đình anh Châu Văn Phương ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có truyền thống trồng mía, nhưng mấy năm nay giá cả bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại giống ớt sừng vàng châu Phi ngắn ngày cho thu nhập nhanh, giá bán cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Quảng Bình đã nhập nuôi khảo nghiệm và nhân giống thành công gà Sao thương phẩm (hay còn gọi là sao Lôi, gà Nhật, gà Phi hay chim trĩ châu Phi).